Bộ Công Thương tìm giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu

Thứ Năm, 10/02/2022, 06:09

Chiều 9/2, trước diễn biến giá xăng dầu trên thế giới có nhiều biến động, tình hình cung ứng tại thị trường trong nước có dấu hiệu bất ổn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp trực tiếp tại trụ sở Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) kết hợp hình thức trực tuyến với các điểm cầu tại các địa phương và doanh nghiệp (DN) cung ứng xăng dầu để bàn giải pháp đảm bảo nguồn cung, bình ổn thị trường trong nước.

Tại buổi họp, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, với nhu cầu khoảng 1,8-2 triệu m3 xăng dầu các loại/tháng, nguồn cung như trên cơ bản đáp ứng nhu cầu thị trường trong tháng 2/2022. Từ tháng 3, nguồn cung có thể giảm, lượng tồn kho thấp so với các tháng thông thường.

3436_1.jpeg -0
Lực lượng QLTT kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Tuy nhiên, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã có kế hoạch sẽ chạy đủ 100% công suất từ 13/3/2022. Hiện, các thương nhân đầu mối cũng đã có kế hoạch nhập khẩu xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước (nếu Nhà máy lọc dầu Nghị Sơn không bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất như kế hoạch).

Theo ông Trần Duy Đông, hiện Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) đã có kế hoạch nhập khẩu tăng thêm và dự kiến lượng xăng dầu về cảng Việt Nam ngày 20/2/2022 là 26.000m3 xăng và 42.000m3 dầu; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng đã ký kết các hợp đồng nhập khẩu để bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường theo đúng kế hoạch đã đăng ký. Lượng bán xăng dầu ra thị trường của Petrolimex trong tháng vừa qua đã tăng khoảng 30% so với các tháng thông thường. Ngoài ra, các thương nhân đầu mối xăng dầu khác cũng đang tích cực triển khai việc ký kết, nhập khẩu xăng dầu.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, thời gian vừa qua, thị trường xăng dầu thế giới có nhiều biến động, nguồn cung khan hiếm, giá xăng dầu liên tục tăng cao, nguyên nhân là do các yếu tố về địa chính trị đang diễn biến phức tạp tại một số quốc gia sản xuất, khai thác dầu lớn ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu; nhu cầu xăng dầu phục hồi khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát và các nước thay đổi phương thức ứng phó với dịch bệnh; các nước tăng các gói kích cầu làm ảnh hưởng đến lạm phát chung…

Tại Việt Nam, nguồn cung và giá cả cũng không nằm ngoài xu hướng chung của thị trường xăng dầu thế giới. Bên cạnh đó, thời gian vừa qua, nguồn cung xăng dầu trong nước còn chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc gián đoạn nguồn cung từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn do những khó khăn về tài chính của nhà máy. Vì vậy, “trên thị trường, có hiện tượng một số DN hạn chế bán hàng, một số cửa hàng ngừng bán hàng, giảm thời gian bán hàng do nguồn cung bị gián đoạn và tâm lý chờ tăng giá. Hiện tượng này nếu không được xử lý nghiêm sẽ ảnh hưởng đến công tác điều hành, cung ứng xăng dầu cho thị trường, gây tổn hại cho chương trình phục hồi kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước trong giai đoạn sau Tết Nguyên đán và cả năm 2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu, trong mọi tình huống không để thiếu hụt nguồn cung xăng dầu.

Do vậy, UBND các tỉnh thành phố phối hợp chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn, các DN kinh doanh xăng dầu: tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp ngày 8/2/2022 và các văn bản chỉ đạo của Bộ Công Thương về việc bảo đảm nguồn cung xăng dầu.

Đồng thời, yêu cầu các DN kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cam kết chấp hành nghiêm các quy định về duy trì cung ứng xăng dầu trong hệ thống và tại các cửa hàng bán lẻ, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết; cam kết bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của người dân và DN trong mọi tình huống.

Lưu Hiệp
.
.
.