Họa sĩ bán, đấu giá tác phẩm hướng về bà con vùng lũ: Nghệ thuật lan tỏa yêu thương

Thứ Sáu, 27/09/2024, 11:20

Trong những ngày qua, cả nước đã có những hỗ trợ, chia sẻ, giúp đỡ tích cực với đồng bào miền Bắc trước những thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản do cơn bão Yagi gây ra. Bên cạnh những hoạt động ủng hộ, vận động, quyên góp bằng nhiều hình thức của giới nghệ sĩ, các họa sĩ trên cả nước đã tổ chức nhiều hoạt động như triển lãm, bán, đấu giá tranh.

Những khoản tiền thu từ đó đã được gửi đến bà con trong cơn hoạn nạn để chia sẻ phần nào những đau thương, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.

Khi nghệ thuật song hành cùng trách nhiệm xã hội

Dự án nghệ thuật "Mặt khác - Otherwise" là dự án sáng tạo bởi 3 nghệ sĩ thuộc các lĩnh vực hội họa, điêu khắc và văn học, đó là họa sĩ Lê Thiết Cương, nhà điêu khắc Đinh Công Đạt và nhà văn Nguyễn Việt Hà. Triển lãm trưng bày hơn 150 mặt nạ điêu khắc được làm từ chất liệu gốm và giấy bồi, khai mạc vào chiều 13/9 tại Hội quán Quảng Đông (22 Hàng Buồm, Hà Nội).

Trước khi triển lãm diễn ra 1 ngày, 3 nghệ sĩ đã quyết định dành toàn bộ tiền bán các tác phẩm từ triển lãm "Mặt khác - Otherwise" chuyển vào quỹ “Bầu ơi thương lấy bí cùng” của Báo An ninh Thủ đô để ủng hộ đồng bào đang chịu nhiều thiệt hại bởi cơn bão Yagi. Thông báo của họa sĩ Lê Thiết Cương trên trang Facebook cá nhân thay mặt cho 3 người bạn của mình đã lập tức thu hút sự quan tâm của đông đảo văn nghệ sĩ và công chúng. Sau lễ khai mạc, chỉ trong hơn 1 giờ có 70 chiếc mặt nạ được bán và nhiều người biết tin muộn đã không kịp sở hữu.

Ngày 18/9, các nghệ sĩ Lê Thiết Cương, Đinh Công Đạt và Nguyễn Việt Hà đã trao tổng số tiền 262.500.000 đồng từ hoạt động bán tác phẩm tại triển lãm "Mặt khác - Otherwise" tới quỹ "Bầu ơi thương lấy bí cùng" với hy vọng “cùng với sự chung tay của mọi người, chúng ta có thể đồng lòng, chung sức vượt qua khó khăn này” như lời chia sẻ của họa sĩ Lê Thiết Cương trước đó.

Họa sĩ bán, đấu giá tác phẩm hướng về bà con vùng lũ:  Nghệ thuật  lan tỏa  yêu thương -0
Nhà văn Nguyễn Việt Hà và nhà điêu khắc Đinh Công Đạt trao số tiền có được từ hoạt động bán tác phẩm trong triển lãm "Mặt khác - Otherwise" để ủng hộ đồng bào bị lũ lụt.

Nói thêm về triển lãm "Mặt khác - Otherwise", họa sĩ Lê Thiết Cương, nhà văn Nguyễn Việt Hà và nhà điêu khắc Đinh Công Đạt cảm thấy “cần phải làm một điều gì đó cùng nhau”. Với sự thành công riêng của mỗi người trong từng lĩnh vực, việc chọn một chủ đề để có thể đứng chung vừa dễ lại vừa khó.

Triển lãm này chính là nơi gặp gỡ của 3 nghệ sĩ ấy, tạo nên “mặt Phố - mặt Chùa - mặt Chợ”: Nguyễn Việt Hà viết câu văn từ sách đã in của mình lên những chiếc mặt nạ của chính bản thân mình, Lê Thiết Cương dùng các câu kinh từng viết lên gốm, còn Đinh Công Đạt là những ô màu, những hoa văn họa tiết từ các con phố và món ăn quen thuộc. Họ đã lựa chọn sử dụng lại các yếu tố truyền thống, kỹ thuật quen thuộc để tạo nên sự kết nối sâu sắc và tôn vinh những giá trị cổ xưa của Hà Nội.

Và cơn bão Yagi đã tàn phá nhiều tỉnh miền Bắc đúng vào những ngày các nghệ sĩ tất bật các công đoạn cuối cùng để ra mắt triển lãm đầu tiên của dự án nghệ thuật mà họ đã dày công chuẩn bị. Điều tuyệt vời là, thông qua triển lãm này, họ đã thể hiện được một cái chung nữa, đó chính là trách nhiệm của người nghệ sĩ với cộng đồng.

Như lời chia sẻ của nhà điêu khắc Đinh Công Đạt: "Chúng tôi quyết định, dự án nghệ thuật “Mặt khác” không còn là chuyện để chơi nữa, nó phải là hoạt động cụ thể để chung tay cùng cả cộng đồng khắc phục phần nào khó khăn, mất mát mà những người dân vùng bão lũ đang phải gánh chịu... Nghệ thuật, ngoài việc phản ánh vẻ đẹp và bản chất của cuộc sống, luôn mang trong mình một sứ mệnh lớn hơn, đó là truyền tải những giá trị nhân văn và kết nối cộng đồng. Với tinh thần ấy, các nghệ sĩ tham gia dự án hiểu rằng, giá trị của nghệ thuật không thể tách rời khỏi trách nhiệm với xã hội. Vì vậy, không chỉ là một sự kiện văn hóa nhằm tôn vinh Hà Nội, “Mặt khác - Otherwise” còn muốn góp một phần nhỏ công sức, tác phẩm của mình để chia sẻ, khắc phục hậu quả thiên tai, giúp đồng bào sớm ổn định lại cuộc sống và góp phần xoa dịu bớt những nỗi đau...”.

Và lan tỏa yêu thương

Trong tuần qua, một hoạt động thiện nguyện hiệu quả và ý nghĩa với số tiền thu được thông qua việc bán tranh khá lớn phải kể đến là hoạt động của chương trình “Hội họa vì nhân dân vùng lũ” do họa sĩ Lê Thế Anh khởi xướng. Sau 1 tuần vừa kêu gọi, vừa bán tranh, chương trình từ thiện "Hội họa vì nhân dân vùng lũ" đã nhận được gần 400 tác phẩm hội họa, điêu khắc của họa sĩ trên toàn quốc. Thật bất ngờ, số tranh bán được từ chương trình đã lên tới trên 140 tác phẩm với số tiền thu được là trên 1,6 tỉ đồng. Sau khi trừ đi số tiền chi trả cho họa sĩ, chi phí vận chuyển, chi phí phát sinh, số tiền còn lại dành ủng hộ cho bà con vùng lũ là trên 1,3 tỉ đồng.

Số tiền này hiện đang được họa sĩ Lê Thế Anh và bạn bè, cộng sự chuyển đến những thôn bản chịu thiệt hại nặng nề về người và của từ cơn bão Yagi tại Cao Bằng, Lào Cai, Lạng Sơn... Đây là một con số thực sự ý nghĩa vì trong vài năm qua, Việt Nam cũng nằm trong vòng xoáy của suy giảm kinh tế toàn cầu, hoạt động mua bán tác phẩm nghệ thuật cũng kém sôi động hơn thời kỳ trước dịch COVID-19, nhưng ý nghĩa tốt đẹp, nhân văn của hoạt động này đã khiến nhiều nhà sưu tập và những người yêu mến nghệ thuật “mở hầu bao” để có cơ hội giúp đỡ, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, mất mát.

Họa sĩ bán, đấu giá tác phẩm hướng về bà con vùng lũ:  Nghệ thuật  lan tỏa  yêu thương -1
NSND Trà Giang bên tác phẩm "Hồn quê" đã được bán đấu giá.

Trước đó ít ngày, NSND Trà Giang thông qua phòng tranh Maii Art Space đã đấu giá thành công bức tranh “Hồn quê” được bà vẽ năm 2020 sau một chuyến đi xuyên Việt với giá 76 triệu đồng. Tuy nhiên, 2 người trả giá trước đó với các bước giá 25 và 50 triệu đồng dù không thắng đấu giá nhưng vẫn ủng hộ số tiền này để NSND Trà Giang chuyển đến đồng bào bị bão lũ ở miền Bắc. Vậy là, nhờ tấm lòng rộng mở của NSND Trà Giang, hoạt động đấu giá bức tranh “Hồn quê” đã thu về tổng số tiền 151 triệu đồng. Số tiền này đã được NSND Trà Giang chuyển đến Báo Thanh niên để chia sẻ với đồng bào chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ thiên tai.

Một điểm nhấn khác trong hoạt động đấu giá tranh hướng về bà con vùng lũ do Báo Tiền phong tổ chức. Phiên đấu giá tranh trực tuyến để chung tay khắc phục hậu quả siêu bão Yagi với sự tham gia gửi tác phẩm của nhiều họa sĩ tên tuổi diễn ra từ 11h ngày 18/9 đến 11h ngày 19/9. Sau 24h, đã có 15/24 bức tranh tìm được chủ nhân, thu về gần 500 triệu đồng.

Đó là các tác phẩm: “Chiều vàng” của họa sĩ Đào Hải Phong, “Góc bình yên” của họa sĩ Đỗ Thúy Hằng, “Mẹ và con” của họa sĩ Kim Thái, “Sau cơn mưa chiều” của họa sĩ Phạm Luận, “Sen” của họa sĩ Phan Minh Châu, “Sen” của họa sĩ Đỗ Đức, “Trên song” của họa sĩ Đặng Lưu San, “Tự cảm” của điêu khắc gia, họa sĩ Phạm Văn Hạng, “Hoa” của họa sĩ Lê Anh Hoài, “Hoa hồng vàng” của họa sĩ Đoàn Văn Nguyên, “Sen mùa hạ” của họa sĩ Phạm An Hải, “Hội Long Vân 3” của họa sĩ Phan Minh Bạch, “Hoa” của họa sĩ Trần Hồng Đức, “Mục đồng” của họa sĩ Từ Ninh, “Hoa” của họa sĩ Nguyễn Thắng.

Một số tác phẩm đã đấu giá thành công ở mức giá khá cao như: “Sau cơn mưa chiều” của họa sĩ Phạm Luận (75 triệu đồng), “Tự cảm” của điêu khắc gia, họa sĩ Phạm Văn Hạng (60 triệu đồng), “Chiều vàng” của họa sĩ Đào Hải Phong (50 triệu đồng), “Góc bình yên” của họa sĩ Đỗ Thúy Hằng (40 triệu đồng)...

Điều đáng mừng là, trong số các họa sĩ gửi tranh tham gia đấu giá ủng hộ đồng bào bị lũ lụt lần này, có những họa sĩ đã thực hiện việc đấu giá tranh trực tuyến trong đại dịch COVID-19 (năm 2021) như Đoàn Văn Nguyên, Phạm Luận, Đỗ Đức, Kim Thái, Đào Hải Phong, Phạm An Hải, Đỗ Thúy Hằng, Trần Lưu Mỹ, Lê Anh Hoài, Phan Minh Bạch.

Chứng kiến cảnh đồng bào mình trải qua bao đau thương trong cơn hoạn nạn, họ đã tiếp tục thể hiện tình cảm và trách nhiệm với cộng đồng qua việc ủng hộ tác phẩm nghệ thuật do mình sáng tạo. Điều đó thêm một lần chứng minh rằng, ngoài sứ mệnh cao cả là “chữa lành”, làm đẹp cho tâm hồn con người, nghệ thuật còn là phương tiện thiết thực để lan tỏa yêu thương khi nó được hiện thực hóa thành những món quà vật chất, góp phần giúp bà con sớm ổn định cuộc sống. Qua những hoạt động nghệ thuật đặc biệt này, giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn về ý nghĩa cao đẹp nhất của nghệ thuật nói chung và hội họa nói riêng.

Nguyệt Hà
.
.
.