4 ngày tăng hơn 1 triệu ca COVID-19, vượt mốc 6 triệu F0

Chủ Nhật, 13/03/2022, 18:33

Việt Nam đã vượt mốc 6 triệu ca COVID-19 vào ngày 13/3. Như vậy, từ 9/3 tới nay, nước ta đã ghi nhận hơn 1 triệu ca mắc COVID-19.

Theo số liệu trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19, trong 4 ngày (từ ngày 9/3 đến 13/3), nước ta ghi nhận hơn 1 triệu ca bệnh F0 mới. 

Ngày 9/3, Việt Nam có tổng số ca nhiễm COVID-19 kể từ đầu dịch là 5.042.036 ca. Ngày 13/3,  Việt Nam có  6.112.648 ca nhiễm, đứng thứ 20/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 130/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 61.879 ca nhiễm).

Bộ Y tế cho biết, trong ngày 13/3, cả nước thêm 166.968 ca nhiễm tại 62 tỉnh, thành phố. Hà Nội vẫn dẫn đầu với 29.269 F0.

Chỉ 4 ngày tăng hơn 1 triệu ca COVID-19, vượt mốc 6 triệu F0 -0
Số ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng cao, người dân cần tuân thủ 5K và tiêm phòng vaccine.

5 tỉnh có số ca mắc cao sau Hà Nội là Nghệ An (10.243), Đắk Lắk (7.569), Phú Thọ (6.534), Bắc Ninh (6.417), Lạng Sơn (4.816).

Hôm nay, Sở Y tế Bắc Giang đăng ký bổ sung 42.533 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.

5 địa phương có tổng số ca mắc cao nhất cả nước là: Hà Nội (808.384), TP Hồ Chí Minh (568.772), Bình Dương (339.051), Bắc Ninh (224.142), Nghệ An (216.172).

Với số ca mắc đứng đầu cả nước, làn sóng Omicron lây lan nhanh tại Hà Nội, khiến dịch COVID-19 phức tạp, y tế cơ sở quá tải khi nhiều trạm y tế rơi vào cảnh nhân viên bị F0. 

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho biết, ca mắc COVID-19 tại Thủ đô vẫn còn tăng cao trong một số tuần tới, vì vậy Hà Nội không được để dịch bùng phát quá mạnh, phải có giải pháp cho lây nhiễm chậm lại. Nếu để dịch bùng phát quá cao, đến lúc đó sẽ quá tải y tế, đáp ứng sẽ vô cùng khó khăn. 

Những ngày gần đây, người dân Hà Nội đã biết "sợ", ít tụ tập nơi đông người hơn. Theo ông Phu, Hà Nội phải kiểm soát chặt, như tuyên truyền để người dân không đến nơi tụ tập đông người không cần thiết. Thủ đô phải có các biện pháp dự phòng trong các hoạt động như: Lễ hội, du lịch và đi lại. 

"Người dân phải thực hiện nghiêm 5K, đến lịch tiêm vaccine mũi 3 hay mũi tăng cường thì phải tiêm. Về mặt y tế, phân tầng điều trị cho tốt. Tăng cường giải pháp cho y tế cơ sở, đặc biệt là thiếu hụt nhân lực. Để làm được điều này cần tăng cường công nghệ thông tin, đừng bắt F0 đến trạm y tế lấy chứng nhận khỏi bệnh nữa. Huy động sinh viên, bác sĩ về hưu tham gia vào phòng, chống dịch ở y tế cơ sở", ông Phu nói.

Trân Hằng
.
.
.