BHYT tự nguyện mới chỉ đạt 10%: Vì đâu nên nỗi
- Khi giá dịch vụ y tế tăng: Nhóm cùng chi trả bảo hiểm y tế 20% cũng chịu tác động
- Người bệnh nghèo cũng được sử dụng dịch vụ y tế chất lượng cao
- Nâng cao dịch vụ y tế tại các bệnh viện tuyến huyện
Trong đó, tỉ lệ người dân tham gia BHYT tự nguyện mới chỉ đạt 10%, tức là hầu hết người dân có BHYT đều do Nhà nước chi tiền hỗ trợ mua thẻ BHYT.
Ở nhiều địa phương, tỉ lệ bao phủ BHYT còn thấp. Đến cuối năm 2015 vẫn còn 31 địa phương tỉ lệ bao phủ BHYT dưới 75% và 22 địa phương chưa đạt tỉ lệ bao phủ BHYT so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Nhiều nhóm đối tượng phải tham gia BHYT có tỉ lệ thấp và thiếu bền vững.
Chỉ có thể tăng tỉ lệ người dân tham gia BHYT khi nhìn rõ những nguyên nhân tạo nên rào cản trong vấn đề này, để “cởi” từng “nút thắt”. Có 2 ngành cơ bản tác động đến việc thành – bại của chủ trương BHYT toàn dân là Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam – nơi cung cấp thẻ BHYT và ngành y tế - nơi cung cấp dịch vụ y tế cho người dân có thẻ BHYT.
Trước hết, trách nhiệm đầu tiên về kết quả mở rộng tỉ lệ bao phủ BHYT là của BHXH Việt Nam. Mặc dù hiện nay, BHYT đã là bắt buộc, nhưng ở nhiều địa phương, người làm công tác bán BHYT vẫn giữ tư duy bao cấp xưa cũ là người dân “được” mua BHYT chứ không là “phải” mua.
Vì thế, việc đòi hỏi các thủ tục gây phiền hà cho người mua vẫn diễn ra ở nhiều nơi, với những giấy tờ không có trong quy định, hay áp đặt nơi đăng ký khám, chữa bệnh (KCB) ban đầu, yêu cầu photocopy sổ hộ khẩu, CMND của toàn bộ nhân khẩu hộ gia đình, rồi thu sai đối tượng.
Chất lượng dịch vụ y tế tác động đến tỉ lệ người dân tham gia BHYT. |
Có nơi người dân muốn mua BHYT còn phải trình photocopy thẻ BHYT của tất cả mọi người trong gia đình, trong khi nếu một gia đình đông người, lại sống ở nhiều địa chỉ xa nhau, thì việc có được đủ số thẻ BHYT của mọi người để đem chụp cũng không hề đơn giản.
Quy định của BHXH Việt Nam là trẻ em dưới 6 tuổi được nhận thẻ BHYT tại địa phương trẻ được sinh ra, không phải về nơi có đăng ký hộ khẩu thường trú xác nhận thủ tục, song nhiều đại lý bán BHYT vẫn yêu cầu phải có xác nhận.
Tại TP Hồ Chí Minh, có hơn 9 triệu dân nhưng tỉ lệ người dân có thẻ BHYT vẫn thấp hơn chỉ tiêu đề ra của Chính phủ. Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hồ Chí Minh, đã chỉ ra nguyên nhân: Nhiều người dân phản ánh đại lý phường, xã đòi hỏi nhiều thủ tục rắc rối, gây mất thời gian đi lại nên họ ngại mua BHYT.
Thực tế, làm việc với nhiều cơ sở cũng cho thấy, các thủ tục, quy định về mua BHYT theo hộ gia đình còn rườm rà. Quy định phải mua BHYT cùng một lúc cho tất cả các thành viên khiến nhiều gia đình gặp khó khăn về kinh tế nên “bỏ cuộc”, vì đa số là những gia đình không dư dả.
Bên cạnh đó, thủ tục giám định BHYT còn nhiều phiền hà. Có cơ sở y tế có đăng ký khám cho bệnh nhân mà trung bình 3 tháng bị kiểm tra tới 10 lần, thì còn đâu thời gian cho người ta làm việc?
Để có thể bán được BHYT tự nguyện, lẽ ra cơ quan BHXH phải coi người mua là khách hàng, để thu hút chứ không phải là đòi hỏi người mua quá nhiều thủ tục rắc rối như hiện nay, chưa kể, ngoài dịch vụ cơ bản thì phải mở ra thị trường BHYT cao cấp hơn để người mua được quyền lựa chọn.
Chính vì vấn đề tin học hóa chưa được quan tâm để kết nối mạng hệ thống, nên mới có hiện tượng người dân lạm dụng thẻ BHYT. Tại một hội nghị về BHYT mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dẫn chứng có người có một thẻ BHYT mà đi khám 9 nơi, là một ví dụ về sự thất thoát BHYT.
Ngoài ra, một số vụ án ở các địa phương đã làm thất thoát BHYT tới hơn 10%. Mà với 50.000 tỷ đồng chi phí thanh toán của quỹ BHYT năm 2015 thì con số 10% là rất lớn. Chính điều này đã tác động không nhỏ đến an toàn nguồn quỹ BHYT.
Vì tính chất quan trọng của việc kết nối liên thông trong giám định, thanh toán BHYT tại các cơ sở y tế, đòi hỏi các địa phương phải chỉ đạo các bệnh viện (BV) thực hiện nghiêm. BHXH Việt Nam cũng phải kết nối liên thông toàn bộ hệ thống KCB của 14.000 cơ sở y tế trên toàn quốc, để tạo điều kiện thanh toán cũng như KCB thuận lợi, đồng thời, tránh được việc người dân lạm dụng thẻ BHYT.
BHXH Việt Nam đang tiếp tục cải tiến thủ tục để thu hút người tham gia BHYT cùng với việc mở thêm nhiều đại lý bán BHYT, kể cả đại lý cá nhân, thay cho việc chỉ có các UBND xã phường làm đại lý như hiện nay.
Ngoài ra, BHXH sẽ thực hiện nghiêm theo Luật BHYT sửa đổi là hộ gia đình tham gia BHYT không bị bắt buộc các thành viên phải mua cùng lúc, mà có thể mua nhiều lần trong năm. Các thành viên trong hộ gia đình cũng không bắt buộc kê khai theo hộ khẩu, mà chỉ cần khai theo mẫu với số lượng tùy theo thông tin từ chủ hộ.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân khiến người dân không mấy mặn mà với BHYT là chất lượng dịch vụ y tế BHYT. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kể, vào những ngày nghỉ, ông thường “vi hành” đến nhiều bệnh viện thì nhận thấy vẫn còn có sự khác biệt giữa bệnh nhân KCB bằng thẻ BHYT và bệnh nhân chi trả tiền mặt. Vì vậy người dân không muốn bỏ tiền mua BHYT để phải hưởng chất lượng dịch vụ kém, chờ đợi lâu và thái độ phục vụ thiếu đúng mực.
Thực tế này đòi hỏi Bộ Y tế phải tiếp tục chỉ đạo cơ sở y tế nâng cao chất lượng KCB, cũng như tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh, đặc biệt là không được phân biệt đối với người bệnh KCB bằng thẻ BHYT.