Từ nhà báo trở thành… hoa hậu
Trong suốt hàng mấy kỷ qua, không ít hoa hậu, á hậu thế giới đã để lại nhiều ấn tượng khó quên. Không chỉ bởi vẻ đẹp rạng ngời, những bước catwalk nóng bỏng… mà còn bởi, không ít trong số họ là những nhà báo chinh phục vương miện hoa hậu bằng cả nhan sắc và trí tuệ của mình.
Đi tác nghiệp, “bỗng” đăng quang hoa hậu
Còn nhớ, tháng 4/2017, Laura Gooderham - nữ phóng viên 24 tuổi của tờ Grimsby Telegraph (Anh) thậm chí còn không thể ngờ chính mình có thể viết nên lịch sử khi trở thành chủ nhân của chiếc vương miện ở cuộc thi Miss Grimsby 2017. Laura thừa nhận: “Tôi từng nghĩ các cuộc thi sắc đẹp thực chất chỉ là cái bẫy của ban tổ chức tạo ra một cuộc đối đầu giữa các cô gái, nhưng sau khi trao đổi với nhà tổ chức và phỏng vấn các thí sinh của cuộc thi cho tờ báo The Grimsby Telegraph thì tôi nhận ra rằng mục đích chính của cuộc thi nhằm gây quỹ từ thiện và mang lại niềm vui”.
Con đường chạm vương miện đến với cô rất tình cờ, khi cô đang miệt mài chụp ảnh và phỏng vấn các thí sinh thì Millie Margetts - người từng 3 lần chiến thắng cuộc thi sắc đẹp tại địa phương, một trong các giám khảo của cuộc thi đã để ý đến cô. Millie lập tức lại gần nữ phóng viên và hỏi tại sao Laura không nghĩ đến chuyện trở thành một thí sinh trong cuộc thi. Millie thậm chí còn quả quyết rằng một nhan sắc như Laura nhất định không thể bỏ qua cơ hội này. Sau vài tuần suy nghĩ, cô đã quyết định nói chuyện với ban tổ chức về việc tham gia cuộc thi. Còn đa số đồng nghiệp của cô tin rằng việc tham gia cuộc thi chắc chắn sẽ khiến một người hay e dè như Laura thêm tự tin.
Đến với Miss Grimsby 2017 như một “tay ngang” chính hiệu, song, kiến thức sau nhiều năm làm báo đã giúp Laura chinh phục ban giám khảo và công chúng. Giám khảo Millie Margetts miêu tả Laura như “cô hàng xóm dễ thương”, vẻ đẹp của Laura cũng là những gì cuộc thi hoa hậu Anh đang tìm kiếm. “Chiến thắng của Laura chứng minh rằng, vẻ đẹp không phải là do bạn trang điểm ra sao mà là cho mọi người thấy được con người thật của mình. Cô ấy sẽ làm được nhiều việc trong sự nghiệp làm từ thiện. Cô ấy cũng sẽ thể hiện rõ cái đẹp đích thực ở trước công chúng”, Millie chia sẻ.
Tương tự, cô gái tóc xù Elle Smith - Miss USA 2021 cũng vận dụng vô số kiến thức khi còn làm phóng viên truyền hình của kênh WHAS-TV ở Louisville, Kentucky trong hành trình nhan sắc của mình. "Là một phóng viên, bạn cần có kỹ năng giao tiếp vững vàng. Bạn cũng cần những kỹ năng đó để nổi bật trong các cuộc thi hoa hậu. Khi ở ngoài hiện trường để phát một bản tin trực tiếp, Doug Proffitt (một phóng viên kỳ cựu của WHAS-TV – PV) sẽ hỏi tôi những câu hỏi ngẫu nhiên, tôi phải sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Sau này, khi đến với Miss Kentucky, Miss USA và Miss Universe, tôi mới nhận ra, hóa ra đó là khóa huấn luyện cực kỳ tuyệt vời cho phần thi ứng xử của mình”, Elle chia sẻ với tờ Courier Journal.
Còn Mayra Dias - Miss Brazil 2018 không ngần ngại khẳng định với Fas-amazonas rằng: “Nghề báo đã mang lại cho tôi kinh nghiệm và những kỹ năng cần thiết giúp giao tiếp dễ dàng hơn như giọng nói và phong thái”. Trước khi trở thành hoa hậu, Mayra từng tốt nghiệp đại học chuyên ngành báo chí, có bằng thạc sĩ về truyền thông xã hội và là phóng viên đài truyền hình ở bang Amazonas, Brasil. Mayra bắt đầu sự nghiệp báo chí từ rất sớm với tư cách là phóng viên âm nhạc cho tờ báo lớn nhất Brazil, Folha de S.Paulo. Cô cũng từng cộng tác với nhiều tờ báo như Tạp chí Teen Vogue, Contigo!, Isto É Gente, Viagem e Turismo… và là người dẫn chương trình của Spin Earth.
Góc khuất của người đẹp
19 tuổi bắt đầu cộng tác cho tạp chí Rolling Stone, 23 tuổi đã có một chương trình phê bình văn học trên MTV Brazil, song Mayra Dias thừa nhận, nghề báo chưa bao giờ là “việc nhẹ lương cao”. Để tìm kiếm cơ hội, cô đã bắt đầu viết lách từ năm 15 tuổi. Những kinh nghiệm này không chỉ mang lại nguồn thu nhập, kinh nghiệm sáng tác văn học mà còn giúp ích không nhỏ cho cô trong hành trình tại Miss Brazil 2018 và Miss Universe 2018. Để lọt top 20 Miss Universe 2018, Mayra Dias không chỉ ghi điểm với vẻ đẹp quyến rũ mà còn nhiều lần khiến khán giả trầm trồ bởi kinh nghiệm và sự bản lĩnh trên sân khấu. Nhớ lại một chương trình văn học mà cô tự tổ chức trên MTV Brazil vào năm 2009, Mayra kể rằng, cô đã có một công việc không thể tốt hơn. “Thật tuyệt khi tôi có được xuất hiện trên MTV để nói về tác phẩm văn học của chính mình. Nhìn những gì tôi có, tôi ước mình biết lúc đó tôi đã có một cơ hội tuyệt vời”, người đẹp tâm sự.
Tuy nhiên, với một phóng viên thi nhan sắc, Elle Smith thừa nhận, thời điểm thi Miss USA 2021, cô khá vất vả khi vừa cân bằng công việc chính, vừa phải tập luyện cho cuộc thi nhan sắc. Ngoài ra, cũng trong giai đoạn này, Elle còn giữ chức Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà báo Da màu Quốc gia. "Thật khó, rất khó để đảm đương hết các đầu việc được giao, vừa thi hoa hậu. Tôi không nghĩ mình sẽ có thể thực hiện được điều này nếu không có đồng nghiệp hỗ trợ tại WHAS. Mỗi ngày, tôi thức dậy lúc 5h30 sáng để tập thể dục, sau đó tham gia một cuộc họp nội dung buổi sáng, báo cáo đề tài trong ngày. Tôi kết thúc các nhiệm vụ vào 19h và mới có thời gian để tập luyện. Bữa tối của tôi thường diễn ra vào 21h và 22h tôi lại chuẩn bị cho các phần thi ứng xử, phỏng vấn tại Miss USA 2021”, Elle nhớ lại.
Mặc dù, sau nhiệm kỳ, Elle Smith vẫn đang miệt mài cho các hoạt động xã hội, cô ít nhắc nhiều đến công việc trước đó. Song, người đẹp 9X khẳng định: “Với tôi, việc trở thành một nhà báo ở Mỹ là một vinh dự và là một công việc đáng trân trọng. Mỗi ngày của chúng ta đều khác nhau và đầy thử thách, nhưng tôi có cơ hội kết nối với cộng đồng của mình và chia sẻ những quan điểm của mình”.
Nhắc đến góc khuất của những người đẹp làm báo, Roxana Saberi - cựu Miss North Dakota 1997, top 10 Miss USA – phóng viên tự do của Đài phát thanh Quốc gia của Mỹ là trường hợp từng khiến làng báo thế giới rúng động. Cuối những năm 1990, Saberi làm phóng viên cho Đài KVLY, một chi nhánh của Đài Truyền hình NBC ở Fargo. Charley Johnson, giám đốc đài đánh giá cô là một phụ nữ thông minh, tinh tế và rất tò mò. Bạn bè cô cho rằng chính sự tò mò về gốc Iran đã khiến cô trở lại quê hương.
Đến năm 2009, nữ phóng viên người Mỹ gốc Iran bất ngờ bị nhà chức trách Iran bắt giữ vì mua một chai rượu - hành vi bị cấm ở Iran theo Luật Hồi giáo vào tháng 1/2009. Lúc này, cô đang hoàn tất quá trình nghiên cứu để viết một cuốn sách về văn hóa và con người Iran để trở về Mỹ, song, giấy tờ hành nghề nhà báo của Saberi cũng bị hết hạn. Saberi bị cơ quan an ninh nước này cung cấp bằng chứng kết luận cô hoạt động gián điệp thông qua hành vi chuyển tin tức mật cho các cơ quan tình báo Mỹ. Trong phiên tòa kín diễn ra vào ngày 13/4/2009, ở Iran, Saberi bị 8 năm tù giam - bản án được xem là cao nhất dành cho kiều dân hai quốc tịch. Saberi đã tuyệt thực suốt 2 tuần để phản đối bản án và phải nhập viện vào đầu tháng 5/2009 sau khi từ chối uống nước.
Bố của Saberi kể với Hãng thông tấn AP rằng, trong 6 năm sống tại Iran, thay vì để ý tới các vấn đề chính trị, Saberi rất quan tâm tới cuộc sống của người dân Iran và muốn viết về họ mỗi ngày để thế giới có thể hiểu văn hóa của quốc gia này. Cuối cùng, nhờ nỗ lực của chính phủ Mỹ, cụ thể là Tổng thống Obama, Ngoại trưởng Hillary Clinton, các nhà lập pháp Bắc Dakota, các nhóm nhân quyền và chính phủ Nhật Bản…, đặc biệt là nỗ lực từ phía gia đình, Saberi đã được trả tự do vào ngày 11/5/2009 và đoàn tụ với cha mẹ mình, sau khi tòa phúc thẩm giảm án của cô xuống còn 2 năm tù treo.