90% bệnh nhân ung thư phổi do hút thuốc lá

Chủ Nhật, 15/05/2022, 07:04

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sử dụng thuốc lá khiến hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm, trong đó hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong do hút thuốc lá thụ động.

Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 năm nay, WHO chọn thông điệp “Thuốc lá - mối đe dọa tới môi trường của chúng ta” nhằm kêu gọi các quốc gia thúc đẩy các hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của sử dụng thuốc lá tới môi trường, không hút thuốc lá để hạn chế việc gây ô nhiễm môi trường và sức khỏe.

Hút thuốc lá ở nữ giới đang gia tăng

Theo Bệnh viện K, ung thư phổi là một trong những ung thư đứng hàng đầu và là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao nhất trong các bệnh nhân ung thư ở nam giới. Tỉ lệ mắc ung thư phổi ngày càng tăng ở nữ giới do phong trào hút thuốc ở nữ giới gia tăng. Ở Việt Nam, ung thư phổi đứng thứ 2 sau ung thư gan ở cả nam và nữ. Tuy nhiên, ung thư phổi có thể tránh dễ dàng và chủ động bằng cách không hút thuốc và tránh xa khói thuốc lá.

img_6881.jpg -0
Tăng cường truyền thông để người dân không hút thuốc lá nơi công cộng.

Ung thư phổi được cho là bắt đầu tại các vị trí tiền ung thư trong phổi. Ung thư phổi thường là một căn bệnh đe dọa tính mạng bởi vì nó có xu hướng di căn ngay cả trước khi nó có thể được phát hiện trên phim X-quang.

Theo các bác sĩ Bệnh viện K, nguyên nhân chính gây ra ung thư phổi là hút thuốc lá. 90% bệnh nhân ung thư phổi do hút thuốc lá, họ đã hút hơn 10 điếu thuốc lá/ngày trong 20 năm. Ở nước ta, hút thuốc lào cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ung thư phổi.

Triệu chứng hay gặp nhất của ung thư phổi là ho kéo dài, thở ngắn, ho có đờm lẫn máu và đau ngực. Một thời gian sau bệnh nhân có thể gầy sút, mệt mỏi, thở nông, khàn giọng, khó nuốt, đau xương, thở khò khè và tràn dịch màng phổi. Ung thư phổi thường được phát hiện đầu tiên bằng chụp X-quang lồng ngực. Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực có thể xác định chính xác hơn vị trí của khối u, kích thước và biết được khối u đã phát triển ra ngoài phổi hay chưa. Có thể chẩn đoán bằng cách lấy sinh thiết ở vùng khác thường của phổi. Những mẫu sinh thiết lấy được, được nhuộm và soi dưới kính hiển vi quang học để chẩn đoán xác định.

Theo PGS.TS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện K, yếu tố quan trọng nhất trong việc phòng chống bệnh ung thư phổi là không hút thuốc lá; cải thiện vệ sinh công nghiệp và tránh tiếp xúc với khói bụi; đi khám sức khỏe định kỳ cũng giúp cho việc phòng chống ung thư phổi.

Dễ biến chứng sức khỏe khi mắc COVID – 19

Theo đánh giá của WHO, những người hút thuốc có nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe do COVID-19 cao hơn so với những người không hút thuốc. Cũng theo ước tính của WHO, tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỷ đô la Mỹ.

WHO cũng cho hay, sử dụng thuốc lá cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống. Hàng năm có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá và lấy gỗ để sấy thuốc lá; ước tính mỗi năm cần 18 tỷ cây xanh để làm củi sấy thuốc lá; việc sử dụng thuốc lá thải ra môi trường mỗi năm khoảng từ 3.000 đến 6.000 tấn formaldehyde, từ 12.000 đến 47.000 tấn nicotine và từ 300 đến 600 triệu kg chất thải độc hại của các mẩu thuốc lá.

Tại Việt Nam, theo Bộ Y tế, tỷ lệ sử dụng hút thuốc lá chung giảm từ 22,5% năm 2015 xuống 21,7% năm 2020. Tỷ lệ nam giới hút thuốc giảm từ 45,3% năm 2015 xuống 42,3% năm 2020. Đặc biệt tỷ lệ hút thuốc thụ động cũng giảm đáng kể tại các địa điểm công cộng và cơ sở y tế, giáo dục, nơi làm việc, trong nhà. Theo kết quả khảo sát hành vi sức khỏe học sinh Toàn cầu tại Việt Nam do WHO thực hiện năm 2019, tỷ lệ hút thuốc trong học sinh độ tuổi 13-17 giảm từ 5,36% năm 2013 xuống 2,78% năm 2019, đây là những kết quả rất đáng khích lệ trong việc ngăn ngừa hút thuốc lá trong giới trẻ.

Hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25/5 đến ngày 31/5, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, TP, các cơ quan, đơn vị tăng cường tuyên truyền tác hại của việc sử dụng thuốc lá và Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL), đặc biệt nêu rõ tác hại của thuốc lá điếu và các sản phẩm mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha,... cũng như trách nhiệm của người đứng đầu. Để Luật PCTHTL đi vào cuộc sống, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương, các đơn vị tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật cũng như thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc thực thi quy định cấm hút thuốc tại các cơ quan, đơn vị, trường học, nhà máy, xí nghiệp...

H.T
.
.
.