Bệnh ung thư cổ tử cung gia tăng -nhiều nước đặc biệt quan tâm

Thứ Năm, 24/08/2017, 17:54
Ngày 24-8, Viện Ung thư Quốc gia -Bệnh viện K đã phối hợp với Viện Ung thư Quốc gia - Hoa Kỳ khai mạc “Diễn đàn đối thoại chính sách và hội thảo chuyên gia về HPV và ung thư cổ tử cung (CTC)” với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến; BS. Hilmi bin Haji Yahaya-Thứ trưởng Bộ Y tế Malaysia; ông Pascoe Kase-Bộ Y tế Papua New Guinea và nhiều nhà kinh tế y tế, các nhà hoạch định chính sách trong nước và quốc tế vv...


Diễn đàn và hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận về các nội dung liên quan tới vai trò của các chương trình tiêm chủng HPV trong kiểm soát ung thư CTC; tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế để đẩy mạnh công tác phòng chống và kiểm soát ung thư tại Việt Nam nói chung, ung thư CTC nói riêng.

PGS.TS. Trần Văn Thuấn –Giám đốc Bệnh viện K, Viện trưởng Viện ung thư Quốc gia cho biết, ung thư CTC là vấn đề được nhiều nước quan tâm vì đây là bệnh ác tính, thường gặp từ độ tuổi 30 trở đi và đứng thứ hai trong các ung thư sinh dục ở nữ giới về tỷ lệ mắc cũng như tỷ lệ tử vong.

Trong khi các nỗ lực trên toàn thế giới đã giúp giảm tử vong mẹ xuống 45% trong thời gian từ 1990 đến 2015, thì thời gian này, số phụ nữ tử vong do ung thư CTC lại gia tăng 39%, từ 192.000 lên 366.000 trường hợp/năm.

Đại biểu nhiều nước tham dự diễn đàn và hội thảo

Năm 2010, Việt Nam có 5.644 phụ nữ mắc ung thư CTC, tỷ lệ mới mắc ung thư CTC chuẩn hóa theo tuổi (ASR) là 13,6/100.000 phụ nữ. Đáng lưu ý là tỷ lệ này đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt ở một số tỉnh như Cần Thơ, tỷ lệ mới mắc thô tăng từ 15,7/100.000 vào năm 2000 lên tới 25,7/100.000 vào năm 2009. Một trong những nguyên nhân là phụ nữ chưa được khám sàng lọc định kỳ, chưa có hệ thống để phát hiện sớm ung thư qua các xét nghiệm thích hợp, dễ tiếp cận; khi phát hiện tổn thương tiền ung thư thì chưa được điều trị kịp thời và hiệu quả.

Nhiễm một hoặc nhiều typ Human Papillomavirus (HPV) nguy cơ cao đã được khẳng định là nguyên nhân tiên phát của ung thư CTC. HPV là tác nhân truyền qua đường tình dục. Nguy cơ nhiễm HPV ít nhất 1 lần trong đời của người phụ nữ là khoảng 80%, với tỷ lệ nhiễm cao nhất xảy ra trong độ tuổi 20-30, có thể lên đến 20-25%. Tỷ lệ nhiễm mắc bệnh ung thư CTC ở Việt Nam liên quan chặt chẽ với tỷ lệ nhiễm HPV và đáng lưu ý là, tỷ lệ này ở miền Nam cao hơn so với miền Bắc.

PGS.TS. Trần Văn Thuấn –Giám đốc Bệnh viện K trình bày tình hình ung thư CTC ở Việt Nam

Cũng theo PGS.TS. Trần Văn Thuấn, các yếu tố nguy cơ của ung thư CTC gồm quan hệ tình dục sớm hoặc với nhiều người, sinh nhiều con, vệ sinh sinh dục không đúng cách, viêm CTC mạn tính, nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục, điều kiện dinh dưỡng, kinh tế xã hội thấp; hút thuốc lá, đái tháo đường, sử dụng thuốc tránh thai đường uống loại phối hợp kéo dài (>10 năm) vv…

Ung thư CTC là gánh nặng bệnh tật lớn cho người bệnh, gia đình, hệ thống y tế và toàn xã hội. Năm 2012, tổng gánh nặng trực tiếp của ung thư CTC khoảng 1.755 tỷ đồng, xếp thứ 4 và chiếm khoảng 0,015% GDP; gánh nặng gián tiếp khoảng 418 tỷ đồng, xếp thứ 5 trong số 6 loại bệnh ung thư thường gặp nhất.

TS Ted Trimble, GĐ Sức khỏe toàn cầu, Viện Ung thư quốc gia Hoa Kỳ

PGS.TS. Trần Văn Thuấn khuyến cáo: Ung thư CTC là bệnh nguy hiểm nhưng có thể làm giảm tử vong và gánh nặng nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Bởi vì khoảng thời gian hình thành và tồn tại tổn thương tiền ung thư ở CTC tương đối dài; các yếu tố nguyên nhân và nguy cơ đã được xác định. Mặt khác CTC là bộ phận có thể tiếp cận trực tiếp để quan sát, thăm khám, lấy bệnh phẩm và thực hiện các can thiệp điều trị, nên đại đa số các trường hợp ung thư CTC có thể phòng ngừa bằng cách sàng lọc, phát hiện sớm và điều trị các thương tổn tiền ung thư.

Phẫu thuật ung thư CTC ở  Bệnh viện K 

Với sự quan tâm đến căn bệnh nguy hiểm này, các đại biểu đã trao đổi kinh nghiệm trong việc đưa ra chương trình tiêm chủng vaccine HPV và kế hoạch, mục tiêu để giảm tỉ lệ nhiễm HPV và ung thử CTC; mục tiêu giảm tỉ lệ nhiễm HPV và ung thư CTC; “Vaccine HPV- một trong những đầu tư tốt nhất về sức khỏe ở phụ nữ trẻ tuổi”; “Giảm tỉ lệ nhiễm HPV và ung thư CTC ở các nước bằng cách nào?”

Các chuyên gia cũng bàn bạc về triển vọng xóa bỏ tỉ lệ nhiễm HPV và giảm đáng kể ung thư CTC dựa trên kết quả của các dữ liệu và mô hình nghiên cứu mới; trao đổi các biện pháp can thiện tốt nhất để giảm đáng kể tỉ lệ mắc HPV và ung thư CTC trong thập kỷ tới; cách kết hợp dữ liệu về hiệu quả vaccine HPV với liệu pháp PAP trong hỗ trợ các chương trình chính sách dự phòng ung thư CTC trong khu vực.

Đặc biệt, tại diễn đàn này, một nghiên cứu mới về tác động của vaccine HPV đối với ung thư CTC tại Úc - nghiên cứu đầu tiên trên thế giới về chương trình tiêm chủng đã được đưa ra.  


Thanh Hằng
.
.
.