World Cup 2022, nơi tôn vinh sự linh hoạt và tính thích ứng của HLV

Thứ Hai, 19/12/2022, 09:00

Tại World Cup 2022, chẳng có chiến thuật nào mới mẻ hay đặc biệt xuất hiện. Thay vào đó, thành công đến từ cảm quan nhạy bén của các huấn luyện viên khi họ biết cách để thích ứng với hoàn cảnh cũng như thay đổi đúng lúc trước từng đối thủ.

World Cup, ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh 4 năm mới xuất hiện một lần từng là nơi chứng kiến những chiến thuật đi vào “sách giáo khoa bóng đá” được khai sinh. Có thể kể đến World Cup 1950, giải đấu đặt nền móng cho lối chơi tấn công tinh tế của Brazil. Đến World Cup 1970, nó nâng tầm với sự xuất hiện của Pele, rồi sau đó được đặt cho cái tên “Jogo bonito”. Bóng đá tổng lực với Hà Lan của Johan Cruyff cùng Đức của Franz Beckenbauer ở World Cup 1974 cũng là ví dụ tiêu biểu. Gần đây là Tây Ban Nha tại World Cup 2010, với tiki-taka đã đi vào lịch sử.

anh-1-(1).jpg -0
HLV Regragui giúp Morocco giành hạng Tư chung cuộc với lối chơi phù hợp.

Tuy nhiên, chẳng có chiến thuật mới mẻ hay đặc biệt xuất hiện tại World Cup 2022. Đây chính xác là giải đấu tôn vinh sự tối giản, khi những đội tuyển thành công nhất đều không lựa chọn lối chơi màu mè mà thay vào đó, phải phù hợp với chất lượng nhân sự cũng như tuân thủ tối đa về mặt kỷ luật.

Morocco là ví dụ tiêu biểu nhất. Trong suốt hành trình kỳ diệu và kết thúc World Cup 2022 với vị trí thứ tư, đại diện châu Phi chưa bao giờ là đội cầm bóng nhiều hơn, kể cả trước đối thủ bị đánh giá yếu hơn là Canada. Thay vào đó, họ sẵn sàng nhường thế trận, chủ động đá thấp để chờ đợi những sai lầm dù là nhỏ nhất.

Tây Ban Nha rồi Bồ Đào Nha đều đã gục ngã trước Morocco theo cùng một kịch bản, đó là cầm bóng vượt trội, tấn công liên tục nhưng bất lực. Trái lại, Morocco chỉ tập trung phòng ngự một cách cực kỳ kỷ luật trước khi thực hiện những đợt lên bóng “ít mà chất”. Croatia trong phần lớn thời gian của giải cũng có lối chơi tương tự và vị trí thứ ba chung cuộc với một đội hình không được đánh giá cao cũng là thành công lớn.

Những gì Morocco và Croatia làm suốt giải là điều đã được đoán trước khi đơn giản là vận hành một hệ thống mà ở đó, những điểm yếu được giấu đi đầy khéo léo. Chẳng ai có thể trách họ về việc luôn nhập cuộc với tâm thế của kẻ yếu thế cùng một lối chơi thiên về phòng ngự - phản công bởi đơn giản, các HLV hiểu rõ thực lực của đội bóng của mình đến đâu, cả về chất lượng con người lẫn tinh thần chiến đấu, qua đó đưa ra giải pháp để thích ứng.

Trong khi đó, thành công của đội tuyển Argentina lại đến từ sự thích nghi và chấp nhận thay đổi của HLV Lionel Scaloni. Chiến lược gia 44 tuổi đã bắt đầu giải đấu với hàng công 3 người gồm Angel Di Maria, Lautaro Martinez và Lionel Messi. Tuy nhiên, sự mất cân bằng trong đội hình cũng như lối chơi đã được thể hiện khi Albiceleste nhận thất bại khó tin 1-2 trước Saudi Arabia ở ngay trận ra quân.

HLV Scaloni đã thay đổi đúng lúc khi để Di Maria cùng Lautaro Martinez ngồi dự bị. Thay vào đó, “thuyền trưởng” Argentina sử dụng sơ đồ 4-4-2 với chỉ Julian Alvarez sát cánh bên Messi. Trên lý thuyết, “hỏa lực” bị giảm đi nhưng thực tế đã chứng minh, Albiceleste trở nên uyển chuyển, hiệu quả và cũng chắc chắn hơn.

Không như Argentina, Brazil đã phải trả giá vì sự cố chấp của HLV Tite. Hàng công gồm 9 ngôi sao, trong đó có những Neymar, Vinicius, Raphinha, Richarlison hay cả Antony, Rodrygo khiến mọi đội tuyển phải thèm khát và thừa nhận Selecao là ứng viên số 1 cho ngôi vương.

Nhưng nhiều quá có khi mất hay. Trước một đội tuyển đầy toan tính, kỷ luật và có phần thực dụng như Croatia, Brazil của HLV Tite không chịu thay đổi mà vẫn tự tin rằng chiến thắng sẽ đến nhờ sự khác biệt từ chất lượng nhân sự. Ông luôn để 4 ngôi sao trên hàng công, kể cả sau khi đã có bàn mở tỉ số trong hiệp phụ.

Khoảnh khắc thiên tài của Neymar đã đưa Brazil đến gần bán kết những chỉ cần một phút lơ là, khi quân số ở hàng tiền vệ không đủ, cùng một chút chủ quan, họ đã mất tất cả. Nếu tuyến giữa 4 người, bao gồm Fabinho xuất hiện, có lẽ Selecao đã không bị loại còn HLV Tite chẳng phải trả giá bằng chiếc ghế của chính mình.

Scaloni lại khác, cũng trước Croatia, ông đã sắp xếp một hàng tiền vệ 4 người cực kỳ vững chãi để hạn chế tối đa tầm ảnh hưởng của Luka Modric. Rõ ràng, “thuyền trưởng” Argentina đã rút ra bài học và nghiên cứu cách khắc chế đối thủ chứ không chỉ thắng bằng sự vượt trội về lực lượng.

Pháp có lẽ là đội tuyển duy nhất có thể vận hành với cùng một hệ thống từ đầu đến cuối giải nhưng thực tế, HLV Didier Deschamps cũng đã mất khoảng thời gian rất dài để tạo nên sự cân bằng. Với trọng tâm vẫn đặt vào Kylian Mbappe, Deschamps đã xây dựng nên lối chơi phục vụ chân sút này mà ở đó, Antoine Griezmann từ một tay săn bàn trở thành tiền vệ con thoi, Olivier Giroud tập trung vào việc thu hút đối phương còn Ousmane Dembele sẵn sàng hy sinh để làm nền.

Trong quá khứ, Italia từng gắn liền với hình ảnh một đội tuyển có khả năng phòng ngự chắc chắn, hay Đức lạnh lùng, chơi đầy trực diện. Nhưng theo thời gian, những giá trị ấy dần phai nhạt. Italia không thể giành vé đến Qatar, Đức lần thứ hai liên tiếp bị loại từ vòng bảng World Cup.

Đơn Ca
.
.
.