Khi “Hoạn Thư” sập bẫy lừa

Chủ Nhật, 19/02/2023, 17:10

Nhu cầu “quản lý”, theo dõi chồng, người yêu… dường như là nhu cầu “tất yếu” của một bộ phận chị em phụ nữ, đặc biệt là với những người có máu “hoạn thư”. Đánh vào tâm lý đó, trên thị trường hiện có hàng loạt thiết bị nghe lén, phần mềm theo dõi điện thoại… được quảng cáo rầm rộ. Tuy nhiên, có không ít chị em đầu tư tiền để mua phần mềm cũng như các thiết bị trên, song hóa ra vô tác dụng. Bên cạnh đó họ còn có nguy cơ vi phạm pháp luật…

1. Lấy nhau được 5 năm, chị Hương Lan (trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) sinh một lèo hai... “thị mẹt”. Dù anh Hùng chồng chị vẫn luôn tỏ ra yêu thương, hết lòng chăm sóc vợ con, song chị lúc nào cũng nơm nớp lo chồng đi “kiếm thằng cu”. Cũng bởi mẹ chồng chị vốn rất cổ hủ, bà không ít lần nói bóng gió rằng con dâu là cái loại “không biết đẻ” và “kiểu gì cũng phải có thằng đít nhôm để nối dõi”.

Lúc đầu chị Lan cậy nhờ các bác sĩ để “gạn” lấy đứa con trai, song cuối cùng lại vẫn ra con gái. Chị càng lo sợ hơn, khi bác sĩ thông báo chị bị viêm cổ tử cung, buộc phải cắt bỏ. Những ngày ở cữ chăm con, ngày nào chị cũng yêu cầu chồng cứ 1 tiếng là phải gọi điện nhắn tin thông báo đang ở đâu, làm gì, với ai... Thỉnh thoảng chị sẽ gọi video để kiểm tra. Có hôm anh Hùng đi đâu về áo quần sực nức mùi nước hoa, chị Lan tức nổi cơn tam bành, đay nghiến móc mỉa, “cấm vận” chồng hàng tháng liền.

Khi “Hoạn Thư” sập bẫy lừa -0
Nhiều chị em bị lừa khi mua thiết bị theo dõi.

Rồi chị lên mạng tra Google hỏi cách quản lý chồng, hàng loạt những quảng cáo mời chào mua các phần mềm theo dõi hiện ra trên trang tìm kiếm của chị. Như chết đuối vớ được cọc, chị vội gọi điện cho một số điện thoại đính kèm video trên trang web. Một người đàn ông xưng là giám đốc công ty thám tử H. bảo chị chat với nhân viên của anh ta để được hướng dẫn.

Sau khi add Zalo số điện thoại, chị Lan chưa kịp nói gì thì phía bên kia đã quảng cáo: Sản phẩm của công ty có rất nhiều tính năng, tùy vào các gói sản phẩm mà có tính năng đơn giản cho đến nâng cao. Ví dụ như có thể đọc tin nhắn điện thoại cũng các phầm mềm chat như Messenger, Zalo, Viber... rồi có thể theo dõi điện thoại 24/24h; đọc trộm email, xem ảnh video... thậm chí có thể tự động ghi âm các cuộc gọi của người sử dụng điện thoại sau đó chuyển về một địa chỉ có sẵn. Chị Lan yêu cầu được dùng thử một thời gian song đối tượng không đồng ý, yêu cầu phải chuyển tiền trước. Gã cũng hứa phần mềm sẽ được bảo hành trọn đời. Tin lời đối tượng, chị mua một bộ phần mềm “full tính năng” với giá hơn 4 triệu đồng. Song, sau khi cài đặt thì hóa ra đó chỉ là phầm mềm tìm đường Google map. Khi chị quay ra bắt đền đối tượng thì bị chặn liên lạc.

Khi “Hoạn Thư” sập bẫy lừa -0
Phùng Việt Hùng kiếm được hàng tỷ đồng bằng việc lừa bán phần mềm theo dõi.

Tương tự, chị Minh Hồng lập gia đình khá muộn. Đã thế chồng chị lại trẻ hơn đến 5 tuổi nên chị lúc nào cũng nơm nớp lo giữ chồng. Quả thật, chồng chị thuộc dạng đẹp trai, cao to nên thường có nhiều em gái vây quanh. Tâm sự câu chuyện với bạn thân, chị Hồng được cô bạn bày cho phương pháp giữ chồng. Vừa bí mật, kết quả cao lại vừa tiết kiệm tiền, đó là mua phần mềm theo dõi điện thoại từ một công ty thám tử trên mạng. Chị lập tức đầu tư hàng chục triệu đồng, mua cả phần mềm lẫn thiết bị ghi âm kèm định vị, gắn vào xe ô tô của chồng. Tuy nhiên, sau khi đã tải phần mềm về chị hì hục cả đêm mà không sao cài được vào chiếc máy iPhone của chồng (hóa ra phần mềm chỉ chạy được với hệ điều hành Android, còn với hệ điều hành iOs của iPhone thì... chịu chết). Thiết bị định vị chị cũng mua rồi bỏ xó.

2. Qua khảo sát của chúng tôi, hiện vào các trang mạng xã hội trên Internet có thể dễ dàng tìm được các đối tượng rao bán giải pháp để theo dõi người yêu, bạn đời. Trong các hội nhóm thì còn nhiều hơn nữa. Tham gia một số group “Chị em giúp nhau theo dõi chồng”, “Thám tử 4.0”..., chúng tôi thường xuyên bắt gặp những nickname rao bán các phần mềm gián điệp với giá rẻ. Nickname PhuongTu cho biết công ty anh ta cung cấp gói sản phẩm khá đa dạng giá cả hợp lý: Gói xem tin nhắn, số điện thoại trọn đời: 500.000 đồng, Gói tra tin nhắn Messenger, tin nhắn, cuộc gọi: 800.000 đồng. Gói tra Zalo, tin nhắn, cuộc gọi: 1 triệu đồng. Gói tra tất tần tật, kể cả định vị, thông tin từ game bạn cũng xem được hết: 1,3 triệu đồng.

Tài khoản Thamtu... thì quảng cáo “Muốn biết bạn đang bị cắm bao nhiêu cái sừng thì mua ngay phần mềm Track...”. Sau khi trả đủ tiền, khách hàng sẽ nhận được một link để tải sản phẩm kèm mật khẩu. Có gì khó khăn sẽ được hướng dẫn đều được tài khoản tin nhắn Messenger.

Khi “Hoạn Thư” sập bẫy lừa -0
Một số thiết bị do Phùng Việt Hùng rao bán song không sử dụng được.

Ngoài ra, một trong những điều kiện bắt buộc là phải lấy trộm được máy điện thoại của người cần theo dõi trong vòng 2 phút để cài các phần mềm và nhập số OTP gửi về điện thoại. Tài khoản mạng xã hội này cũng cung cấp số điện thoại đường dây nóng 0523214xxx để đội kỹ thuật hỗ trợ cài đặt phần mềm khi cần thiết. Dù vậy, khi đã bỏ tiền mua và cài đặt các phần mềm này có sử dụng được hay không thì có... thánh mới biết.

3. Trên thực tế, đã có nhiều đối tượng lợi dụng tâm lý muốn quản lý chồng của nhiều chị em để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cơ quan công an đã điều tra khám phá nhiều vụ việc.

Đầu năm 2023, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Hải Dương tiếp nhận đơn trình báo của chị Vũ Thị H. (trú tại huyện Gia Lộc, Hải Dương) về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc mua bán phần mềm của một công ty thám tử.

Theo trình báo của chị, qua lướt mạng thấy fanpage “Công ty thám tử Hoàng Công 5.0” cung cấp phần mềm giám sát điện thoại. Do có nhu cầu, chị đã liên hệ, được hướng dẫn và chuyển tổng gần 17 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp. Tuy nhiên, sau đó chị H. không nhận được sản phẩm như yêu cầu.

Tiếp nhận tin báo, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã làm rõ đối tượng lừa đảo là Phùng Đức Đạt (SN 2003 thường trú tại phường Hội Hợp, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc).

Khi “Hoạn Thư” sập bẫy lừa -0
Đối tượng Phùng Đức Đạt.

Tại Cơ quan công an, Đạt khai nhận được một người chuyên lừa bán phầm mềm định vị, nghe lén số điện thoại, tài khoản mạng xã hội hướng dẫn cách thức lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản. Sau đó, Đạt lập fanpage có tên “Công ty thám tử Hoàng Công 5.0”, đăng bài về việc cho thuê phầm mềm định vị, nghe lén số điện thoại, tài khoản mạng xã hội.

Khi người có nhu cầu thuê phần mềm giám sát thì Đạt hướng dẫn cách thức đăng nhập, mức phí thuê phần mềm. Nếu đồng ý, Đạt cung cấp trang web phan-memquocte.com để bị hại truy cập. Giao diện trang web có thông tin về phần mềm, ứng dụng có thể theo dõi và mức phí thuê. Khi bị hại đồng ý thuê thì chuyển tiền đến tài khoản Đạt cung cấp. Nhận được tiền, Đạt đưa ra nhiều lý do khác nhau như cung cấp mã phần mềm, tiền thuê gói cước, chuyển tiền sai cú pháp... để yêu cầu bị hại tiếp tục chuyển tiền và chiếm đoạt.

Với phương thức, thủ đoạn trên, từ tháng 10/2022 đến tháng 1/2023, Đạt lừa đảo chiếm đoạt tiền của nhiều chị em phụ nữ, trong đó có chị H.

Trước đó, cuối năm 2021, Công an huyện Nghi Lộc (Nghệ An) phát hiện một số trang mạng xã hội đăng tải thông tin bán các phần mềm theo dõi, giám sát điện thoại và rao bán thiết bị đọc trộm tin nhắn. Vào cuộc xác minh, Cơ quan công an xác định 2 website có tên miền thường xuyên đăng tải các nội dung này là phanmemtheodoi.com.vn và phan-memtheodoi.net. Người quản trị hai web-site này là Phùng Việt Hùng (SN 1991, trú xã Cao Dương, Thanh Oai, Hà Nội).

Cơ quan công an phát hiện đối tượng lập các website trên nhằm lừa tiền của những người muốn theo dõi, giám sát người khác thông qua các thiết bị theo dõi vị trí, đọc trộm tin nhắn... Để lôi kéo người đăng ký mua các phần mềm do Hùng tạo ra, thường xuyên quảng cáo “bảo hành trọn đời” phần mềm có giá tiền 1,2 triệu đồng, kèm số điện thoại liên hệ. Khi khách hàng đồng ý mua thì Hùng yêu cầu phải chuyển tiền trước rồi mới cấp tài khoản. Tuy nhiên, thực tế website và phần mềm Hùng rao bán không thể theo dõi thiết bị cá nhân của người khác như lời quảng cáo. Sau khi nhận được tiền, Hùng tìm mọi cách trì hoãn, chặn số điện thoại của người mua để chiếm đoạt tài sản. Hùng cũng khai nhận với phương thức, thủ đoạn như trên, chỉ trong thời gian ngắn, đối tượng đã chiếm đoạt được hơn 2 tỷ đồng của hàng trăm bị hại trên cả nước.

Trung tá Vũ Đức Bình - điều tra viên Phòng CSHS Công an TP Hà Nội cho biết, hành vi sử dụng phần mềm để cài vào điện thoại hoặc thiết bị định vị để theo dõi người khác là vi phạm pháp luật.

Cụ thể, pháp luật quy định rõ đời sống cá nhân của mỗi người luôn được Nhà nước bảo vệ. Theo Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015, cá nhân được pháp luật bảo vệ về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình:

+ Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

+ Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

+ Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Điều 159 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 cũng quy định rất rõ về tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác.

Người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính. Nếu tái phạm, thì có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm; cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Yên Chi
.
.
.