Phía sau bàn thắng không được tính cho Ronaldo
Câu chuyện về việc bàn thắng của Ronaldo không được công nhận đang là đề tài nhận được nhiều tranh cãi. Và một lần nữa, công nghệ đến từ trái bóng World Cup 2022 lại nhận được nhiều sự quan tâm.
Trận đấu giữa Bồ Đào Nha và Uruguay, phút 54, bàn thắng mở tỉ số từ đường chuyền của Bruno Fernandes, Ronaldo bật nhảy và bóng vào lưới. Nhìn cách mà CR7 ăn mừng, rất nhiều người đã nghĩ đó là một pha ghi bàn của anh, bóng đã chạm đầu siêu sao Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, bảng điện tử trên sân thông báo bàn thắng được tính cho Fernandes. Ronaldo mỉm cười và vung hai tay lên trời như một cách thất vọng vì bàn thắng không tính cho anh.
Theo truyền thông Anh, Ronaldo đã gửi tin nhắn cho MC Piers Morgan - người mà anh đã thực hiện cuộc phỏng vấn gây tranh cãi về Man United trước khi dự World Cup 2022 và khẳng định, anh đã chạm bóng trong pha bật cao đánh đầu. Ngay cả Fernandes cũng nói tương tự: “Tôi không nghĩ ai ghi bàn là điều quá quan trọng. Cảm giác của tôi lúc đó là Cristiano đã chạm vào bóng. Tôi đã chuyền bóng cho anh ấy".
Thế nhưng, hãng Adidas sử dụng công nghệ xác nhận bóng chưa chạm Ronaldo. Trong nội dung công bố có nêu: “Trong trận đấu giữa Bồ Đào Nha và Uruguay, bằng cách sử dụng công nghệ bóng kết nối có trong trái bóng chính thức Al Rihla, chúng tôi có thể chắc chắn không có pha chạm bóng nào từ Cristiano Ronaldo để ghi bàn mở tỉ số trận đấu.
Không thể đo được ngoại lực tác dụng lên quả bóng như thể hiện do thiếu “nhịp đập” trong các phép đo của chúng tôi và trong hình ảnh đính kèm. Cảm biến IMU 500Hz bên trong quả bóng cho phép chúng tôi phân tích với độ chính xác cao”.
Như thông tin đã đưa, FIFA đã trang bị công nghệ cho quả bóng Adidas thi đấu tại World Cup 2022. Theo Adidas, quả bóng được dùng trong các trận đấu có công nghệ kết nối mới, sẽ được sử dụng để nâng cao hệ thống VAR bằng cách cung cấp dữ liệu và thông tin chuẩn xác giúp các trọng tài đưa ra quyết định nhanh hơn và chính xác hơn.
Khi có bộ cảm biến trong trái bóng sẽ không tránh khỏi sự nghi ngại về chất lượng. Nhưng Adidas đảm bảo rằng, hệ thống này nằm ở trung tâm quả bóng và ổn định cảm biến chuyển động đơn vị đo lường quán tính (IMU) 500Hz, cung cấp cái nhìn sâu sắc về mọi yếu tố chuyển động của quả bóng, đồng thời không gây ảnh hưởng tới cầu thủ và hiệu suất của bộ cảm biến.
Maximilian Schmidt - đồng sáng lập và giám đốc điều hành KINEXON, nhà sản xuất cảm biến sử dụng trong quả bóng Al Rihla nói: “Bất cứ khi nào quả bóng được đá, ném hoặc va chạm, cảm biến sẽ ghi lại các chuyển động và kết hợp với hệ thống camera trên sân để ghi lại mọi thông số”.
Sau khi câu chuyện tranh cãi về bàn thắng của Ronaldo xuất hiện, công nghệ đến từ trái bóng Al Rihla được truyền thông nhắc đến. Những vấn đề về sự chính xác của công nghệ và cả chất lượng trái bóng được phân tích. Thậm chí, việc World Cup 2022 đến thời điểm nay ít những bàn thắng đến từ các tình huống đá phạt cũng là điều nhận được dấu hỏi.
Cho đến thời điểm mà công nghệ lên tiếng, bàn thắng của Ronaldo vẫn là đề tài tranh cãi. Điều đó cũng giống như câu chuyện của VAR đang được áp dụng tại giải đấu này. Nó đang khiến những tình huống được chính xác hơn nhưng cũng có ý kiến cho rằng, nó đang đánh mất cảm xúc và cắt vụn trận đấu hơn. Những phút bù giờ dài lê thê ở những trận đấu đã qua, VAR cũng góp một phần.
Còn với Ronaldo, anh có cần làm mọi cách để được công nhận bàn thắng? Chris Sutton - cựu tiền đạo người Anh đã đưa ra quan điểm đáng suy nghĩ: “Tôi không biết Ronaldo sẽ gửi bao nhiêu tin nhắn cho Piers Morgan nhưng cậu ta sẽ không nhận được gì từ FIFA. Khi Ronaldo chạy về cột góc ăn mừng bàn thắng, đó là vì cậu ta nghĩ mình vừa ghi bàn, không phải chia vui với đồng đội. Ronaldo luôn chơi vì Ronaldo”.
Ai cũng biết, đây là kỳ World Cup cuối cùng của Ronaldo ở sự nghiệp đỉnh cao trong màu áo Bồ Đào Nha. Và nếu hướng đến giá trị của bóng đá là tập thể, câu chuyện ai ghi bàn không còn quan trọng. Bởi như Ronaldo nói anh đến đây là vì danh hiệu vô địch. Mà để có điều đó, tất nhiên phải là tập thể đội tuyển Bồ Đào Nha.
Messi đi bộ trên sân nhiều nhất
Messi vẫn luôn bị chỉ trích vì đi bộ trên sân trong những năm gần đây. Và sau lượt đấu đầu tiên tại vòng bảng của World Cup 2022, anh lại tiếp tục "thói quen" này.
Theo thống kê của The Athletic, La Pulga đã có 4.625m đi bộ trên sân ở trận đấu với Saudi Arabia. Không cầu thủ nào đi bộ nhiều hơn anh ở lượt đấu đầu tiên của vòng bảng.
Đứng thứ 2 sau ngôi sao người Argentina là Mohammed Salisu của Ghana với 4.525m. Tiếp theo là Hirving Lozano của Mexico (4.505m), Jordan Pickford của Anh (4.494m) và Robert Lewandowski của Ba Lan (4.464m).
Trong top 20 cầu thủ đi bộ nhiều nhất ở lượt đấu đầu tiên vòng bảng World Cup 2022 có khá nhiều ngôi sao nổi tiếng như Kevin de Bruyne, Antoine Griezmann, Joao Cancelo, Luke Shaw, Jude Bellingham, John Stones hay Kylian Mbappe.
Có lẽ nguyên nhân cho tình trạng này là các cầu thủ ngôi sao chỉ vừa mới hội quân sau những vòng đấu căng thẳng tại câu lạc bộ.
Messi năm nay đã 35 tuổi, sức khỏe của anh chắc chắn không dẻo dai bằng nhiều cầu thủ cùng trang lứa. Do vậy, tiền đạo từng 7 lần giành Quả bóng vàng buộc phải chọn giải pháp đi bộ trên sân nhiều hơn là chạy. Và tình trạng này đã hình thành phong cách quen thuộc của Messi trong vài năm trở lại đây.
H.H