Đẩy nhanh tiến độ các dự án cao tốc miền Tây

Chủ Nhật, 28/07/2024, 07:16

Bên cạnh việc giải quyết khó khăn về nguồn vật liệu, các địa phương cũng được yêu cầu đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thi công.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Duy Lâm cho biết: Giai đoạn 2021-2025, khu vực ĐBSCL triển khai 5 dự án giao thông trọng điểm gồm đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau; đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; đường cao tốc Cao Lãnh - An Hữu; đường cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh; đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận. Đến nay 4/5 dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, đang tổ chức triển khai thi công. Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án cơ bản đáp ứng yêu cầu, 4 dự án GPMB đạt từ 82-99,9%, riêng dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận đạt 18% (mới khởi công tháng 3/2024).

hau-giang-15.jpg -0
Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, đoạn qua tỉnh Hậu Giang. Dự án có tông số 2 gói thầu xây lắp. Ảnh: Song Thư

Bộ GTVT đánh giá nếu dự án này không bàn giao toàn bộ mặt bằng trước ngày 30/9 sẽ không thể hoàn thành dự án vào cuối năm 2025. Tổng nhu cầu vật liệu cát đắp cho các dự án khoảng 55,5 triệu m3. "Với kết quả GPMB các dự án đường cao tốc như trên và đặc thù các dự án phải gia tải chờ lún trong khoảng 10-12 tháng, để có thể hoàn thành các dự án theo kế hoạch đề ra, vấn đề cốt lõi nhất hiện nay là phải đảm bảo nguồn vật liệu cát đắp, vật liệu cấp phối đá dăm, công tác chỉ đạo, điều hành của chủ đầu tư. Đồng thời cũng cần sự nỗ lực, quyết tâm của các nhà thầu trong tổ chức thi công là yếu tố quyết định đến tiến độ hoàn thành các dự án", Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã hết sức quan tâm, trực tiếp kiểm tra, làm việc với các địa phương và có nhiều văn bản, công điện chỉ đạo. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), Bộ trưởng Bộ GTVT đã trực tiếp kiểm tra và làm việc với các địa phương để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc và kịp thời hướng dẫn các thủ tục. Đến nay các tỉnh gồm An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Tiền Giang và Sóc Trăng đã xác định nguồn cung với tổng trữ lượng khoảng 63,1 triệu m3. Trong đó, đã đủ điều kiện khai thác khoảng 36,83 triệu m3, đang hoàn thiện thủ tục cung ứng 26,27 triệu m3. Bộ GTVT đã kiến nghị UBND tỉnh Tiền Giang, Bến Tre chỉ đạo các sở, ngành phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư, các nhà thầu để hoàn thành các thủ tục, đưa các mỏ vào khai thác cuối tháng 8/2024, bảo đảm cung ứng đủ khối lượng, công suất, đáp ứng tiến độ thi công các dự án theo chỉ tiêu đã được giao (tỉnh Tiền Giang 9,3 triệu m3, tỉnh Bến Tre 5,4 triệu m3).

UBND tỉnh Vĩnh Long khẩn trương hoàn thành các thủ tục khai thác mỏ, nâng công suất mỏ để cung ứng 2 triệu m3 còn lại cho dự án Cần Thơ - Cà Mau, hoàn thành trong tháng 7/2024. Riêng UBND tỉnh An Giang hoàn thành công tác rà soát, đánh giá trữ lượng các mỏ và triển khai thủ tục để cung ứng đủ khối lượng cho dự án thành phần 1 (còn 3,4 triệu m3) thuộc Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; khẩn trương điều phối khối lượng cát (khoảng 1,4 triệu m3 từ 3 mỏ) đã cấp cho các nhà thầu khai thác phục vụ thi công dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Về vật liệu xây dựng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ GTVT chủ trì, đặc biệt là Bộ trưởng Bộ TN-MT tiếp tục chỉ đạo hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời các địa phương có nguồn vật liệu san lấp đắp nền đường để chủ động khẩn trương giải quyết việc cấp phép khai thác mỏ, nâng công suất khai thác mỏ cát khi đủ điều kiện, gia hạn mỏ theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ lưu ý trong quá trình giải quyết, không đặt ra những quy định gây khó khăn, cản trở hoạt động cung ứng cát đắp nền đường, làm chậm tiến độ hoặc tăng chi phí các dự án. Chủ tịch UBND các tỉnh có nguồn vật liệu san lấp (Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Sóc Trăng, An Giang…) và các địa phương có nhu cầu vật liệu san lấp (TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Cần Thơ, Hậu Giang, Cà Mau…) chủ động trao đổi, làm việc, áp dụng mọi cơ chế, chính sách đặc thù và cơ chế thuận lợi nhất để giải quyết đủ nguồn vật liệu theo chỉ tiêu được giao, cũng như cam kết (đảm bảo về trữ lượng, công suất), bảo đảm hoàn thành các thủ tục cấp phép trong tháng 7 để thực hiện khai thác toàn bộ các mỏ trong tháng 8/2024; xem xét thực hiện điều phối linh hoạt vật liệu san lấp đắp nền đường theo tiến độ các dự án theo quy định của pháp luật. Về công tác thi công, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ quản dự án chỉ đạo chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án yêu cầu nhà thầu thi công, tư vấn giám sát huy động tối đa nhân lực, máy móc, trang thiết bị hiện đại, cải tiến quy trình làm việc phấn đấu rút ngắn thời gian hoàn thành các dự án.

Văn Vĩnh
.
.
.