Bệnh viện E khám chữa bệnh từ xa với nhiều điểm cầu ở vùng đặc biệt khó khăn

Thứ Hai, 14/09/2020, 20:50
Chiều 14/9, Bệnh viện E chính thức khai trương và đưa vào hoạt động Hệ thống Telehealth thuộc dự án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025.

Tham dự chương trình có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn; đại diện các cục, vụ trực thuộc Bộ Y tế; đại diện lãnh đạo Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel và gần 80 điểm cầu tham gia trực tuyến…

Ngay trong buổi khai trương, Bệnh viện E hội chẩn trực tuyến với 3 điểm cầu: Phẫu thuật mổ tim tại Bệnh viện đa khoa Thái Bình; Phẫu thuật cột sống tại Bệnh viện đa khoa khu vực Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa; Nội soi tiêu hóa tại Trung tâm y tế huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.

Các chuyên gia của Bệnh viện E đang tư vấn khám chữa bệnh từ xa về ca bệnh tim với Bệnh viện Đa khoa Thái Bình

Đây đều là những chuyên khoa mũi nhọn của Bệnh viện E không chỉ người dân trong nước tin tưởng mà còn được các đồng nghiệp quốc tế đánh giá cao. Tại đầu cầu bệnh viện tuyến dưới, các bác sĩ trình bày hồ sơ bệnh án, kết quả xét nghiệm, chiếu chụp, chẩn đoán và phương hướng điều trị cho các ca bệnh… Tại đầu cầu Bệnh viện E, nơi quy tụ các chuyên gia đầu ngành gồm GS, PGS, TS, BS giỏi, nhiều kinh nghiệm đã tiến hành hội chẩn, thảo luận cân nhắc kỹ để đưa ra chẩn đoán và phương án phẫu thuật, điều trị tốt nhất cho người bệnh.

Bệnh viện E thực hiện kết nối hệ thống khám chữa bệnh từ xa với gần 80 cơ sở y tế, trong đó có 21 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh, còn lại là hơn 54 bệnh viện tuyến huyện và trung tâm y tế tuyến huyện, bệnh viện tư nhân, có nhiều bệnh viện tuyến huyện vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn như Bù Đốp (Bình Phước), Mường Nhé, Mường Chà, Mường Ảng, Nầm Pồ (Điện Biên), Nầm Nhùm, Sìn Hồ, Tam Đường, Than Uyên (Lai Châu)…

 Ở những nơi vùng sâu, vùng xa, người dân ít có điều kiện đến được bệnh viện tuyến Trung ương khám, chữa bệnh. Với Đề án này, người dân nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn không cần phải lên tuyến trên vẫn có thể được khám, chẩn đoán bệnh bởi các giáo sư, bác sĩ, chuyên gia đầu ngành. 

 Đề án Khám, chữa bệnh từ xa Bệnh viện E, giai đoạn 2020-2025, Bệnh viện thực hiện các buổi hội chẩn, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa các phương pháp điều trị cho ca bệnh cụ thể giữa các cơ sở y tế; Hội chẩn, tư vấn chẩn đoán hình ảnh từ xa như chia sẻ hình ảnh Xquang, siêu âm, điện tim, cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ; Hội chẩn tư vấn giải phẫu bệnh, miễn dịch, huyết học - truyền máu, vi sinh, hóa sinh để phục vụ chẩn đoán, điều trị, nghiên cứu và đào tạo; Hội chẩn tư vấn phẫu thuật từ xa các mổ phiên, mổ cấp cứu; Sử dụng các thiết bị điện tử cầm tay trong một số dịch vụ y tế như giải pháp tim mạch từ xa cung cấp hệ thống lưu trữ, chẩn đoán từ xa các vấn đề về tim mạch…

Lãnh đạo Bộ Y tế cắt băng khai trương Dự án Khám, chữa bệnh từ xa của Bệnh viện E

GS.TS Lê Ngọc Thành, Giám đốc Bệnh viện E khẳng định: Thực hiện khám chữa bệnh từ xa sẽ là dấu mốc khởi đầu quan trọng trong việc chuyển đổi số trong ngành y tế, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, đặc biệt dịch bệnh COVID đang diễn biến phức tạp hiện nay. Khám chữa bệnh từ xa giúp nâng cao năng lực chuyên môn của y tế tuyến cơ sở, đặc biệt là tuyến huyện. Đồng thời giảm chi phí khám, chữa bệnh bao gồm cả chi phí bảo hiểm y tế và chi phí người dân phải chi trả thấp nhất.

 Khám chữa bệnh từ xa còn tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng cho người dân ở vùng nông thôn, đặc biệt là người dân vùng sâu, xa, khó khăn…

Theo Giám đốc Bệnh viện E, không phải bây giờ các bác sĩ của Bệnh viện mới tham gia hoạt động tư vấn, khám chữa bệnh từ xa, mà từ nhiều năm nay, nhằm hỗ trợ các ca bệnh khó ở tuyến dưới, các chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giỏi của Bệnh viện E đã thực hiện tư vấn khám, chữa bệnh, hội chẩn từ xa với các bác sỹ tuyến dưới bằng nhiều hình thức như telemedicine, qua điện thoại, zalo, viber… để tìm ra phương pháp điều trị tối ưu và kịp thời nhất cho người bệnh.

Trần Hằng
.
.
.