Hàng chục loại thuốc bị bảo hiểm y tế có bất thường về giá
Lý giải cho việc dừng thanh toán, BHXHVN cho rằng, qua báo cáo kết quả đấu thầu thuốc (từ 1/1/2014 đến 30/12/2014) của một số tỉnh, thành phố, vẫn còn các thuốc không thông dụng có giá cao trúng thầu với số lượng lớn.
Vì thế, BHXHVN đề nghị Bộ Y tế sớm chỉ đạo Hội đồng thuốc và điều trị các bệnh viện (BV) xem xét, lựa chọn, sử dụng đối với thuốc có hàm lượng, dạng bào chế không thông dụng đảm bảo chất lượng và giá cả hợp lý, đồng thời, yêu cầu BHXH các tỉnh, thành rà soát kết quả đấu thầu còn hiệu lực tại địa phương và cơ sở khám chữa bệnh (KCB), thống kê số lượng và giá trị các thuốc không thông dụng có giá cao bất hợp lý đã thanh toán và các thuốc không thông dụng có giá cao bất hợp lý khác trong kết quả đấu thầu tại địa phương, cơ sở KCB đã sử dụng.
BHXHVN yêu cầu BHXH các tỉnh kiên quyết đề nghị chủ đầu tư và cấp có thẩm quyền đưa ra khỏi danh mục thuốc trong kế hoạch đấu thầu những thuốc không thông dụng có giá cao bất hợp lý trong quá trình tham gia đấu thầu trong thời gian tới.
23 loại thuốc bị BHYT từ chối thanh toán gây thiệt thòi cho người bệnh. |
Hầu hết các thuốc bị tạm dừng thanh toán là của các công ty dược Việt Nam. Đáng chú ý là các thuốc không thông dụng này lại có giá cao hơn thuốc có hàm lượng, công thức thông thường, thậm chí, cao hơn cả thuốc của châu Âu vốn được coi là có uy tín về chất lượng.
Một lọ Piracetam 2g/10ml có giá 6.700 đồng, nhưng lọ thuốc không thông dụng với hàm lượng 4g/10ml, giá lại tới 26.000 đồng. Giá một số loại thuốc khác cũng cao hơn nhiều lần so với thuốc thông thường. Nhưng điều được quan tâm còn là, những hàm lượng khác thường sẽ rất khó chia liều cho người sử dụng, như ngày uống 4 viên 250mg, thì với hàm lượng 275mg sẽ chia liều ra sao để đảm bảo việc điều trị chính xác.
Trước ý kiến của BHXHVN, ngày 7/7, Bộ Y tế đã có văn bản gửi BHXHVN, các cơ sở y tế và Sở Y tế trong cả nước để đưa ra các biện pháp xử lý, nhằm khắc phục tình trạng trên. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, Bộ Y tế thống nhất gọi các thuốc như trên là thuốc có hàm lượng, dạng bào chế, dạng phối hợp ít có cạnh tranh trong đấu thầu và có chi phí cao.
Bộ Y tế cũng bày tỏ quan điểm: 23 loại thuốc mà BHXHVN thông báo tạm thời dừng thanh toán đã được cấp phép lưu hành hợp pháp tại Việt Nam, được Thủ trưởng của cơ sở KCB lựa chọn trên cơ sở ý kiến tư vấn của Hội đồng thuốc và điều trị. Quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc, có sự tham gia của BHXH. Tuy nhiên, các thuốc này có giá trúng thầu cao do ít có cạnh tranh trong đấu thầu, vì vậy, việc rà soát lại tính hợp lý về giá trúng thầu của các thuốc này so với giá trúng thầu các thuốc khác có cùng hoạt chất trước khi thanh toán là cần thiết.
Để bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT và bảo đảm sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, Bộ Y tế đề nghị BHXHVN chỉ đạo BHXH các địa phương thanh toán chi phí sử dụng của 23 mặt hàng thuốc trên theo nguyên tắc: Thanh toán theo giá mua vào của cơ sở KCB, không vượt giá thuốc trúng thầu đúng quy định trên cơ sở hợp đồng đã ký với nhà thầu hoặc hợp đồng điều chỉnh đối với trường hợp nhà thầu có văn bản đề nghị giảm giá. Phối hợp với Sở Y tế và nhà thầu thống nhất mức giá thanh toán đối với các thuốc đã được nhà thầu đề nghị giảm giá. Về số lượng, thanh toán theo số thực tế sử dụng cho đến hết thời hạn hiệu lực của hợp đồng, nhưng không vượt quá số thuốc trúng thầu đã ký.
Về trách nhiệm trong việc lựa chọn thuốc đấu thầu, Bộ Y tế cũng đề nghị phía BHXH tăng cường trách nhiệm trong tham gia lựa chọn nhà thầu, có ý kiến ngay khi đơn vị lập kế hoạch mua sắm các thuốc như đã bị tạm dừng thanh toán, nếu đã có các thuốc cùng hoạt chất, bảo đảm cạnh tranh trên thị trường. Trong quá trình triển khai thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu, đối với các loại thuốc như trên, cần tổng hợp, cung cấp cho Bộ Y tế để rà soát, công bố giá kê khai, kê khai lại.
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn nhấn mạnh: Trong trường hợp đặc biệt cần sử dụng các loại thuốc trên, đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu phải báo cáo Bộ Y tế bằng văn bản về lý do sử dụng, kèm theo biên bản họp, thống nhất của Hội đồng thuốc và điều trị của các cơ sở KCB có nhu cầu. Sau khi Bộ Y tế đồng ý, đơn vị mới được đưa vào kế hoạch lựa chọn nhà thầu và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.