45 phút cấp cứu bé 2 tháng tuổi bị ngừng tim

Thứ Ba, 10/01/2023, 19:59

Sau 45 phút cấp cứu liên tục, đồng thời kích hoạt báo động đỏ toàn viện, êkip bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ đã bóp bóng, ép tim, tiêm thuốc trợ tim, bé sơ sinh 2 tháng tuổi bắt đầu có nhịp tim trở lại. 

Sáng 10/1, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ tiếp nhận bệnh nhi 2 tháng tuổi vào nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, da môi tái toàn thân, SpO2 không đo được, chân tay lạnh, đồng tử giãn tối đa, tim ngừng đập, bụng chướng căng, gan lách không sờ thấy.

45 phút cấp cứu bé 2 tháng tuổi ngừng tim  -0
Các bác sĩ tập trung cấp cứu cho cháu bé. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)

Theo gia đình bệnh nhân, 3 ngày nay trẻ sốt cao từng cơn. Thấy con sốt 39 độ C, kèm ho, khò khè, gia đình đưa trẻ đi khám bác sỹ tư nhân, chẩn đoán viêm phế quản, cho thuốc về điều trị theo đơn.

Uống thuốc được 2 ngày trẻ đỡ sốt, thở khò khè nhưng không đi ngoài, bụng trướng và bú kém hơn. Sáng sớm 10/1, gia đình thấy trẻ lịm dần đi nên vội vàng đưa vào Bệnh viện Sản Nhi để cấp cứu.

45 phút cấp cứu bé 2 tháng tuổi ngừng tim  -0
Kích hoạt báo động đỏ toàn viện để cứu cháu bé. (Ảnh: Bệnh viện cung cấp)

Khi đưa vào Khoa Cấp cứu trẻ đã hôn mê sâu, da môi tím tái toàn thân, SpO2 không đo được, chân tay lạnh, đồng tử giãn tối đa, tim ngừng đập, bụng chướng căng, gan lách không sờ thấy.

Sau 45 phút cấp cứu liên tục, đồng thời kích hoạt báo động đỏ toàn viện, êkip gồm các y bác sỹ Khoa Cấp cứu, Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Khoa Sơ sinh đã tập trung cấp cứu bóp bóng, ép tim, tiêm thuốc trợ tim, trẻ bắt đầu có nhịp tim trở lại, và được đưa lên nằm điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, tiên lượng nặng.

ThS.BS Nguyễn Đức Long - Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ - khuyến cáo, với trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi, khi bị viêm đường hô hấp có thể có diễn biến rất nhanh, các cha mẹ cần lưu ý khi chăm trẻ. Khi trẻ có các dấu hiệu sốt, khó thở, bỏ bú thì cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám kịp thời. Đặc biệt, cần khám đúng các bác sỹ có chuyên môn về nhi khoa để tiên lượng tốt hơn và có phác đồ điều trị đúng, chính xác.

Tr.Hằng
.
.
.