Bình Dương phải tăng tốc xét nghiệm, quản lý nghiêm ngặt cách ly tập trung
Đến nay, Bình Dương đã có hơn 100 ca bệnh, dịch lây lan trong cộng đồng với 4 chuỗi lây nhiễm liên quan đến các công ty, xí nghiệp. Các chuyên gia của Bộ Y tế đã giúp đỡ Bình Dương xử lý môi trường, song nếu không tăng tốc truy vết, xét nghiệm, dịch sẽ tiếp tục tăng nhanh.
Theo đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bình Dương, tính đến ngày 21/6, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 89 ca bệnh COVID-19, trong đó, có 4 chuỗi lây nhiễm liên quan đến các công ty, xí nghiệp sản xuất.
Đến trưa 22/6, Bộ Y tế công bố Bình Dương có thêm 33 ca mắc COVID-19, trong đó có 22 ca liên quan ổ dịch Công ty Housewares – TP Thuận An, 6 ca liên quan ổ dịch Công ty Gốm sứ Hiền Hòa Anh, phường Tân Vĩnh Hiệp, thị xã Tân Uyên, 5 ca là các trường hợp F1 đã cách ly.
Ca bệnh chỉ điểm đầu tiên trong đợt dịch thứ 4 xuất hiện ở Bình Dương từ ngày 12/6 là BN10.584, trú tại phường Tân Phức Khánh, thị xã Tân Uyên, làm nghề bán trà sữa tại phường Phú Mỹ, TP Thủ Dầu Một.
Trước đó, ngày 8/6, bệnh nhân tổ chức tiệc thôi nôi tại nhà. Sau khi ca bệnh chỉ điểm được phát hiện, ngành Y tế Bình Dương đã phát hiện 14 ca bệnh là những người tham gia tiệc thôi nôi. 14 ca bệnh này là công nhân tại các công ty, cơ sở sản xuất.
Ngành Y tế đã mở rộng truy vết, phát hiện những chuỗi ca bệnh liên quan đến các công ty trên. Chuỗi lây nhiễm trong Công ty House Wares bắt dầu từ 2 F0 tham gia tiệc thôi nôi, ngành Y tế khoanh vùng truy vết 1.206 F1 cách ly tại Khu cách ly Trường ĐH Thuỷ Lợi và khu cách ly Trường Nguyễn Trung Trực; 2.500 trường hợp F2. Đến nay đã phát hiện 36 ca bệnh.
Chuỗi lây nhiễm liên quan đến Công ty Hiền Hoà Anh, phường Tân Vĩnh Hiệp bắt đầu từ 1 F0 tham gia tiệc thôi nôi, đã giám sát được 49 trường hợp F1. Đến nay, ghi nhận 15 ca mắc là các nhân viên của công ty và các trường hợp được phát hiện trong khu phong tỏa.
Chuỗi lây nhiễm ở Công ty Xử lý rác thải bắt nguồn từ nhân viên tài xế của công ty mắc bệnh. Sau đó công tác điều tra, truy vế đã ghi nhận chuỗi lây nhiễm này có 14 ca bệnh. Có 70 F1, danh sách các F1 đang được tiếp tục điều tra, bổ sung.
Ngoài ra, ngành Y tế Bình Dương đã ghi nhận ổ dịch tại Công ty PuKu, KCN Đồng An, TP Thuận An. Tại đây phát hiện 5 ca bệnh. 693 nhân viên của công ty đã được cách ly tập trung, 66 trường hợp F2 được cách ly tập trung tại công ty (công ty đã phong tỏa từ ngày 11-6), các F2 còn lại cách ly tại nhà.
Ngày 19/6, ghi nhận 2 ca bệnh tại Bình Nhâm, Thuận An qua sàng lọc tại BV Becamec. Ngành Y tế đã truy vết các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân, trong đó có 31 nhân viên tại chi nhánh một ngân hàng trên địa bàn.
Đại diện CDC Bình Dương cho biết, huyện Tân Uyên có nhiều ca mắc nhất. Đối với các ca bệnh lây lan trong công ty, khi người lao động về các khu nhà trọ đã lây lan dịch bệnh cho dân cư trong nhà trọ. Những cư dân này lao động tại các xí nghiệp khác do đó lại mang mầm bệnh lây lan vào các phân xưởng.
Ngành Y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân ở Tân Uyên, Bình Dương. Ảnh: Dương Bình |
Bình Dương là tỉnh có nhiều KCN, KCX, rút kinh nghiệm từ Bắc Giang, để COVID-19 lây lan tiếp vào các KCN khác ở Bình Dương, hậu quả là vô cùng lớn.
Chính vì vậy, Tổ thực hiện cách ly, xử lý môi trường y tế thuộc Bộ phận thường trực đặc biệt hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế đã đến hỗ trợ tỉnh Bình Dương trong phòng, chống dịch COVID-19.
Tuy Bình Dương đã nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo phương châm “4 tại chỗ”, nhưng năng lực xét nghiệm của tỉnh hiện nay còn rất thấp, trên 1.000 mẫu gộp, trên 3.000 mẫu đơn mỗi ngày.
Tỉnh đang triển khai chiến lược xét nghiệm trên diện rộng để bao vây, đón đầu, khoanh vùng dập dịch, huy động nhân lực trên toàn tỉnh thì 1 ngày có thể lấy được 50-70.000 mẫu. Các khu cách ly tập trung trên địa bàn hiện có tổng công suất tối đa 7.000 người.
Trong 2 ngày tới, tỉnh sẽ sẵn sàng thêm các khu cách ly, nâng cao công suất lên 10.000 người. Các khu điều trị trên địa bàn có thể tiếp nhận và điều trị khoảng 600 bệnh nhân. Tỉnh đang có phương án mở rộng thêm khu điều trị công suất 500 giường.
Sau khi đến Bình Dương, làm việc và nghe báo cáo, ông Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế, Tổ trưởng Tổ thực hiện cách ly, xử lý môi trường y tế thuộc Bộ phận thường trực đặc biệt hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế nhận định, đối với tỉnh Bình Dương hiện nay cần xác định công tác xét nghiệm là đặc biệt quan trọng.
Năng lực xét nghiệm khoảng 3.000 mẫu/ngày là còn rất hạn chế. Để đảm bảo kịp thời nhận diện, khoanh vùng và khống chế dịch bệnh, tỉnh cần nâng năng lực xét nghiệm, cao nhất có thể nâng lên 30.000 mẫu/ngày. Ngoài ra, cần nâng cao năng lực thực hiện test nhanh, đảm bảo 100% người dân ở các khu vực nguy cơ cao được test nhanh để kịp thời nhận diện ca bệnh.
Theo ông Nam, để đáp ứng được những điều này, Bình Dương cần huy động thêm nhân lực ở các trường cao đẳng y dược trên địa bàn. Ngoài ra có thể huy động nhân lực từ các trường đại học, cao đẳng y dược TP Hồ Chí Minh hỗ trợ.
Với địa bàn lớn, nơi tập trung nhiều công nhân, người lao động, Bình Dương cần nâng cao năng lực cách ly tập trung để sẵn sàng tiếp nhận và cách ly cho từ 30.000-50.000 người. Đồng thời phải lên phương án triển khai bệnh viện dã chiến để kịp thời tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 khi số ca bệnh tăng lên; tất cả các bệnh viện cần triển khai tầm soát trong nội viện.
Hiện nay, số người phải cách ly tập trung ở Bình Dương rất đông và sẽ tăng trong những ngày tới, vì vậy, ông Nguyễn Đình Trung, Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường Bộ Y tế khuyến cáo, đảm bảo năng lực cách ly tập trung đặc biệt quan trọng, nếu không tổ chức tốt trong các khu cách ly thì nguy cơ lây nhiễm chéo là rất lớn.
Chúng ta đã có bài học lây nhiễm chéo trong khu cách ly ở Bắc Giang, Hải Dương, nên để tránh xảy ra tình trạng tương tự, phải quản ly và kiểm soát chặt chẽ tại các khu cách ly tập trung.
Để làm tốt điều này, Tổ thực hiện cách ly, xử lý môi trường y tế đã tập huấn cho tỉnh Bình Dương các phương án tổ chức thực hiện khu cách ly tập trung.