Chẩn đoán và điều trị sớm, cứu hàng chục nghìn người đái tháo đường

Thứ Tư, 30/12/2020, 19:01
Trên thế giới, cứ 1 trong 10 người lớn đang mắc bệnh đái tháo đường. Đái tháo đường là một trong những bệnh không lây nhiễm nguy hiểm. Tuy nhiên, nhiều người mắc đái tháo đường ở nước ta lại chưa được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.  

Tại Hội thảo triển khai Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường típ 2 diễn ra vào chiều 30/12, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, các bệnh không lây nhiễm cũng là một đại dịch không kém COVID-19. Đái tháo đường là một bệnh nguy hiểm và phổ biến trên toàn cầu.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, bệnh không lây nhiễm cũng là một đại dịch không kém COVID-19

Theo Liên đoàn đái tháo đường thế giới, năm 2019 có 463 triệu người lớn (từ 20-79 tuổi) mắc đái tháo đường trên toàn cầu (tương đương 1 trong 11 người lớn đang sống với bệnh). Dự đoán vào năm 2045, con số này sẽ tăng tới khoảng 700 triệu người, hay nói cách khác 1 người trong 10 người lớn sẽ có bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, gần một nửa số người đang sống với bệnh đái tháo đường không được chẩn đoán (46,5%). Ước tính hơn 4 triệu người trong độ tuổi từ 20-79 đã tử vong vì các nguyên nhân liên quan đến đái tháo đường trong năm 2019.

Tại Việt Nam, theo báo cáo của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, tỷ lệ người mắc đái tháo đường rất cao, tùy lứa tuổi, có lứa tuổi tỷ lệ mắc ở mức 5-7% dân số. Đây là thách thức rất lớn với mỗi một người bệnh, với mỗi gia đình người bệnh, với xã hội và với các bác sĩ. Vì vậy, phải có hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh. Bên cạnh đó, phát hiện sớm, điều trị kịp thời đái tháo đường là rất quan trọng, để tránh người bệnh gặp nhiều biến chứng và tử vong.

Các bác sĩ, cán bộ y tế tham gia Hội thảo

Tuy nhiên, ở nước ta, 90% người bị tiền đái tháo đường nhưng không biết. Nhiều người khi phát hiện bệnh thì đã mắc đái tháo đường típ 2. Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, muốn phát hiện bệnh sớm thì cả hệ thống y tế dự phòng, y tế công cộng phải được kích hoạt, từ lối sống,vận động, ăn uống, sinh hoạt, đến sử dụng thuốc…

Người dân cần thăm khám để phát hiện bệnh sớm

Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh hy vọng, cuốn tài liệu Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường típ 2 vừa được Bộ Y tế ban hành được đưa đến các cơ sở y tế, đến với các bác sĩ qua không gian mạng. Kết hợp với buổi Hội thảo hôm nay, những hướng dẫn và chẩn đoán điều trị đái tháo đường sẽ được tăng cường triển khai đến các cơ sở y tế, giúp người bệnh ở các tuyến phát hiện bệnh sớm, đồng thời giúp bác sĩ tự tin hơn trong quá trình điều trị .



Trần Hằng
.
.
.