Bộ Y tế sẽ siết chặt quản lý thực phẩm chức năng

Thứ Năm, 22/11/2018, 17:53

Tại hội nghị Khoa học quốc tế về thực phẩm chức năng (TPCN) lần thứ 2 do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội ngày 22-11, đại diện Bộ Y tế cho biết: việc sản xuất, quảng cáo thực phẩm chức năng hiện có rất nhiều vi phạm.



Theo Bộ Y tế, khái niệm về TPCN rất rộng, là hỗ trợ chức năng cơ thể của con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng… Vì thế, nhiều nhà sản xuất đã lợi dụng để sản xuất sản phẩm TPCN không đạt chất lượng, nhập nhèm trong quảng cáo gây hiểu lầm là thuốc, tốn kém cho người tiêu dùng, mà quan trọng là người bệnh tin vào “thuốc” mà bỏ qua thời gian vàng điều trị…

Theo đại diện Bộ Y tế, những vi phạm phổ biến hiện nay của các doanh nghiệp sản xuất TPCN là vi phạm quảng cáo, nhất là quảng cáo quá công dụng của sản phẩm. Thậm chí nhiều sản phẩm được sản xuất khi chưa đăng ký với cơ quan quản lý; sản phẩm dù chưa được phép lưu hành nhưng đã đưa ra thị trường; vi phạm các quy định cấm, sản xuất không đúng với chất lượng công bố (đăng ký một đằng, sản xuất chất lượng một nẻo)…

Thực phẩm chức năng giả từng được bán trên thị trường

Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết thêm, trên thị trường Việt Nam hiện có tới 70% sản phẩm TPCN được sản xuất trong nước, trên 20% được nhập khẩu. Bộ Y tế đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật để quản lý. Trong đó, quy định quan trọng là việc ghi nhãn mác TPCN. Cụ thể, ngoài các quy định bắt buộc, trên nhãn các sản phẩm qui định yêu cầu phải ghi rõ “thực phẩm này không phải là thuốc và không thay thế thuốc chữa bệnh”.

Dù đã có các quy định, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn vi phạm như cố tình ghi nhãn TPCN như thuốc chữa bệnh, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Nhiều bệnh nhân tin tưởng là thuốc mua về uống khiến bệnh ngày càng nặng thêm…

Các vi phạm chính là quảng cáo chức năng sai sự thật, quảng cáo khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thẩm định nội dung. Quảng cáo vi phạm các quy định cấm quảng cáo theo qui định của pháp luật; sản xuất TPCN không đúng với chất lượng như bản đăng ký công bố sản phẩm; Ghi nhãn sản phẩm TPCN không đúng với các quy định của pháp luật, sản xuất TPCN khi chưa đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; sản xuất TPCN ở nơi không đủ điều kiện ATTP.

“Với chức năng là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này, trong thời gian tới, chúng tôi phối hợp với một số cơ quan chức năng triển khai quyết liệt việc quản lý TPCN như tiến hành hậu kiểm nhằm phát hiện những hành vi vi phạm và sẽ xử lý rất nặng. Đặc biệt, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm những doanh nghiệp vi phạm trong việc quảng cáo, ghi nhãn mác TPCN...” – ông Phong nêu rõ.

Cũng theo ông Phong, nhằm quản lý an toàn TPCN và nâng cao chất lượng sản phẩm này, bắt đầu từ 1-7-2019, tất cả các doanh nghiệp sản xuất TPCN phải đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt GMP.

Theo ông Phong, thực tiễn nhiều doanh nghiệp dù chưa được chứng nhận GMP, nhưng qua khảo sát của cơ quan chức năng thì thấy, hầu hết các doanh nghiệp đã đạt tiêu chuẩn GMP, và họ đang trong quá trình làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận. Hiện chúng tôi đã cấp giấy chứng nhận đạt GMP cho hơn 10 doanh nghiệp. Dự kiến thời gian tới có hơn 100 đến 200 doanh nghiệp sẽ đạt GMP. Chúng ta không lo thiếu TPCN, chỉ lo thiếu sản phẩm tốt. Do vậy nếu không quản lý chặt chẽ thì hệ quả khó lường, chất lượng khó kiểm soát, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Và chúng tôi kiên quyết thực hiện theo lộ trình này.

Thanh Hằng
.
.
.