Vì sao bác sĩ bị... đánh?

Thứ Năm, 28/09/2017, 08:39
Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra nhiều vụ bạo hành cán bộ y tế gây bức xúc trong dư luận và tác động tới tâm lý của số đông các thầy thuốc trong cả nước. Làm thế nào để bảo vệ các thầy thuốc, là câu hỏi xuyên suốt trong cuộc Hội thảo "Hãy vào cuộc mạnh hơn vì sự an toàn của của cán bộ y tế”, do Công đoàn Bộ Y tế và Báo Lao động tổ chức tại Hà Nội ngày 27-9.

Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này được các nhà quản lý đưa ra mổ xẻ. Theo Ths. Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam, nguyên nhân trước hết đến từ bệnh nhân. Họ bị tổn thương về thể chất và tâm lý, lại thiếu sự kiên nhẫn do tác động của bệnh tật nên khi đến bệnh viện (BV) luôn mong muốn được phục vụ trước, trong khi khả năng của cơ sở y tế không thể đáp ứng.

Các thầy thuốc phải được bảo vệ an toàn mới làm tốt việc khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Thứ hai, hệ thống y tế chưa đủ điều kiện cho cán bộ y tế phục vụ người bệnh tốt nhất. Tình trạng thiếu nhân lực khiến một bác sĩ phải khám và điều trị cho vài chục người bệnh một ngày, rồi thủ tục khám rườm rà của BHYT khiến cán bộ y tế phải hứng chịu bức xúc của người bệnh. Do thiếu nhân lực nên cán bộ y tế chỉ tập trung vào chuyên môn mà thiếu tư vấn, cung cấp thông tin cần thiết cho người bệnh - nguyên nhân quan trọng khiến người bệnh bức xúc.

Bà Trần Thị Bích Hằng, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cho rằng, hiện  chưa có cái nhìn công bằng với cán bộ y tế. Ở Mỹ, việc hành hung một y tá đang làm việc là tội nghiêm trọng. Trong khi vụ hành hung bác sĩ tại BV Đa khoa Nghệ An chỉ bị xử phạt hành chính. Vì thế, cần có chế tài đủ sức răn đe những kẻ đã hành hung nhân viên y tế khi đang thực hiện nhiệm vụ.

TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp (BV Bạch Mai) cũng đồng tình quan điểm này: Pháp luật phải đủ mạnh, nghiêm minh, để không còn tình trạng bạo hành trong ngành Y tế.

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, có ý kiến thẳng thắn chỉ ra: Các y bác sĩ ở các BV lớn luôn coi mình là bề trên, bệnh nhân muốn được chữa trị phải xin xỏ… Khi phải chứng kiến người thân ra đi oan uổng, trong lúc đau đớn họ không kiềm chế được, dẫn đến bạo lực. Vì thế, cần phải giải quyết thấu đáo gốc của vấn đề, nhất là khi các vụ bạo hành chỉ xảy ra ở các BV công.

Về điều này, ông  Cao Hưng Thái – Phó Cục trưởng Cục Quản lý KCB (Bộ Y tế) cho hay, BV ngoài công lập chiếm tỉ trọng rất thấp so với BV công và BV công có nhiều điểm khác với BV tư:  BV công là do nhà nước đầu tư, tình trạng quá tải rất cao.

Để ngăn chặn nạn bạo hành nhân viên y tế, một số BV tuyến Trung ương đã có lực lượng Công an trực cùng bác sĩ tại các phòng cấp cứu. Song việc hành hung nhân viên y tế vẫn có thể xảy ra. Vì thế, một số người cho rằng, bác sĩ giỏi chuyên môn thôi chưa đủ, cần phải học võ để bảo vệ tính mạng. Bởi hiện nay, về phương tiện bảo vệ cho đến luật pháp, nhân viên y tế không có công cụ gì để bảo vệ mình.

Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Cường, Phó Giám đốc BV Đa khoa Hà Đông lại cho rằng, ngoài việc KCB, cán bộ y tế còn phải học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, rồi cuộc sống đời thường, chứ không thể có thời gian để đi học võ. Hơn nữa, phải phân tích được nguyên nhân đến từ hai phía, cả cán bộ y tế và bệnh nhân, để có một nếp sống văn minh ở nơi công sở.

Ông Phạm Đức Mục cho rằng, chửi bới, lăng mạ cán bộ y tế là hành vi phạm pháp. Nhưng đáng tiếc đây lại là dạng bạo hành thường gặp nhất của cán bộ y tế ở Việt Nam. Nhưng hành vi chửi cán bộ y tế chưa đủ để áp dụng việc bắt giam, xử lý.

“Tôi nghĩ cán bộ y tế không thể tự bảo vệ được họ. Sứ mệnh của thầy thuốc là cứu bệnh nhân thì phải có một lực lượng để bảo vệ họ. Cần coi BV là một điểm nóng của xã hội và phải tăng cường hệ thống camera giám sát, tăng cường lực lượng an ninh để bảo vệ cán bộ y tế”- ông Phạm Đức Mục nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến đề nghị, cần tăng cường đảm bảo ANTT cho cán bộ y tế làm việc trong các BV. Nếu tạo ra môi trường vừa có chuyên môn, văn hóa, pháp luật thì việc bạo hành sẽ giảm đáng kể.

Thanh Hằng
.
.
.