Khám, chữa bệnh vượt tuyến được tăng mức thanh toán bảo hiểm y tế

Thứ Năm, 25/12/2014, 15:45
Nhiều quyền lợi của người bệnh sẽ được bảo đảm hơn bắt đầu từ ngày 1/1/2015, khi chính thức áp dụng Luật sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế (BHYT). Trong đó, có vấn đề sẽ tăng mức chi trả BHYT khi đi khám, chữa bệnh (KCB) vượt tuyến, là điều đang được nhiều người dân đặc biệt quan tâm.

Hiện nay, những người KCB trái tuyến chỉ được chi trả ở các mức 30%, 50% và 70% chi phí, tùy theo loại bệnh viện (BV). Thông thường, các BV tuyến dưới nếu có khả năng điều trị cũng sẽ không cho bệnh nhân đi, một phần còn vì đảm bảo nguồn thu cho đơn vị họ (BV cũng thường không trả hồ sơ bệnh án cho bệnh nhân như khi BV chuyển tuyến vì không có khả năng điều trị). Nhưng từ ngày 1/1/2015, các mức chi trả này sẽ thay đổi theo hướng có lợi cho người bệnh.

Trong khi người đi khám, kê đơn, điều trị ngoại trú sẽ không được thanh toán, thì người bệnh vượt tuyến lại được tăng mức thanh toán khi nằm viện điều trị nội trú, cùng với việc được mang theo hồ sơ đã điều trị ở BV đầu tiên đã đến KCB.

Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế, từ 2015, nếu KCB vượt tuyến, quỹ BHY sẽ thanh toán trong phạm vi được hưởng với các mức: Nếu điều trị nội trú, thì ở BV tuyến TW sẽ được thanh toán 40% chi phí, ở BV tuyến tỉnh sẽ được thanh toán 60% và đến năm 2021 sẽ được tăng lên 100%; còn ở BV tuyến huyện từ 2015 sẽ được thanh toán 70% chi phí và từ 2016 sẽ được thanh toán 100% chi phí KCB trong cùng địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, từ 1/1/2016, Bộ Y tế sẽ mở thông tuyến KCB, tức là những người đã đăng ký KCB ban đầu tại tuyến xã, phòng khám đa khoa hoặc BV tuyến huyện, đều được quyền KCB tại tất cả đơn vị tuyến xã, phòng khám đa khoa hoặc BV trong tỉnh.

Ông Nguyễn Nam Liên cũng cho biết thêm: Khi đi KCB theo đúng tuyến, một số đối tượng sẽ được BHYT thanh toán 100% chi phí. Đó là lực lượng Quân đội, Công an, người có công với cách mạng, cựu chiến binh, trẻ em dưới 6 tuổi, người thuộc diện trợ cấp bảo trợ xã hội, người nghèo, người dân tộc thiểu số, người sống ở huyện đảo vv…

Một số ý kiến lo ngại về việc nếu vượt tuyến, người bệnh được BHYT thanh toán 40%, sẽ làm cho BV tuyến TW bị quá tải, vì hiện chỉ được thanh toán 30% mà các BV tuyến TW đã quá tải. Tuy nhiên, về vấn đề này, người đứng đầu của các BV ở TW và Hà Nội có những quan điểm khác nhau.

PGS.TS. Vũ Bá Quyết, Giám đốc BV Phụ sản TW bày tỏ lo ngại bệnh nhân ở các BV tuyến TW sẽ tăng nhanh, khi chi phí BHYT và thủ tục cho bệnh nhân vượt tuyến được nới rộng, tạo thuận lợi cho người bệnh vượt tuyến dù chưa cần thiết. Như vậy, chắc chắc sẽ gây nên tình trạng quá tải cho tuyến cuối.

Tuy nhiên, PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức, ông Nguyễn Ngọc Hiền- Phó Giám đốc BV Bạch Mai lại cho rằng, việc chi trả cho bệnh nhân nhiều hơn cùng với trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ bệnh án cho người bệnh, là đáp ứng đúng nhu cầu KCB của người dân. Đây chính là cách rất tốt để mục tiêu mở rộng BHYT nhanh chóng trở thành hiện thực. Vì nếu người dân bỏ tiền ra mua BHYT, nhưng khi đi KCB lại không được thực hiện quyền của mình, thì sẽ không thể khuyến khích họ mua BHYT.

Bên cạnh đó, với việc BHYT chi trả nhiều hơn cho người bệnh, thì việc chữa trị cũng có điều kiện tốt hơn, người bệnh đỡ lo lắng hơn về chi phí KCB. Đặc biệt, việc tuyến dưới có trách nhiệm cung cấp hồ sơ cho người bệnh vượt tuyến, thay vì mặc kệ như trước đây, sẽ tạo thuận lợi hơn cho các thầy thuốc tuyến sau trong việc điều trị kịp thời cho bệnh nhân.

Thanh Hằng
.
.
.