2 bệnh nhân COVID-19 nguy kịch hồi sinh ngoạn mục

Thứ Hai, 04/10/2021, 16:41

Hai bệnh nhân mắc COVID-19 nguy kịch, phải thở máy, trong đó có một sản phụ đã được các bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cứu sống thành công. 

Theo tin từ Trung tâm Hồi sức COVID-19 Trung ương ở Long An (trực thuộc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên), 2 bệnh nhân mắc COVID-19 nguy kịch phải thở máy xâm nhập vừa cứu sống và hồi sinh một cách kỳ diệu.

Trường hợp thứ nhất là một sản phụ ở TP Tân An, tỉnh Long An đã được mổ lấy thai tại Bệnh viện Đa khoa Long An và điều trị COVID-19 tại đây. Tuy nhiên, sản phụ diễn biến mỗi ngày mỗi nặng. Ngày 14/9, bệnh nhân được chuyển tới Trung tâm Hồi sức COVID-19 của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. 

 BSCKI Vũ Thành Long (Khoa Gây mê hồi sức - Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) cho biết: Sản phụ được can thiệp thở máy xâm nhập, lọc máu liên tục, điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế. Sau một thời gian điều trị tích cực, người bệnh đã có những chuyển biến thần kỳ.

Sau khi rút ống thở, thở ôxy, sức khỏe chuyển biến dần tốt, sản phụ đã tự thở khí trời. Dưới sự hỗ trợ tích cực của điều dưỡng trong kịp trực, chị đã có thể tập đi những bước chân đầu tiên sau nhiều ngày nằm trên giường bệnh. 

Ngày 4/10, sản phụ đã khỏe mạnh, có thể liên lạc về cho gia đình thông báo tin vui ngày ra viện sắp tới, ngắm nhìn cô con gái xinh xắn, đáng yêu qua “màn ảnh nhỏ”. Đây là món quà tuyệt vời nhất mà sản phụ và gia đình không dám nghĩ tới sau khi phải nhập viện điều trị COVID-19 trong tình trạng nguy kịch.

Trường hợp thứ hai là nam bệnh nhân SN 1980, ở quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, sau 4 ngày điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 21 với biểu hiện sốt, ho, khó thở, ngày 19/8, bệnh nhân được chuyển tuyến tới Trung tâm Hồi sức COVID-19 Trung ương tại Long An.

2 bệnh nhân COVID-19 nguy kịch hồi sinh ngoạn mục -0
Nam bệnh nhân đã hồi sinh kỳ diệu sau khi phải thở máy, 5 lần lọc máu. (Ảnh: Minh Tâm)

Bác sỹ Nguyễn Tiến Tuệ (Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) cho biết: “Bệnh nhân chuyển tuyến trong tình trạng suy hô hấp, đáp ứng chậm với máy thở không xâm nhập, bệnh nhân có diễn biến nặng và nguy cơ tử vong rất cao. Để cứu chữa, chúng tôi đã tiến hành đặt ống nội khí quản, tiếp tục cho bệnh nhân thở máy, mở khí quản, thực hiện 5 cuộc lọc máu liên tục kết hợp sử dụng thuốc theo phác đồ điều trị”.

Bằng tất cả sự quyết tâm, nỗ lực của đội ngũ y, bác sỹ, sau hơn một tháng, phép màu đã đến, bệnh nhân đã cai được máy thở, rút được ống nội khí quản và hiện đang thở ôxy kính. 

 

Tr.Hằng
.
.
.