Thu trên 393 tỷ đồng tiền tác quyền âm nhạc trong năm 2024

Thứ Tư, 08/01/2025, 14:01

Trong năm 2024, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã thu trên 393 tỷ đồng tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc, tăng 14,2% so với năm 2023.

Đáng chú ý, trong tổng số 393 tỷ đồng, tiền bản quyền thu từ các lĩnh vực kỹ thuật số, media, quảng cáo, sao chép sản xuất chương trình, sao chép vật lý, sao chép trực tuyến, website, ứng dụng (app), trang mạng xã hội chiếm đến 78%. Thông tin trên được NSƯT, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng Giám đốc VCPMC cho biết vào ngày 8/1, trong buổi tổng kết năm 2024 của VCPMC tại Hà Nội.

Theo VCPM, mặc dù tổng số tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc thu được trong năm 2024 tăng nhưng hoạt động này còn nhiều vấn đề. Hiện nay, do sự phát triển của công nghệ cũng như sự thay đổi của thị trường âm nhạc, thị hiếu công chúng, thói quen người nghe nhạc nên nguồn thu từ lĩnh vực kỹ thuật số, media chiếm tỷ trọng cao hơn các nhóm quyền còn lại.

Thu trên 393 tỷ đồng tiền tác quyền âm nhạc trong năm 2024 -0
Nhạc sĩ Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao Bằng khen của Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho tập thể VCPMC.

Lĩnh vực này vẫn còn tồn đọng khá nhiều trường hợp xâm phạm quyền tác giả, thậm chí có một số đơn vị còn phản ứng thiếu tích cực, vi phạm kéo dài, cố ý hiểu lệch lạc về quyền tài sản của chủ sở hữu tác phẩm, nhằm lôi kéo các kênh, nhà sáng tạo/sản xuất nội dung vào hệ thống mạng đa kênh (net) của mình, tự ý cam kết bảo đảm bản quyền để vi phạm một cách có hệ thống; lợi dụng cơ chế, công cụ của nền tảng để né tránh trả tiền bản quyền đồng thời thu lợi bất chính, tước đoạt lợi ích. Do đó, thời gian qua, VCPMC đã tiến hành nhiều biện pháp bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của tác giả thành viên, bao gồm cả các biện pháp công nghệ và khởi kiện dân sự.

Lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật  trong nước khá sôi động, đặc biệt với sự xuất hiện của các show diễn quốc tế dù quy mô chưa lớn. Tuy nhiên, số tiền bản quyền giảm hơn so với năm 2023 là do nguyên nhân còn nhiều show diễn vẫn tìm cách né tránh trả tiền bản quyền, viện cớ thỏa thuận để gây chậm trễ, khó khăn, áp đặt mức giá không phù hợp, cố ý tìm mọi cách để vô hiệu hóa quyền định đoạt tài sản, quyền độc quyền của tác giả.

Nhiều show diễn/sân khấu biểu diễn vẫn chưa trả tiền bản quyền trong một thời gian dài. Ở lĩnh vực phát sóng/phát thanh - truyền hình vẫn còn nhiều đơn vị truyền hình trả tiền chưa thực hiện nghĩa vụ, chậm trễ việc thỏa thuận trả tiền và gây khó khăn cho VCPMC, chưa thống nhất việc áp dụng Biểu mức quy định tại Phụ lục I của Nghị định số 17/2023/NĐ-CP để thực hiện nghĩa vụ trả tiền bản quyền. Về tỉ trọng so với tổng nguồn thu của VCPMC thì lĩnh vực phát sóng vẫn là một trong những lĩnh vực có tỉ trọng thấp nhất chỉ chiếm khoảng 02% trong tổng nguồn thu tiền bản quyền; ngoài ra, do còn một số Đài chưa thống nhất theo Phụ lục I của Nghị định số 17/2023/NĐ-CP nên nguồn thu ở lĩnh vực phát sóng không những chưa ổn định mà còn giảm đi so với năm trước là 21%.

 Năm 2024, VCPMC đã khảo sát, thu thập tài liệu, chứng cứ, khởi kiện ra tòa nhiều vụ việc xâm phạm quyền tác giả, điển hình ở lĩnh vực sử dụng quyền biểu diễn, quyền sao chép. Đến nay, bộ phận pháp chế hai miền đã thực hiện tổng số 79 vụ kiện xâm phạm quyền tác giả, tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ, tranh chấp hợp đồng; hiện đã giải quyết xong 34 vụ, số vụ còn lại đang trong quá trình giải quyết. Ngoài ra còn nhiều vụ việc và hàng trăm link trực tuyến (sao chép tác phẩm) hiện đang thu thập tài liệu, chứng cứ để xử lý vi phạm. Trung tâm thường xuyên phối hợp với tác giả rà soát, cảnh báo để thu, truy thu các trường hợp link/kênh vi phạm trên môi trường trực tuyến.

Thu trên 393 tỷ đồng tiền tác quyền âm nhạc trong năm 2024 -0
Đông đảo nhạc sĩ dự buổi lễ.

NSƯT, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cũng cho hay, trong năm 2024, số lượng hội viên của Trung tâm tăng thêm 729 tác giả, nâng tổng số tác giả hội viên uỷ quyền tại VCPMC lên 6.511 tác giả. Đây là tín hiệu vui, cho thấy ý thức của các tác giả về bản quyền cũng như sự tin cậy đối với VCPMC ngày càng càng cao hơn. Hiện nay, VCPMC đã phân phối, chi trả đến các chủ sở hữu quyền tác giả gần 256,9 tỷ đồng. Dự kiến trong quý IV, cụ thể là trong tháng 1/2025, Trung tâm tiếp tục chi trả khoảng 94 tỷ đồng cho các tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả. Đối với các hợp đồng chưa đủ điều kiện phân phối (hợp đồng chưa hết hạn hoặc chờ bổ sung danh sách, hợp đồng đã xuất hóa đơn nhưng chưa thanh toán tiền hoặc thanh toán chưa đủ, hợp đồng đã thu tiền nhưng đơn vị sử dụng chưa kê khai danh sách bài hát sử dụng…) sẽ tiếp tục được đối soát, phân phối vào kỳ tiếp theo.

Cũng tại lễ tổng kết, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã trao bằng khen cho VCPMC và cá nhân NSƯT, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn vì có thành tích xuất sắc trong công tác Hội năm 2024.

N.Hoa
.
.
.