Chuyện chưa biết về một trong ba AHLĐ của ngành Y tế

Thứ Năm, 24/09/2015, 20:12
Với những thành công trong phẫu thuật, Thầy thuốc Nhân dân, GS.TS. Bùi Đức Phú vẫn được ca ngợi là "bàn tay vàng" của ngành ngoại khoa Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực phẫu thuật tim mạch.

Những kỳ tích y khoa nơi cố đô

Ngày 27/4/1999, lịch sử y học ở Huế đã ghi nhận ca mổ bắt cầu mạch vành đầu tiên được thực hiện tại BV Trung ương Huế không cần tuần hoàn ngoài cơ thể. Ngay hôm sau, ca mổ tim hở với tuần hoàn ngoài cơ thể được thực hiện cho một cháu trai 14 tuổi cũng đã thành công. Nhiều bệnh nhân tim đã được cứu sống trong điều kiện như vậy, nhưng rồi, không thể phẫu thuật nhiều khi cơ sở hạ tầng không cho phép. Điều này đã thôi thúc GS.TS. Bùi Đức Phú phải sớm xây dựng trung tâm tim mạch theo mô hình của Trung tâm tim mạch Pontchaillou – Rennes (Pháp).

Với sự vận động có uy tín của GS.TS. Bùi Đức Phú, Tổ chức Atlantic Philanthropies (Hoa Kỳ) đã tài trợ xây dựng Trung tâm tim mạch để năm 2007, chính thức đi vào hoạt động. Trung tâm hướng đến các mũi nhọn như can thiệp tim mạch, phẫu thuật tim bẩm sinh; phẫu thuật van tim; phẫu thuật mạch vành và đặc biệt là ghép tim - một lĩnh vực mới trong y học Việt Nam. Chỉ trong thời gian ngắn, Trung tâm đã phẫu thuật hơn 10.000 ca mổ tim hở và 15.000 ca can thiệp tim mạch.

GS.TS. Bùi Đức Phú.

Năm 2011, GS.TS. Bùi Đức Phú  và các y bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế đã thực hiện thành công ca ghép tim trên người đầu tiên, đánh dấu bước phát triển mới của BV. Cuộc phẫu thuật kéo dài trong 5 giờ đã kết thúc mỹ mãn cho bệnh nhân Trần Mậu Đức, 26 tuổi, bị bệnh cơ tim giãn, suy tim độ IV. Thành công từ ca ghép tim trên người từ người cho chết não đã tạo động lực cho ê-kip ghép tim tiếp tục thực hiện thành công ca mổ cấy tim nhân tạo bán phần đầu tiên ở Việt Nam cho bệnh nhân Hoàng Quốc Biên vào ngày 6/6/2014.

Thành công của chuyên ngành phẫu thuật tim càng khiến ông thêm tự tin để mở rộng hơn nữa việc ghép tạng. Trong 200 ca ghép thận được thực hiện tại  BV Trung ương Huế, trường hợp sự cố y khoa phức tạp của  bệnh nhân Hứa Cẩm Tú ở Cần Thơ đã được xử lý rất tốt, nên được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá là "ca ghép thận thể hiện tài, đức, bản lĩnh vượt khó của cán bộ nhân viên BV". Kết quả này càng tạo động lực để ông và các thầy thuốc của Bệnh viện tiếp tục triển khai nhiều kỹ thuật cao như  ứng dụng ghép tế bào gốc hỗ trợ điều trị ung thư, phẫu thuật cắt đại trực tràng qua lỗ tự nhiên, can thiệp tim mạch, thụ tinh trong ống nghiệm, xạ trị ung thư bằng những kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới...   

Nỗi niềm đau đáu

Cơ duyên dắt GS.TS. Bùi Đức Phú đến với ngành y từ những ký ức ngày nhỏ, trong những đêm phải vào bệnh viện chăm sóc mẹ, hay trong những lần theo cha chứng kiến những ca phẫu thuật cứu sống người bệnh mà người bạn của cha thực hiện. Để rồi, ông sớm nhận ra giá trị cao quý của nghề thầy thuốc, khi mang lại cuộc sống và hạnh phúc cho bao cuộc đời trở được trở về với gia đình sau những giây phút tưởng không còn được sum họp, trong niềm hạnh phúc khôn tả.

Thế là ông quyết tâm thi vào ngành y sau khi thi đỗ tú tài hạng ưu ban toán năm 1974 và trở thành sinh viên Trường Đại học Y khoa Huế. Niềm say mê nghề, trí thông minh và sự chăm chỉ luôn hòa trộn trong chàng sinh viên Huế, nên ông là một trong những người giỏi được chọn gửi ra Đại học Y Hà Nội để học chuyên ngành ngoại khoa. 4 năm theo học bác sĩ nội trú tại Bệnh viện Việt - Đức, ông lại may mắn được các bậc thầy của ngành ngoại khoa giảng dạy, như các thầy Tôn Đức Lang, Bửu Triều, Đặng Hanh Đệ, Nguyễn Đình Hối, đặc biệt là giáo sư Tôn Thất Tùng, người nổi tiếng với công trình cắt gan làm rạng danh thế giới –người "thầy của những người thầy ngoại khoa Việt Nam".

Không chỉ được học mà ông còn được GS Tôn Thất Tùng phát hiện tố chất của một bác sĩ ngoại khoa giỏi trong tương lai. Đó là sự tỉ mỉ, khéo léo và chính xác trong từng thao tác, sự quyết đoán và bình tĩnh trong mọi tình huống, khả năng tiếp thu kiến thức. Với những điều đó, khi ông thực tập nội trú tại Pháp, các giáo sư đã mời ở lại Pháp làm việc, nhưng khát vọng xây dựng một trung tâm tim mạch tại Huế, để có thể phẫu thuật tim cho những người bệnh, đã khiến ông quyết định trở về.

Để thực hiện ước mơ của mình trong bối cảnh đất bước còn gian khó,  GS.TS Bùi Đức đã nhờ sự giúp đỡ từ các tổ chức quốc tế, trước tiên là việc đào tạo nhân lực với việc gửi đồng nghiệp, học trò... đi thực tập tại nhiều nước, thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau, đồng thời, tổ chức phòng mổ tim, phòng hồi sức tim với các trang thiết bị vay mượn và nhờ viện trợ quốc tế.

 Lúc nào ông cũng đau đáu nỗi niềm làm sao để đảm bảo cho người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, an toàn và hiệu quả, hài lòng. Đó chính là triết lý chất lượng trong chăm sóc sức khỏe hướng vào cộng đồng, lấy bệnh nhân làm trọng tâm của ông. Có lẽ, tâm sự của ông sẽ lý giải vì sao, trái tim ông  luôn rung lên nhịp đập cùng người bệnh: “Nghề y là một nghề đặc biệt, vừa mang tính khoa học chính xác vừa có tính nghệ thuật, đó là sự tổng hợp các hoạt động thể lực, tinh thần và đạo đức, được bồi đắp bằng tài năng, sự giáo dục và kinh nghiệm. Đến một lúc nào đó bạn không còn coi ngành y là một nghề, mà bạn chỉ tìm thấy hạnh phúc duy nhất trong công việc bạn đang làm, thì thật sự bạn đã được giải phóng khỏi mọi rào cản vật chất đời thường với lòng say mê, sự kiên nhẫn, sẵn sàng vượt qua những trở ngại, và hơn tất cả là tình yêu thương với con người”.

Những cống hiến quan trọng của GS.TS. Bùi Đức Phú đã được ghi nhận, để ông trở thành một trong 3 Anh hùng Lao động của ngành y tế Việt Nam.

Thanh Hằng
.
.
.