Vì sao người bệnh cần mà gần 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư vẫn tồn kho?

Thứ Tư, 03/05/2017, 21:35

Chiều 3/5, Ban Giám đốc Bệnh viện (BV) Truyền máu & Huyết học TP.HCM đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh kết luận của Thanh tra thành phố về lý do tồn kho gần 20.000 viên thuốc đặc trị ung thư Tasigna. 

BS Phù Chí Dũng, Giám đốc BV cho biết, BV là đơn vị đầu tiên trong cả nước đề xuất thực hiện chương trình viện trợ nhân đạo thuốc Tasigna cho bệnh nhân mắc bệnh Bạch cầu mạn dòng tủy (CML). 

Tuy nhiên, qui trình nhập được thuốc về vô cùng khó khăn và phức tạp, kéo dài đúng 1 năm. Tasigna là thuốc dành cho người bệnh CML đã bị kháng với dòng thuốc điều trị cũ Glivec. 

Tính tới cuối tháng 7/2013, theo lý thuyết sẽ có khoảng 25% người bệnh kháng thuốc Glivec, tương đương khoảng 200 bệnh nhân thời điểm đó đang điều trị tại BV. 

Tuy nhiên, theo BS Dũng, khác với thuốc Glivec hoàn toàn miễn phí cho bệnh nhân thì Công ty Novartis viện trợ thuốc Tasigna yêu cầu cần có sự đồng chi trả của người bệnh với mức đóng khoảng 42 triệu đồng/năm. Dựa trên khả năng chi trả của bệnh nhân, BV dự kiến chỉ có khoảng 50 người có thể tham gia được chương trình này trong vòng 12 tháng.

Bệnh nhi ung thư máu điều trị tại BV Ung bướu TP. HCM.

34.608 viên Tasigna 200mg đã về Việt Nam trễ hơn so với dự kiến với hạn dùng chỉ còn 10 tháng, theo BS Dũng là do phụ thuộc vào thủ tục xin tiếp nhận thuốc của các cơ quan chức năng quá lâu. 

Sau khi thuốc về, người bệnh phải làm các thủ tục bắt buộc để tham gia, danh sách này phải được tổ chức Max Foundation xét duyệt nên đến ngày 27/9/2014, người bệnh mới được nhận toa thuốc đầu tiên và đến thời điểm này, chỉ còn 26 bệnh nhân tham gia.

Giám đốc BV Truyền máu & Huyết học TPHCM giải thích về qui trình nhập thuốc Tasigna 200mg.

BS Dũng cho biết, thuốc về muộn, số bệnh nhân tham gia chương trình giảm còn một nửa nên BV không thể sử dụng kịp số thuốc vừa nhập trước thời gian hết hạn. 

Để tận dụng được tối đa số thuốc, BV đã nhiều lần làm việc với công ty Novartis đề nghị cho bệnh nhân được dùng thuốc miễn phí, mở rộng chương trình đến các BV trong toàn quốc đang cùng điều trị bệnh lý CML bằng thuốc Glivec hoặc thông báo cho các nơi chuyển bệnh đến, tuy nhiên các đề nghị này không được phía công ty chấp nhận và đồng ý hủy thuốc nếu không sử dụng hết(?!).

BS Dũng cũng cho rằng, BV phải để lại 19.997 viên Tasigna hết hạn để xin phép cơ quan cấp trên cho hủy theo quy định, mặc dù phải hủy bỏ một số lượng thuốc ngoài ý muốn do các nguyên nhân khách quan nhưng chính nhờ nguồn thuốc quý này, BV đã cứu sống 26 người bệnh CML kháng Glivec. 

Và, Tasigna là dòng thuốc đặc trị dành cho những bệnh nhân CML đã kháng Glivec nhưng không được ghép tủy, nếu những bệnh nhân này không được điều trị bằng Tasigna thì bệnh sẽ diễn tiến nặng và có thể tử vong. Ngay trong thời gian chờ các thủ tục cấp phép được nhập thuốc về, đã có 5 – 10 bệnh nhân CML kháng Glivec tử vong vì không có thuốc điều trị.

Tuy nhiên, theo BS Dũng, sau những vướng mắc của chương trình viện trợ đầu tiên này, phía công ty Novartis đã làm việc với Bộ Y tế và ngày 1/1/2015 đã phê duyệt chương trình VPAP, là chương trình thuốc viện trợ dành cho người bệnh có BHYT. 

Theo đó, đối với những người tham gia BHYT trên 3 năm sẽ được dùng thuốc miễn phí. Còn với những bệnh nhân chưa tham gia BHYT hoặc tham gia BHYT dưới 3 năm vẫn phải đồng chi trả 42 triệu/năm. Hiện, Bệnh viện Truyền máu & Huyết học đang có 150 người bệnh được sử dụng thuốc Tasigna miễn phí từ chương trình VPAP. 

H.Nga
.
.
.