Vì sao có những chuyện như giải Karate trẻ TP Hồ Chí Minh?

Chủ Nhật, 25/08/2024, 07:48

Đằng sau sự cố của giải vô địch Karate trẻ và năng khiếu Thành phố Hồ Chí Minh 2024 là lối mòn của cách làm thể thao thành tích cao tại Việt Nam, nơi một vài cá nhân buộc phải nhường vinh quang bản thân để phục vụ lợi ích tập thể.

Không huy chương là xóa sổ bộ môn

Ngay sau khi giải vô địch Karate trẻ và năng khiếu Thành phố Hồ Chí Minh 2024 khép lại, một phụ huynh có con thi đấu tại giải đã lên tiếng về trận chung kết có kết quả bất thường. Bên cạnh công tác chấm điểm, phụ huynh này còn cho biết, con gái anh bất ngờ nghe Ban tổ chức thông báo mình "bỏ cuộc vì chấn thương" trước khi thi đấu.

anh1.jpg -0
Karate Việt Nam giành huy chương Vàng ASIAD 19 ở hạng mục mà những đội mạnh như Nhật Bản, Iran không cử đội tham dự.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin về vụ việc trên, các đơn vị có liên quan của Sở Văn hóa, Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh đã vào cuộc. Trong trường hợp xác định được vi phạm, những người có liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm. Nhưng đằng sau những tranh cãi, sự việc này đã phản ánh một khía cạnh ít ai dám thừa nhận công khai của thể thao Việt Nam.

Để hình dung rõ hơn bản chất câu chuyện "nhường" huy chương tại giải Karate trẻ TP Hồ Chí Minh, chúng ta hãy trở lại 2 năm trước. Đó là thời điểm Đại hội Thể thao toàn quốc 2022 diễn ra. Đoàn Thanh Hóa đứng thứ 4 chung cuộc, giành được 40 HCV, 29 HCB, 63 HCĐ. Thành tích của họ chỉ đứng sau "bộ tam" Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Quân đội.

Việc đứng thứ 4 toàn quốc tại kỳ "Olympic Việt Nam" là thành tích ấn tượng của thể thao Thanh Hóa. Tuy nhiên, không phải bộ môn nào cũng vui với kết quả này. 2 tháng sau khi Đại hội khép lại, thể thao Thanh Hóa giải tán không dưới 5 bộ môn tại địa phương. Một số bộ môn khác rơi vào cảnh bị cắt giảm kinh phí và số lượng VĐV tuyến đầu.

Lý do khiến Thanh Hóa cắt giảm, thậm chí giải tán một số bộ môn đến từ việc thành tích của họ không đạt kỳ vọng. Những bộ môn này có thể đã đăng ký chỉ tiêu giành một số huy chương ở Đại hội nhưng không làm được. Trong khi đó, những bộ môn khác lại đạt, thậm chí vượt chỉ tiêu đã đề ra.

Với phương châm phát triển thể thao thành tích cao đúng như tên gọi của nó, Thanh Hóa (và những địa phương khác) phải hướng đến mục tiêu cụ thể. Điều đó được cụ thể hóa bằng thứ hạng, cũng như huy chương được ban huấn luyện đề ra. Câu chuyện này giống như chỉ tiêu (KPI) trong công việc văn phòng, với tiêu chí làm và hưởng theo năng lực.

Chỉ tiêu trong thể thao thành tích cao được định mức rõ ràng. Trước mỗi giải đấu, HLV sẽ đề xuất kế hoạch thi đấu gửi lên Trung tâm Huấn luyện cấp tỉnh, thành. Kế hoạch này bao gồm kinh phí dự trù, số lượng VĐV tham gia và chỉ tiêu tính theo từng số huy chương. Đó có thể là "1 vàng", "1 bạc", "có đồng" hoặc "một bộ huy chương 3 cái khác nhau".

Thể thao thành tích cao gần như không có thời gian chờ đợi kết quả. Một bản kế hoạch dài hạn được hoạch định trong 4 năm, tương ứng với chu kỳ mỗi lần Đại hội diễn ra. Bên cạnh kế hoạch dài hạn đó là những kế hoạch ngắn hạn, nơi VĐV, HLV phải đạt được thành tích tương ứng nếu muốn duy trì chế độ đãi ngộ, cũng như ngân sách ở thời điểm hiện tại.

Cơ chế xin cho từ đâu?

"Không có áp lực, không có kim cương" là tôn chỉ được thể thao thành tích cao Việt Nam thấm nhuần, trước cả khi câu nói này phổ biến. Một HLV từng chia sẻ, nếu không tồn tại áp lực và chỉ tiêu, bộ môn sẽ không có mục tiêu để phấn đấu. VĐV, HLV không biết phải làm gì và nếu không đạt thành tích tốt trong tương lai, bộ môn cũng bị xóa sổ.

"Ngày xưa, chúng tôi theo ngành thể thao vì gia đình nghèo khó, làm VĐV thì được bao cơm ăn, hỗ trợ học hành. Nhưng tình hình bây giờ khác trước nhiều. Chế độ dành cho VĐV tốt hơn, nhưng bù lại, các em cũng không kiên trì, chịu khó như thế hệ trước. Nếu không có chỉ tiêu, áp lực, HLV cũng không có cách nào rèn VĐV vào khuôn khổ", HLV kể trên cho biết.

Kế hoạch tập luyện và thi đấu không phải lúc nào cũng diễn ra như VĐV, HLV mong muốn. Mọi chuyện sẽ khác nếu như VĐV được kỳ vọng giành HCV gặp chấn thương, hoặc nghỉ thi đấu đột ngột. Khi đó, HLV phải xin điều chỉnh chỉ tiêu đã đề ra trước đó. Việc này hiếm khi nào được chấp nhận, nên từ đây, câu chuyện xin cho huy chương bắt đầu diễn ra.

Một trong những cách "xin" huy chương phổ biến nhất là đề nghị trực tiếp với HLV của đội đối thủ. Đôi bên có thể thỏa thuận cho một VĐV bỏ cuộc, hoặc thi đấu dưới sức để bên còn lại giành chiến thắng. Lúc này, đối thủ chịu "nhả" huy chương thường là những đoàn đã đạt chỉ tiêu đề ra.

Trong câu chuyện của giải Karate trẻ TP Hồ Chí Minh, trong trường hợp lời nói "cho đội bạn 1 HCV" của HLV quận Tân Bình là thật, điều này xảy ra cũng không quá khó hiểu. Trước trận đấu đó, đoàn Bình Thạnh chưa có HCV nào. Trong khi đó, Tân Bình đã có hơn 20 HCV, bỏ xa những đơn vị khác. Việc mất 1 HCV không ảnh hưởng đến thành tích chung của đội.

Đáng chú ý hơn, câu chuyện "nhường" HCV thường không đi kèm với lợi ích. Người nhường huy chương đôi khi chỉ cần một lời cảm ơn từ phía còn lại. Bởi họ hiểu, đội nào cũng cần có thành tích đạt chỉ tiêu để báo cáo. Những tấm huy chương theo kế hoạch đề ra luôn là điều kiện tiên quyết để phát triển thể thao thành tích cao tại Việt Nam.

Chuyện chia huy chương ở SEA Games 32

Tại kỳ SEA Games 32 diễn ra vào năm 2023 tại Campuchia, nước chủ nhà giành 2 HCV, 10 HCĐ trong môn Pencak Silat. 1 trong 2 HCV đến từ hạng mục thi đấu đối kháng, nơi họ chưa từng vô địch SEA Games trước kia. Câu chuyện về tấm HCV SEA Games môn Pencak Silat của Campuchia cũng rất thú vị.

Trên hành trình giành HCV Pencak Silat nội dung đối kháng, hạng cân 45kg nam, võ sĩ chủ nhà Non Sromoachkroham giành 2 chiến thắng. Tuy nhiên, cả 2 trận đấu đó đều không diễn ra. Đối thủ của Non Sromoachkroham tại trận bán kết (Malaysia) và chung kết (Indonesia) đều chủ động xin thua, không thi đấu ngay sau khi phần kiểm tra cân nặng kết thúc.

Một tuần sau khi SEA Games 32 khép lại, HLV trưởng đội tuyển Pencak Silat Indonesia mới giải thích. Ông cho biết, Indonesia và Malaysia buộc phải làm như thế vì đây là một phần trong cam kết với nước chủ nhà. Campuchia chỉ đưa Silat vào chương trình thi đấu, với điều kiện họ có HCV. Điều đó cũng đúng với những môn khác của SEA Games 32.

An Khánh
  • Kết quả của tư duy nhiệm kỳ. Bệnh thành tích. Các gói kinh phí nhà nước được các địa phương chia chác. Được thì có phần. Ko được thì bỏ đầu tư môn khác. Thay vì các gói kinh phí đầu tư cơ sở cho các trường học, phát triển thể thao học đường...

    26/08/2024, 20:22 Thích Trả lời
  • Cho tôi hỏi bài viết này có phải thể hiện quan điểm của báo công an nhân dân rằng tiêu cực trong thể thao, cụ thể ở đây là xin-cho huy chương là bình thường trong nền thể thao nước nhà không?

    25/08/2024, 13:26 Thích(1) Trả lời

.
.