5 địa phương có tiêm xong mũi 1 vaccine trước ngày 15/9?
Theo số lượng vaccine phòng COVID – 19 được Bộ Y tế phân bổ cho 5 địa phương là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, đến nay tiến độ tiêm chủng ở cả 5 địa phương còn chậm. Liệu đến ngày 15/9, 5 địa phương này có tiêm xong mũi 1 cho 100% người từ 18 tuổi trở lên theo như Công điện của Bộ Y tế hay không?
5 địa phương tỷ lệ tiêm còn rất thấp
Bộ Y tế mới đây đã có công điện gửi Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội, Bình Dương, Long An và Đồng Nai về việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19, bảo đảm đến 15/9 các địa phương phải hoàn thành xong mũi 1.
Theo bà Lã Thị Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, dù đã đề ra kế hoạch và mục tiêu rõ ràng, tốc độ tiêm chủng tại Hà Nội vẫn bị ảnh hưởng nhiều bởi nguồn vaccine phòng COVID-19 được phân bổ còn hạn chế. Qua thống kê, đến hết ngày 6/9, Hà Nội mới tiêm được tổng cộng 2.405.585 mũi (trong đó có 2.157.559 mũi 1; 248.026 mũi 2). Số người được tiêm là 2.157.559, chiếm 26% dân số và bằng 35% người dân trong độ tuổi tiêm chủng (từ 18 tuổi trở lên).
Lần tiếp nhận vaccine gần đây nhất, Hà Nội đã được Bộ Y tế phân bổ thêm 161.460 liều vaccine phòng COVID-19 Comirnaty (Pfizer) và 800.700 liều AstraZeneca. Với đợt bổ sung vaccine mới này, thành phố đang tổ chức tiêm chủng đợt 12 tại các quận, huyện trên địa bàn.
Với công suất 200.000 mũi tiêm/ngày, chỉ trong khoảng một tuần, Hà Nội có thể tiêm hết toàn bộ số vaccine được phân bổ trong đợt 12 này. Tuy nhiên, vì nguồn vaccine đang nhỏ giọt, nên Hà Nội tổ chức tiêm theo ngày với số lượng cụ thể để bảo đảm giãn cách.
Tại cuộc họp của Bộ Y tế về đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine với 4 địa phương là TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An vào ngày 6/9, các đại biểu đánh giá tỷ lệ sử dụng vaccine còn thấp, với số lượng vaccine được phân bổ còn chậm.
Theo thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng vaccine COVID-19, tính đến sáng 7/9, TP Hồ Chí Minh đã được Bộ Y tế phân bổ số lượng vaccine nhiều nhất cả nước với 8.555.690 liều. Đến nay, TP đã thực hiện tất cả 6.550.242 mũi tiêm, đạt 76,56% số lượng vaccine được phân bổ. Con số này khiến TP Hồ Chí Minh nằm trong nhóm 10 địa phương có tỷ lệ tiêm vaccine (số mũi tiêm/số vaccine được phân bổ) thấp nhất cả nước.
3 tỉnh còn lại là Đồng Nai, Bình Dương, Long An cũng nằm trong top 10 địa phương có tỷ lệ tiêm chủng/số vaccine được phân bổ thấp nhất cả nước. Đứng thấp nhất là Đồng Nai mới tiêm được 1.103.370 trong tổng số 1.799.090 liều được phân bổ, đạt 61,33%. Sau đó đến Bình Dương, được phân bổ 2.119.650 liều vaccine COVID-19, đã tiêm được 1.369.200 liều (số người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất một mũi tại Bình Dương đạt tỷ lệ 73,28%), đạt 64,5%. Cao nhất trong 3 tỉnh trên là Long An, đã tiêm 72% số liều vaccine được phân bổ.
Ưu tiên phân bổ khi có vaccine, sẽ tiêm cả vào buổi tối
Tính đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 31 triệu liều vaccine từ các nguồn khác nhau. Tới ngày 5/9, cả nước đã tiêm được 22.012.123 liều vaccine, trong đó tiêm mũi 1 là 18.673.340 liều, tiêm mũi 2 là 2.338.783 liều.
Trong Công điện của Bộ Y tế gửi 5 địa phương nói rõ, đến nay Bộ Y tế đã phân bổ đủ vaccine cho người dân tiêm mũi 1 của 3 tỉnh là TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai. Như vậy, còn 2 tỉnh là Hà Nội và Long An, lượng vaccine được phân bổ chưa đủ tiêm mũi 1 cho người dân từ 18 tuổi trở lên.
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho biết, TP sẽ tăng tốc tiêm chủng khi có đủ vaccine được phân bổ về, sẽ tổ chức tiêm cả vào buổi tối. Tới đây, Bộ Y tế sẽ phân bổ thêm cho thành phố hơn 1,5 triệu liều vaccine. Theo tính toán của ngành y tế Hà Nội, số vaccine phân bổ này vẫn chưa đủ để phủ mũi một cho người dân 10 quận, huyện thuộc “vùng đỏ” hiện nay (gồm Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Thanh Trì, Hoàng Mai, Hà Nội). Để phủ mũi 1 cho người dân thuộc 10 quận, huyện này, Hà Nội vẫn cần thêm 800.000 liều vaccine. Còn nếu tiêm đủ mũi 1 cho toàn thành phố, Hà Nội cần thêm 2,5 triệu liều.
Trong đợt tiêm vaccine thứ 12 này, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu bổ sung thêm các đối tượng tiêm chủng bao gồm người mắc bệnh mạn tính; người trên 65 tuổi; phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên. Riêng với nhóm phụ nữ mang thai, sau khi được giải thích nguy cơ/lợi ích nếu đồng ý tiêm chủng cần chuyển đến tiêm và theo dõi tại cơ sở y tế có khả năng cấp cứu sản khoa. Với nhóm này cùng các đối tượng ưu tiên chưa được tiêm ở đợt trước, Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo các đơn vị thực hiện tiêm mũi một với khoảng 80.730 liều vaccine Pfizer.
Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn, thời gian qua, Hà Nội vẫn tổ chức tiêm chủng cho người cao tuổi. Tuy nhiên, trong Công điện của Bộ Y tế, Hà Nội ưu tiên tiêm sớm cho những người có bệnh lý nền, người cao tuổi, người dân tại vùng đỏ, vùng cam, khu vực có mật độ dân cư cao, thì số người được tiêm vaccine thuộc nhóm này dự kiến sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.
Với lượng vaccine còn hạn chế như hiện nay, tới ngày 15/9 liệu 5 địa phương trên có đủ vaccine để hoàn thành tiêm mũi 1 cho người từ 18 tuổi trở lên? Trao đổi với phóng viên Báo CAND về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ yêu cầu các tỉnh xây dựng kế hoạch kịch bản chi tiết tiêm mũi 1 đến ngày 15/9. Bộ Y tế đang tích cực vận động các nguồn vaccine khác nhau, khi có vaccine về là ưu tiên phân bổ cho 5 tỉnh này. Theo kế hoạch ký kết với các đối tác cung cấp vaccine, về mặt văn bản ký bao giờ cũng có câu có thể giao hàng không đúng thời gian, chậm so với kế hoạch. “Kế hoạch khá đầy đủ, tiếp cận tích cực, nhưng hiện giờ chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào nhà cung cấp”, Thứ trưởng Tuyên nói.