Can thiệp sớm cứu 20 thai nhi chào đời khỏe mạnh

Thứ Sáu, 11/12/2020, 19:30
Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã thực hiện thành công 20 ca truyền ối vào buồng tử cung, cứu sống 20 thai nhi chào đời khỏe mạnh. Kỹ thuật truyền ối cứu sống thai nhi trong buồng tử cung cho trường hợp thiểu ối (ít ối) là giải pháp hiệu quả nhất hiện nay.


Đây là chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tại Hội nghị Khoa học chỉ đạo tuyến chuyên ngành sản phụ khoa Hà Nội lần thứ 8/2020 “Cập nhật và ứng dụng” diễn ra hôm nay 11/12.

Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam thực hiện kỹ thuật truyền ối – truyền trực tiếp dung dịch vào buồng tử cung. 

Trung bình, những thai phụ có chỉ định truyền ối thường ở tuần thai từ 18-28, tuy nhiên bệnh viện đã can thiệp cho 2 trường hợp mang thai dưới 18 tuần. Trong 25 ca chỉ định truyền ối, có 3 ca mang song thai và đều cứu được 2 cháu, sinh ra bình thường.

Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng cho biết, có ca chỉ cần truyền 1 lần ối, nhưng có ca phải truyền tới 2 lần, 3 lần. Điển hình là thai phụ truyền 3 lần ối ở tuần thứ 17, 23 và 31. “Lúc truyền ối lần đầu chúng tôi nghĩ không cứu được. Tuy nhiên sau truyền, chúng tôi giữ thai được 38 tuần và em bé sinh ra nặng 2,8kg”, người đứng đầu Bệnh viện cho biết.

Chia sẻ về sự thành công của kỹ thuật đỉnh cao này, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội minh chứng bằng ca bệnh 32 tuần, thai nhi 2kg, bị thiểu ối, nếu gặp trường hợp này thì đa số các cơ sở y tế sẽ cho sản phụ sinh ra. Tuy nhiên, khi chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, các bác sĩ đã chỉ định truyền ối vào buồng tử cung cho thai phụ. Kết quả thai nhi đã giữ được đến tuần thứ 39, sản phụ sinh thường, cháu bé nặng 2,7kg. Hoặc có thai phụ ở tuần thứ 32 bị hết ối, rau tiền đạo, khi truyền ối đã giữ được thêm 2 tuần và cháu bé tăng thêm 200g.

PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đưa hình ảnh những em bé sinh ra khỏe mạnh do can thiệp truyền ối vào buồng tử cung 

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, trong 25 ca có chỉ định truyền ối vào buồng tử cung, đã thành công 20 ca (chiếm 80%), tuổi thai giữ được từ 36-40 tuần; thất bại 5 ca do vỡ ối, sảy thai, thai chết. “Nếu bệnh nhân được đưa vào viện trong giai đoạn thiểu ối dễ cho bác sĩ cứu chữa và cơ hội giữ được tuổi thai cao hơn, tỷ lệ thành công cao. Nếu đưa bệnh nhân vào giai đoạn hết ối thì khó khăn hơn rất nhiều, tỷ lệ thành công chỉ 70%”, PGS.TS Nguyễn Duy Ánh cho biết.

Theo Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, chặng đường nuôi một em bé sinh non rất gian nan. Chính vì vậy, khi đạt được thành quả trong kỹ thuật can thiệp vào buồng tử cung, cứu được 20 em bé hoàn toàn khỏe mạnh, ông và các đồng nghiêp rất vui và cho biết, đến nay chưa có giải pháp nào khác hiệu quả hơn hơn kỹ thuật này. 

Chính vì vậy, PGS.TS Nguyễn Duy Ánh khuyến cáo: "Các cơ sở y tế nên chẩn đoán sớm thiểu ối. Khi có bệnh nhân thiểu ối mà chưa biết làm gì, hãy chuyển cho chúng tôi càng sớm càng tốt, bởi can thiệp buồng tử cung sớm sẽ mang đến cơ hội cho em bé được lớn thêm nhiều hơn, sơ sinh tốt hơn".

Trần Hằng
.
.
.