40 ca ghép tế bào gốc điều trị bệnh phổi mãn tính thành công
- Ghép tế bào gốc chữa HIV: Ứng dụng ở Việt Nam còn nhiều khó khăn
- Người thứ 2 được chữa khỏi HIV nhờ cấy ghép tế bào gốc
- Vinmec thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc chữa xơ phổi đầu tiên trên thế giới
- Ghép tế bào gốc cứu sống bé trai sinh non bị xơ phổi
PGS.TS Chu Thị Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là bệnh lý hô hấp mạn tính có thể dự phòng và điều trị được. Bệnh đặc trưng bởi sự tắc nghẽn luồng khí thở ra không hồi phục hoàn toàn.
Qua các nghiên cứu cho thấy tế bào gốc trưởng thành được thấy là loại tế bào gốc đa năng có thể biệt hóa thành nhiều loại tế bào khác nhau, có khả năng di chuyển đến vùng tổn thương, có tính kháng viêm và điều hòa miễn dịch.
Vì vậy, tế bào gốc trưởng thành có thể tác động đến cơ chế bệnh sinh của bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và làm chậm tiến triển của bệnh cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Tủy xương, mô mỡ là nguồn cung cấp số lượng tế bào gốc trưởng thành nhiều nhất trong cơ thể. Việc dùng tế bào gốc trưởng thành tự thân giúp tránh được nguy cơ liên quan đến thải ghép.
Năm 2017, Bệnh viện Bạch Mai bắt đầu triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước “Nghiên cứu sử dụng tế bào gốc tự thân từ mô mỡ và tủy xương trong điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính” đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt.
Đến nay đã có 40 bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính được điều trị bằng phương pháp ghép tế bào gốc và kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy chưa có biến cố bất lợi nào liên quan đến truyền tế bào gốc tự thân từ mô mỡ, tủy xương. Sức khỏe của các bệnh nhân đều có sự cải thiện rõ rệt và có phản hồi tích cực khi được điều trị bằng tế bào gốc.
PGS.TS Chu Thị Hạnh đang khám cho bệnh nhân |
Phương pháp ghép tế bào gốc được chỉ định cho những bệnh nhân được chẩn đoán bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ở mức độ nặng và rất nặng theo phân loại của GOLD 2016 (ở mức GOLD C và GOLD D), trong độ tuổi từ 40 đến 80; Chỉ số FEV1 (đo chức năng hô hấp cho bệnh nhân) ≤ 60%; Có ít nhất hai đợt cấp hoặc ít nhất một đợt cấp phải nhập viện trong một năm trước đó.
Bệnh nhân sẽ được theo dõi bảy ngày sau ghép và khi ổn định sẽ được xuất viện. Sau đó, bệnh nhân sẽ được hẹn tái khám lâm sàng và làm các xét nghiệm thăm dò cận lâm sàng bốn tuần/lần cho đến 12 tháng.