Huyện miền núi A Lưới ra khỏi danh sách huyện nghèo cả nước, do đâu?

Thứ Năm, 15/08/2024, 09:14

A Lưới là một huyện miền núi nằm ở phía Tây của tỉnh Thừa Thiên Huế có hơn 80km đường biên giới giáp với nước bạn Lào. Huyện có 17 xã và 1 thị trấn với hơn 14.300 hộ dân, trong đó có hơn 11.000 hộ là đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) như Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy.

Huyện A Lưới là một trong 74 huyện nghèo toàn quốc giai đoạn 2021-2025 và là một trong 22 huyện nghèo toàn quốc được ưu tiên đầu tư, hỗ trợ để thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 880/QĐ-TTg ngày 22/7/2022.

Lãnh đạo UBND huyện A Lưới cho biết, với mục tiêu thoát khỏi danh sách huyện nghèo trong năm 2024 nên thời gian qua, với sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp Đảng ủy, chính quyền cùng nguồn lực của Trung ương và địa phương, huyện A Lưới đã triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ về phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Trong đó huyện A Lưới đã chú trọng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo các năm 2022, 2023; Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, thực hiện các Nghị quyết của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế; Nghị quyết của Huyện ủy và HĐND huyện A Lưới về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025, UBND huyện A Lưới đã xây dựng kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2022-2025. 

Nhờ triển khai có hiệu quả các Chương trình MTQG kể trên và thực hiện đồng bộ các giải pháp nên tổng vốn đầu tư toàn xã hội của huyện A Lưới đạt 1.279 tỷ đồng/năm; thu ngân sách đạt hơn 26,9 tỷ đồng/năm. Đến nay, nhiều xã biên giới ở A Lưới có sự khởi sắc đáng kể khi đã tăng cường đào tạo việc làm, hỗ trợ nhà ở và các mô hình sinh kế giúp cho người dân tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. 

Ghi nhận tại xã Đông Sơn (huyện A Lưới), nhờ thực hiện đồng bộ các chương trình, chính sách, giải pháp cùng với công tác đào tạo việc làm, hướng nghiệp, chuyển đổi mô hình sinh kế đã giúp số hộ nghèo ở xã biên giới này giảm thiểu đáng kể. Ông Trương Toàn Thắng, Chủ tịch UBND xã Đông Sơn cho biết, thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới cùng Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, đến nay xã đã giảm hơn 36% hộ nghèo (giảm gần 90 hộ nghèo), hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hơn 50 hộ nghèo. Ngoài nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhiều công trình, dự án ở địa bàn xã được triển khai đúng kế hoạch như xây dựng đường vào khu sản xuất thôn Ka Vá và Tru Chaih, đường vào khu sản xuất Pa Re giai đoạn 3 với tổng số vốn đầu tư nhiều tỷ đồng để phục vụ hoạt động sản xuất, làm kinh tế của người dân. 

Cùng với triển khai có hiệu quả các Chương trình MTQG, huyện A Lưới còn thực hiện đồng bộ nhiều chính sách, kế hoạch về giảm nghèo bền vững. Nhờ vậy nên từ năm 2021 đến 2023, quy mô hộ nghèo và hộ cận nghèo đa chiều của huyện A Lưới giảm từ 9.207 hộ xuống còn 5.720 hộ, giảm 3.487 hộ (giảm 37,87%) và đến cuối năm 2024 sẽ giảm còn 3.681 (2.057 hộ nghèo và 1.624 hộ cận nghèo).

Theo đó, quy mô hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều trong giai đoạn 2021-2024 của huyện A Lưới giảm 5.526 hộ, tương ứng giảm 60,02%, đạt mục tiêu về giảm tỷ lệ nghèo đa chiều quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 1 Quyết định số 880/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Về thu nhập bình quân đầu người, vào cuối năm 2020, huyện A Lưới đạt 25 triệu đồng/người/năm, đến cuối năm 2023 đạt mức 35,22 triệu đồng/người/năm (tăng 1,41 lần). Dự kiến đến cuối năm 2024, huyện A Lưới đạt mức thu nhập 40 triệu đồng/người/năm (tăng 1,6 lần) và cuối năm 2025 đạt trên 45 triệu đồng/người/năm (tăng 1,8 lần). 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho hay, với những kết quả đạt được kể trên, vào ngày 22/7/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 702/QĐ-TTg về việc công nhận huyện A Lưới thoát nghèo năm 2024 và đưa A Lưới ra khỏi danh sách huyện nghèo giai đoạn 2021 - 2025. 

Theo lãnh đạo UBND huyện, sau khi thoát khỏi huyện nghèo, A Lưới tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, sự phối hợp của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể, phát huy vai trò già làng, trưởng bản trong thực hiện công tác giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới. Đồng thời sẽ tiếp tục sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của Nhà nước, thực hiện tốt các Chương trình MTQG lồng ghép xây dựng nông thôn mới, các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, dự án phát triển du lịch và khôi phục, phát triển nghề truyền thống gắn với giảm nghèo bền vững.

“Các hộ thoát nghèo sẽ được huyện tiếp tục quan tâm, hỗ trợ phát triển chăn nuôi, trồng trọt, được tham gia học tập, chuyển giao khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất. Ngoài ra, hộ nghèo và cận nghèo sẽ được tham gia học nghề, vay vốn sản xuất, được thụ hưởng các chế độ chính sách của Nhà nước trong các chương trình hỗ trợ đồng bào vùng khó khăn. Huyện cam kết các hộ thoát nghèo giai đoạn 2021-2025 không tái nghèo trở lại”, Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Thanh Bình, thời gian qua, tỉnh đã nỗ lực triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội với nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Và huyện A Lưới được Thủ tướng Chính phủ công nhận thoát nghèo năm 2024 có ý nghĩa hết sức quan trọng trong tiến trình xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị.

Anh Khoa
.
.
.