Cây đinh 4,5 cm nằm trong ruột bé trai và cảnh báo về trẻ nuốt phải dị vật
Chiều 31/10, tức sau 1 ngày được lấy cây đinh vít dài 4,5 cm ra khỏi cơ thể, sức khỏe cháu Thành đã hoàn toàn ổn định và chuẩn bị được xuất viện. Bác sĩ Phạm Trung Dũng, khoa Nội soi tiêu hóa của bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, trước đó chiều ngày 30/10, do người mẹ bận việc nên cháu Thành được bố trông và cho nằm chơi ở võng trong nhà.
Sức khỏe bé Tiến Thành sau khi được phẫu thuật lấy đinh ra khỏi ruột non đã ổn định chuẩn bị được xuất viện. |
Người bố làm thợ cũng vừa đi làm về nên trong túi áo ngực sẵn có 2 cây đinh vít đã vô tình lấy ra cho con chơi. Được một lúc chợt thấy con trai khóc thét, ông bố mới giật mình bế con lên và dỗ con nhưng cậu con trai vẫn cứ khóc. Người nhà chạy vào và hỏi chuyện một lúc, ông bố mới chợt nhớ ra mình có cho con chơi mấy cây đinh và vội tìm quanh chỗ võng bé nằm nhưng chỉ thấy còn 1 cây đinh, 1 cây kia biến đâu mất.
Cả nhà nghi ngờ và đưa cháu nhỏ vào trạm y tế gần nhất (đây là vùng sâu, vùng xa) sau đó Trạm y tế địa phương chuyển cháu lên bệnh viện Nhi Đồng 1, TP Hồ Chí Minh vào 8h sáng 31/10.
Tại đây, qua chụp X-quang kiểm tra đã phát hiện cây đinh vít dài 4,5 cm nằm trong đường tiêu hóa của bé. Tính tới thời điểm này thì cây đinh đã nằm trong bụng bé cả 20 tiếng và qua những nhịp co bóp của dạ dày đã gây trầy xước vùng dạ dày, đồng thời đẩy cây đinh di chuyển xuôi xuống phía dưới và nằm kẹt tại vùng ruột non, gây cho cháu rất đau đớn. Ê kíp các bác sĩ đã thực hiện nội soi và lấy thành công cây đinh ra ngoài sau 10 phút.
Hình ảnh cây đinh trong cơ thể bệnh nhi qua hình chụp X-Quang và khi được lấy ra khỏi vùng tá tràng ruột non. |
Theo bác sĩ Trung Dũng, đây là loại dị vật bén, nhọn và cây đinh dài nên khả năng được thải ra ngoài một cách tự nhiên là không có. Vị trí mắc kẹt lại ở vùng tá tràng ruột non. Nếu không được lấy ra sớm thì gây nguy cơ nhiễm trùng, gây hoại tử và có thể gây xuất huyết, gây thủng ruột.
Từ đầu năm tới nay bệnh viện cũng đã tiếp nhận và cấp cứu thành công nhiều trường hợp trẻ nuốt phải dị vật nguy hiểm như vậy. Điều cần cảnh báo ở đây là trường hợp nuốt dị vật là cây đinh bằng nhôm, có hình ảnh phản quang khi chụp X-quang thấy rõ nên sớm được thực hiện nội soi lấy ra ngay.
Còn nhiều trường hợp không thấy được qua hình ảnh X-quang vì dị vật bằng nhựa, gỗ …, mà người nhà đưa trẻ tới cũng không phát hiện ra trẻ đã nuốt dị vật gì thì có khi dị vật bị bỏ quên, và nằm quá lâu trong cơ thể, gây hoại tử, nguy cơ biến chứng nguy hiểm. Các trường hợp này thường khi đưa tới đã biến chứng như xuất huyết tiêu hóa, đau bụng, lúc đó mới nội soi thấy dị vật.
Bệnh viện đã tiếp nhận 15 trường hợp trẻ nuốt phải những dị vật khác nhau từ đầu năm 2015 tới nay như: Cây tăm, cây que kẹo mút, bông tai, kim băng, đồng tiền chơi điện tử, có khi là cục pin điện tử, đoạn ống tuýp nước, thậm chí có trẻ nuốt cả cái bàn chải đánh răng, muỗng nhựa dùng trong đồ chơi…