Phải thay đổi tư duy “có gì đào tạo nấy”, rất lãng phí!

Thứ Bảy, 26/10/2024, 23:56

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những mục tiêu quốc gia. Những năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách và dành nhiều nguồn lực để hỗ trợ và phát triển đào tạo nghề, giải quyết việc làm.

Thế nhưng, có một thực tế là hiện nay chất lượng nguồn nhân lực dù đã có sự thay đổi nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Phải thay đổi tư duy đào tạo và làm tốt công tác dự báo là chia sẻ của nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân trong cuộc trao đổi với PV Báo CAND về những hạn chế của đào tạo nghề hiện nay. 

PV: Theo con số của Tổng cục Thống kê quý III và 9 tháng năm 2024, lực lượng lao động của Việt Nam ước tính là 52,7 triệu người, lao động có việc làm ước tính là 51,6 triệu người. Tuy nhiên, con số tỷ lệ lao động có qua đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ chỉ khoảng 27%. Qua những con số này, ông đánh giá thế nào về thị trường lao động Việt Nam hiện nay?

Phải thay đổi tư duy “có gì đào tạo nấy”, rất lãng phí! -0
Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân.

Ông Phạm Minh Huân: Trong quá trình phát triển, Đảng và Nhà nước đã xác định có một số vấn đề lớn cần phải có sự cải thiện gồm thể chế, hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực. Chính vì thế những năm qua, chúng ta đang tập trung sửa đổi nhiều vấn đề liên quan đến hệ thống chính sách, pháp luật. Tháo gỡ dần dần các điểm nghẽn để phù hợp với quá trình phát triển và hội nhập. Trong những năm gần đây, Nhà nước cũng tích cực đầu tư vào hạ tầng, kêu gọi các thành phần kinh tế cùng đầu tư vào hạ tầng làm nền tảng cho sự phát triển. Đối với chất lượng nguồn nhân lực thì cũng tập trung sửa đổi hệ thống pháp luật, điều chỉnh các chính sách, lập ra các chương trình mục tiêu để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng được với thời kỳ phát triển kinh tế mới. Đây là những vấn đề mà chúng ta đã cố gắng thực hiện nhiều năm qua. Tuy nhiên, nhìn lại thì có những vấn đề vẫn chưa đạt được so với yêu cầu, đặc biệt là vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Nhìn lại nhiều năm qua, chúng ta đã thấy chất lượng đào tạo nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Ví dụ như con số 27% lao động có bằng cấp và chứng chỉ đã nói lên việc chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta có vấn đề. Thị trường lao động vẫn chủ yếu là lao động phổ thông, lao động có tay nghề thấp. Trong khi đó, bối cảnh phát triển hiện nay, yêu cầu rất lớn về nguồn nhân lực chất lượng cao. Như vậy, trong thời gian tới chúng ta phải cố gắng nhiều hơn để giải quyết vấn đề này.

PV: Ông có thể nói cụ thể hơn, chúng ta phải làm gì để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực?

Ông Phạm Minh Huân: Theo tôi có 3 vấn đề liên quan đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chúng ta cần phải chú ý đó là hệ thống pháp luật, chính sách của chúng ta đã sửa đổi rồi nhưng chưa đáp ứng được thì cần phải tiếp tục hoàn thiện. Thứ hai là cần phải tổ chức lại hệ thống các trường, các cơ sở đào tạo nghề làm sao đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động hiện nay. Thứ ba là phải tăng cường hội nhập trong đào tạo nghề, tạo ra sự gắn kết với các nước trong khu vực và quốc tế, gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo.

Tuy nhiên đối với con số 27% lao động có bằng cấp, chứng chỉ này, chúng ta cũng còn phải xem xét thêm. Tôi nghĩ là hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang tự đào tạo. Đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, họ chỉ cần tuyển lao động có trình độ văn hoá tốt nghiệp THPT, sau đó là tự đào tạo. Số này rất lớn nhưng hiện nay chúng ta chưa thống kê được.

PV: Tỷ lệ lao động có tay nghề, bằng cấp, chứng chỉ thấp do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, ông có cho rằng một phần nguyên nhân đến từ công tác đào tạo nghề của chúng ta còn chưa thu hút được lao động?

Ông Phạm Minh Huân: Đúng là công tác đào tạo nghề hiện nay còn nhiều yếu kém. Tất nhiên là xã hội hiện nay vẫn còn coi trọng bằng cấp nên đa số học sinh tốt nghiệp THPT đều muốn đi học đại học mà không muốn học nghề. Vậy nhưng, cũng phải thừa nhận hệ thống giáo dục nghề nghiệp cũng còn nhiều tồn tại nên chưa thực sự thu hút được học viên.

Phải thay đổi tư duy “có gì đào tạo nấy”, rất lãng phí! -0
Phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yêu cầu cấp bách đặt ra trong bối cảnh hiện nay.

PV: Theo ông, những hạn chế lớn nhất của đào tạo nghề hiện nay là gì?

Ông Phạm Minh Huân: Hạn chế lớn nhất hiện nay là chúng ta chưa gắn kết được nhu cầu của doanh nghiệp về chất lượng lao động đối với đào tạo của các cơ sở dạy nghề. Chúng ta đã có nhiều thay đổi, nhưng rõ ràng giữa các cơ sở đào tạo và nhu cầu của doanh nghiệp vẫn chưa được gắn kết. Tôi nghĩ là về mặt luật pháp, chính sách của chúng ta cũng tương đối hoàn thiện. Tuy nhiên, trong các cơ sở đào tạo vẫn còn nhiều tồn tại. Hiện nay, tư duy trong đào tạo ở các trường nghề vẫn chủ yếu là có thế nào đào tạo thế đó. Cái này bắt buộc phải có sự thay đổi. Thị trường lao động, doanh nghiệp cần cái gì thì các cơ sở đào tạo phải chuyển đổi để đào tạo đáp ứng theo đó. Đối với các cơ sở đào tạo phải có sự thay đổi để đáp ứng từ thiết bị đào tạo, cho đến giáo trình, giáo viên…

Các cơ sở đào tạo phải có sự liên kết với các doanh nghiệp, đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp. Việc gắn kết cơ sở đào tạo với doanh nghiệp sẽ đỡ lãng phí nguồn lực của cả Nhà nước và xã hội, quan trọng hơn hết là đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp họ cũng mong muốn điều này. Họ cũng chỉ muốn tập trung vào sản suất kinh doanh, còn phần đào tạo nguồn nhân lực họ không phải lo nữa. Nhưng hiện nay, vấn đề này trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp rất yếu. Trong luật, trong chính sách đã đề ra rất nhiều về việc đào tạo lao động phải gắn với thị trường, đào tạo theo yêu cầu của thị trường, nhưng trên thực tế thì vẫn chỉ có gì đào tạo nấy.

PV: Có thể nói, thời gian qua chính sách của chúng ta liên quan đến vấn đề này rất tốt. Nhà nước đã dành nhiều nguồn lực, kinh phí cho các chương trình, các mục tiêu quốc gia trong đó có đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Có nghĩa là tiền dành cho việc đào tạo nghề không thiếu. Đơn cử như khi đại dịch COVID-19 xảy ra, Nhà nước đã có chính sách và dành hàng ngàn tỷ đồng cho đào tạo nâng cao tay nghề, chuyển đổi việc làm cho người lao động; rồi các chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp thông qua Quỹ bảo hiểm thất nghiệp… Ông có thể lý giải, tại sao kết quả vẫn chưa đột phá?

Ông Phạm Minh Huân: Như tôi đã nói, vấn đề vẫn nằm ở tư duy trong đào tạo. Mặc dù có chính sách, có nguồn lực, có mục tiêu nhưng việc chuyển đổi trong hệ thống dạy nghề của chúng ta vẫn quá chậm chạp. Có thể nói là cũng đã có những sự thay đổi, cố gắng chuyển đổi nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu.

Một điểm nữa cũng cần phải nói đến là lực lượng lao động của chúng ta cũng cần phải đáp ứng được sự thay đổi của thị trường lao động. Các cơ sở đào tạo phải đáp ứng được yêu cầu thay đổi của thị trường lao động. Có nghĩa là cả người lao động và cơ sở đào tạo phải bắt nhịp được sự thay đổi của thị trường lao động. Ví dụ như hiện nay trình độ khoa học, kỹ thuật trong các ngành sản xuất đã ở mức cao thì lực lượng lao động cũng phải bắt nhịp được vấn đề này. Tuy nhiên, để có lời giải cho vấn đề này cũng cần cả một quá trình. Mình mong muốn, nhưng nếu nền sản xuất của chúng ta vẫn cứ loanh quanh làm gia công thì trình độ của lực lượng lao động khó nâng lên được.

PV: Cần làm quyết liệt hơn việc dự báo cung cầu, chỉ tiến hành đào tạo khi xác định được nhu cầu. Ông nghĩ thế nào về vấn đề này?

Ông Phạm Minh Huân: Việc này là hoàn toàn đúng. Chúng ta đào tạo phải đào tạo theo nhu cầu của thị trường. Nhưng đi cùng với nó là việc phải dự đoán được nhu cầu trong ngắn hạn 3 – 5 năm tới, rồi dự đoán dài hạn hơn. Phải dự đoán được nhu cầu của thị trường thì mới có chiến lược đào tạo phù hợp và sát với nhu cầu thật của thị trường.

Các nước phát triển trên thế giới làm rất tốt vấn đề này. Dự báo tốt để đào tạo sẽ đỡ lãng phí nguồn lực. Còn chúng ta hiện nay vẫn đang đào tạo rất nhiều ngành nghề mà thị trường không có nhu cầu sử dụng. Từ trình độ đại học, cho đến cao đẳng, trung cấp đang có rất nhiều lao động không có việc làm. Việc này xuất phát từ việc đào tạo không sát với nhu cầu thị trường. Đây là một sự lãng phí rất lớn nguồn lực của Nhà nước và của xã hội. Vấn đề này liên quan đến Luật Việc làm. Yêu cầu đặt ra là phải làm tốt công tác dự báo nhu cầu của thị trường trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để có chiến lược đào tạo phù hợp. Chứ vẫn cứ đào tạo tràn lan thì quá lãng phí.

PV: Theo ông, giải pháp để giải quyết những hạn chế trong đào tạo nghề hiện nay là gì để tới đây chúng ta có được nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu thị trường lao động trong bối cảnh mới?

Ông Phạm Minh Huân: Có ba việc phải làm. Thứ nhất chúng ta vẫn phải rà soát lại hệ thống chính sách đã ban hành. Dù đã có sự đổi mới nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thì phải tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện. Thứ hai, chúng ta vẫn phải tập trung nguồn lực hỗ trợ đào tạo, dạy nghề. Thứ ba là phải đổi mới tư duy của dạy nghề. Việc đổi mới tư duy của đào tạo, dạy nghề là rất quan trọng. Phải đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu của thị trường và tăng cường liên kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp. Làm sao mà đào tạo ra đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp thì nhân lực đào tạo ra thị trường mới hấp thụ được.

Không thể không nhắc đến công tác dự báo. Đây là vấn đề còn rất yếu. Phải làm được công tác dự báo về nhân lực trong xu hướng phát triển kinh tế của đất nước. Giai đoạn này thì kinh tế phát triển ra sao, sẽ cần nguồn nhân lực thế nào, cần nhiều ở những lĩnh vực, ngành nghề nào... Có thể nói là vấn đề này đã đặt ra từ rất lâu và đến nay vẫn còn rất nhiều hạn chế. Chúng ta cũng đã làm nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu cho nên tình trạng yếu kém này vẫn chưa được giải quyết. Đào tạo tốn rất nhiều tiền của nhưng đầu ra thì không được sử dụng. Đào tạo đại học, cao đẳng ra nhưng lại đi làm công việc chân tay, rất lãng phí. Dự báo là công tác cực kỳ quan trọng, chúng ta đã làm rồi nhưng tôi phải nói thật là chưa được và thậm chí là còn khuyết điểm. Công tác dự báo phải làm sao để được sát yêu cầu của thị trường, nhìn xa hơn, rộng hơn từ đó có các chính sách, giải pháp cụ thể.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Phan Hoạt (thực hiện)
.
.
.