Cái giá phải trả cho “con đường lạc lối”

Thứ Sáu, 21/05/2021, 08:33
Vào năm 2015, một số người dân tộc Mông ở địa bàn vùng sâu, vùng xa thuộc các huyện Bắc Yên, Phù Yên, Sông Mã, Sốp Cộp tỉnh Sơn La do bị tuyên truyền, kích động, lôi kéo đã bỏ quê hương bản xứ trốn sang Lào tham gia hoạt động thành lập “Nhà nước Mông” gây tâm lý hoang mang trong đồng bào các dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh.

Điều đáng nói là có một số đối tượng hoạt động với vai trò chủ mưu, cầm đầu, tích cực tuyên truyền, kích động và tổ chức “vận chuyển” người vượt biên sang Lào tham gia vào hoạt động này. Sau một thời gian dài kiên trì điều tra, xác minh và quyết liệt đấu tranh, Công an tỉnh Sơn La từng bước bóc gỡ đường dây của tổ chức phản động này, bắt giữ nhiều đối tượng, đồng thời tuyên truyền vận động được nhiều người dân đã từng đi theo con đường lạc lối để quay trở về làm ăn lương thiện.

Sơn La là tỉnh biên giới, nhiều dân tộc, được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế, xã hội. Trải qua các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ xâm lược, Sơn La là một trong những khu căn cứ địa cách mạng vững chắc, cung cấp sức người, sức của, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Thế nhưng, những năm gần đây trên địa bàn xuất hiện tình trạng các đối tượng lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, tự do tín ngưỡng, dân chủ, nhân quyền để tác động, chia rẽ, lôi kéo, kích động tư tưởng ly khai, tự trị, tuyên truyền lập “Nhà nước Mông”.

Các đối tượng được đưa ra xét xử.

Lợi dụng địa hình và địa bàn cư trú phức tạp, chúng tiến hành truyền đạo trái pháp luật, tuyên truyền thành lập các tổ chức phản động. Lợi dụng đời sống của đồng bào dân tộc còn khó khăn, chúng tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, tất cả những hoạt động dưới cái gọi là “Nhà nước Mông” đều có bàn tay đạo diễn từ các thế lực thù địch từ nước ngoài.

Qua công tác nắm tình hình, Công an tỉnh Sơn La phát hiện một số người dân tộc Mông ở xã Suối Tọ, huyện Phù Yên và xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La chuyển tải cho nhau xem qua điện thoại một số video clip có hình ảnh kèm tiếng động, ngôn ngữ Mông về cái gọi là “Nhà nước Mông”. Một số đối tượng ở các huyện Sông Mã, Sốp Cộp còn tuyên truyền người dân cắm lá xanh, dựng bàn thờ mới không giống bàn thờ truyền thống của người Mông, may cờ, trang phục tuyên truyền lôi kéo người dân vượt biên giới sang Lào để tham gia quân đội Mông với mưu đồ thành lập “Nhà nước Mông”.

Qua công tác, rà soát số công dân vắng mặt lâu ngày tại địa phương, lực lượng Công an đã phát hiện 17 đối tượng người Mông thuộc hai huyện Phù Yên và Bắc Yên trốn sang Lào tham gia hoạt động “Nhà nước Mông” do hai đối tượng Vàng A Lầu, SN 1972, trú tại bản Trò, xã Suối Tọ, huyện Phù Yên và Mùa A Kỳ (tức Kỳ hói), SN 1975, trú tại bản Háng Đồng C, xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên cầm đầu, trực tiếp tuyên truyền, lôi kéo người sang Lào. Để đảm bảo yêu cầu đấu tranh với số đối tượng trên, Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng chức năng áp dụng các biện pháp, kiểm soát chặt chẽ thông tin, nắm chắc âm mưu, ý đồ; đồng thời tổ chức trinh sát, xác minh nơi lẩn trốn, mối quan hệ của các đối tượng; tăng cường quản lý địa bàn, đối tượng; củng cố tài liệu, chứng cứ về hành vi phạm tội của các đối tượng.

Qua công tác xác minh, chúng ta đã xác định được tổ chức hoạt động của nhóm đối tượng này có sự liên hệ và được sự hậu thuẫn về mặt tài chính từ một số tổ chức phản động người Mông lưu vong như tổ chức “Đại hội dân tộc Mông thế giới” ở Mỹ do đối tượng Mùa Dình Cống cầm đầu, tổ chức “Đảng Cha Pao - Đảng cộng sản Mông” cũng ở Mỹ do Hờ Cua và Hơ Cư Sênh cầm đầu. Ngoài ra còn có sự liên hệ với nhóm tội phạm Lý A Dế - kẻ đã gây ra vụ tụ tập đông người tại Mường Nhé - Điện Biên vào tháng 5/2011, hiện Lý A Dế cũng đang lẩn trốn tại nước ngoài.

Để truy tận gốc các hoạt động của các nhóm tội phạm từ nước ngoài,  Công an tỉnh Sơn La đã phối hợp với Công an các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, đặc biệt là Tổng cục An ninh Lào và Công an các tỉnh Bắc Lào, trọng tâm là các tỉnh Luông Pha Băng, Luông Nậm Thà, Hủa Phăn, Bò Kẹo, Xiêng Khoảng… trong việc trao đổi thông tin, xác minh, truy tìm số công dân người dân tộc Mông Sơn La trốn sang Lào tham gia hoạt động lập “Nhà nước Mông”.

Từ việc phối hợp này, Công an tỉnh Luông Pha Băng (Lào) đã tiến hành bắt giữ 3 đối tượng Mùa A Kỷ, SN 1993, Mùa A Dơ, SN 1996 và Mùa A Sềnh, SN 1993; cùng trú tại bản Háng Đồng C, xã Háng Đồng, huyện Bắc Yên; Công an tỉnh Luông Nậm Thà đã phát hiện và bắt giữ đối tượng Vàng A Cha, SN 1994, trú tại bản Trò, xã Suối Tọ, huyện Phù Yên; Đồn Biên Phòng cửa khẩu quốc tế Tây Trang, tỉnh Điện Biên đã phát hiện, bắt giữ 2 đối tượng Sồng A Dia, SN 1983, trú tại bản Suối Khang, xã Suối Tọ, huyện Phù Yên và Lý A Dờ, SN 1991, trú tại bản Sín Chải, xã Pa Vây Sử, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu khi hai đối tượng này xâm nhập trở về Việt Nam.

Bên cạnh việc bắt giữ các đối tượng cầm đầu cốt cán là nhiệm vụ tuyên truyền vận động để người dân hiểu và không nghe theo kẻ xấu. Nắm bắt tâm lý bà con người Mông nên Công an tỉnh Sơn La chủ trương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục để tránh gây tâm lý hoang mang cho bà con nhân dân.

Ban đầu, việc tuyên truyền vận động gặp rất nhiều khó khăn do thói quen và phong tục tập quán cùng với trình độ nhận thức còn nhiều hạn chế của đồng bào Mông. Tuy nhiên những kiên trì cố gắng của lực lượng an ninh cắm bản và các cấp chính quyền địa phương cũng dần dần mang lại nhiều hiệu quả tốt. Tại huyện Sông Mã, có 10 đối tượng đã thừa nhận và thấy được việc làm sai trái của mình, phối hợp cùng lực lượng Công an tiếp tục tuyên truyền vận động cho các đối tượng còn lại quay trở về.

Tại huyện Phù Yên, đã tổ chức 66 hội nghị cấp xã, 508 hội nghị cấp bản, tuyên truyền đến 693/693 bản, 149/149 xã ở 12/12 huyện, thành phố với tổng số gần 68 nghìn lượt người tham gia. Công an tỉnh cũng phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xây dựng và phát hành gần 1.000 đĩa VCD về “Đất nước Mông – sự thật hay bịa đặt?" để tổ chức tuyên truyền tại các địa bàn bị tác động ảnh hưởng của các luận điệu tuyên truyền lập “Nhà nước Mông”.

Đến nay tình hình ANTT tại xã Háng Đồng, xã Suối Tọ đã cơ bản ổn định, người dân tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, yên tâm lao động sản xuất, không tin, không nghe theo luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu. Đây là vấn đề cốt lõi nhằm ổn định tình hình ANTT tại địa phương đồng thời qua công tác quần chúng đã nắm thêm được nhiều thông tin về các đối tượng xấu vẫn âm mưu hoạt động tại các khu dân cư.

Sau quá trình đấu tranh quyết liệt đã có 19 đối tượng bị bắt giữ với các tội danh khác nhau liên quan đến hành vi chống chính quyền nhân dân. Việc xử lý nhóm đối tượng nêu trên là một nỗ lực và chiến công của Công an tỉnh Sơn La, tuy nhiên điều quan trọng hơn chính là việc thay đổi nhận thức của những người dân đã từng bị các đối tượng phản động lôi kéo. Họ đã hiểu đúng bản chất của sự việc, hiểu sự công minh của pháp luật và hiểu được bộ mặt thật của cái gọi là “Nhà nước Mông”.

TAND tỉnh Sơn La đã đưa các đối tượng đã bị bắt giữ ra xét xử trước pháp luật. Đã có 13 bị cáo bị truy tố nhiều tội danh khác nhau với khung hình phạt từ 4–9 năm tù. Đây là bài học cho chính các bị cáo đồng thời cũng là lời răn đe cảnh tỉnh cho các đối tượng khác đang ảo mộng về một thứ viển vông bên kia biên giới gọi là “Nhà nước Mông”, “quân đội Mông”.

Minh Phong
.
.
.