Tháp Chăm cổ Phú Diên được xác lập kỷ lục Việt Nam và thế giới

Thứ Ba, 28/06/2022, 07:30

Tháp Chăm Phú Diên ở xã Phú Diên (Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) là tháp Chăm cổ chìm sâu dưới cồn cát ven biển. Sau hơn 20 năm được khai quật và bảo tồn, ngôi tháp này đã được công bố kỷ lục Việt Nam và kỷ lục Thế giới vào tối 27/6.

Ông Hoàng Vy, Chủ tịch UBND xã Phú Diên cho biết, ngày 18/4/2001, tại cồn cát ven biển xã Phú Diên, một nhóm công nhân khai thác khoáng sản titan thì phát hiện một khối gạch bị vùi sâu trong lòng cát từ 5-7m so với mặt đất. Sự việc được kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương và các ngành chức năng.

Ngay sau đó UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã chỉ đạo Sở Văn hóa Thông tin (nay là Sở Văn hóa- Thể thao), Bảo tàng Tổng hợp (nay là Bảo tàng Lịch sử) phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai công tác bảo vệ và tiến hành khảo sát, thám sát địa điểm này. Qua khai quật, một công trình kiến trúc Chăm pa cổ xưa đã xuất lộ. Theo các nhà nghiên cứu, khảo cổ học, ngôi tháp cổ ở Phú Diên thuộc dạng tháp lùn trong nghệ thuật kiến trúc tháp Chăm.

thap cham 1.jpg -0
Tháp Chăm Phú Diên nằm cạnh bờ biển.

Tháp Chăm Phú Diên thuộc nhóm tháp khởi đầu của kiến trúc tôn giáo khi chuyển sang xây dựng bằng chất liệu bền vững. Theo các nhà nghiên cứu, điều đáng chú ý là tháp Chăm Phú Diên nằm thấp hơn mực nước biển khoảng 3-4m, nằm sâu dưới lòng cồn cát từ 5-7m và chỉ cách mép nước biển 120m. So với các tháp Chăm còn tồn tại ở Việt Nam, vị trí tọa lạc của tháp Chăm Phú Diên nằm cạnh bờ biển, sâu dưới lòng đất là một điều đặc biệt. Trong khi, phần lớn các tháp Chăm khác tại Việt Nam đều nằm trên các đỉnh đồi và cách xa bờ biển.

Tháp có bốn cửa, gồm một cửa chính và ba cửa còn lại là cửa giả. Trong lòng tháp có một Yoni (sinh thực khí nữ) bằng đá hình vuông, ở giữa còn một cái gờ hình tròn là chân đế cho một Linga (sinh thực khí nam). Cấu trúc còn lại của tháp Phú Diên gồm phần móng tháp, đế tháp, chân tháp, thân tháp, diềm mái và lòng tháp. Mặt bằng lớp dưới cùng của tháp dài 8,22m, rộng 7,12m. Phần trang trí ở chân tháp có hình người, những viên gạch nung xen kẽ ngang dọc. Dù trải qua hàng thế kỷ, đến nay ngôi tháp vẫn giữ được màu gạch đỏ hồng đẹp mắt. Các mẫu gạch đều xốp, có kích thước không đều.

Theo nghiên cứu khoa học, gạch xây tháp làm bằng đất sét, chỉ nung ở nhiệt độ thấp dưới 800 - 900 độ C. Khi dựng tháp, người xưa đã ghép bằng kỹ thuật mài chập với nhớt cây ô dước và nước tạo sự kết dính. Nhìn tổng thể Tháp Phú Diên là một khối kiến trúc hình chữ nhật. Càng lên cao càng giật cấp thu nhỏ dần với các thành phần khác nhau như móng tháp, chân đế tháp, thân và diềm mái tháp, dưới móng tháp là một lớp đá sạn cuội làm nền cho đế tháp. Tháp Phú Diên là một trong những công trình kiến trúc gạch Champa sớm nhất còn lại ở khu vực miền Trung, khoảng thế kỷ VIII. Tháp là công trình kiến trúc văn hóa Chămpa còn nguyên vẹn nhất kể từ khu vực Bắc Hải Vân trở ra.

Ngày nay, trong phạm vi di tích, cơ quan chức năng đã tiến hành các biện pháp bảo vệ tháp cổ như xây dựng nhà che mưa nắng, khoanh vùng, dựng nhiều cột gỗ chống nghiêng đổ, xây đê bao, trồng cây xanh ngăn cát bay vùi lấp và chặn nước xói mòn… Có thể khẳng định đây là một kiến trúc thuộc nền văn hóa Champa có giá trị về mặt khoa học, lịch sử.

Việc phát hiện Tháp Chăm  Diên dưới lòng cồn cát ven biển tỉnh Thừa Thiên-Huế đã thực sự thu hút sự chú ý quan tâm của nhiều người, đặc biệt là các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế trong thời gian qua.

Ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng lịch sử thuộc Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết: Với những giá trị lịch sử nói trên, tháng 12/2001, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có Quyết định xếp hạng Tháp Phú Diên là di tích Kiến trúc Nghệ thuật cấp Quốc gia. Ngày 14/3/2022, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) có quyết định xác lập Kỷ lục Việt Nam đối với Tháp Phú Diên với tiêu chí là “Tháp Phú Diên - Tháp Chăm cổ chìm sâu dưới cồn cát ven biển được khai quật và bảo tồn đầu tiên tại Việt Nam”. Tiếp đến, ngày 30/5/2022, Liên minh Kỷ lục Thế giới (WorldKings) có quyết định xác lập Kỷ lục Thế giới đối với Tháp Phú Diên với tiêu chí “Tháp chăm cổ bằng gạch chìm sâu dưới cồn cát ven biển được khai quật và bảo tồn đầu tiên trên thế giới”.

Tối 27/6, tại xã Phú Diên đã diễn ra lễ công bố kỷ lục Việt Nam và kỷ lục thế giới đối với Tháp Champa Phú Diên với tiêu chí: “Tháp Chăm Phú Diên - tháp Chăm cổ chìm sâu dưới cồn cát ven biển được khai quật và bảo tồn đầu tiên tại Việt Nam và Thế giới”. Ông Nguyễn Đức Lộc cho biết, hiện Tháp Chăm Phú Diên đã hiện diện trên bản đồ du lịch địa phương, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, nổi tiếng về một địa điểm độc đáo... là cơ sở, tiềm năng để phát triển du lịch.

Đây là tín hiệu đáng mừng trong việc tôn vinh, giới thiệu và quảng bá những giá trị văn hóa của Cố đô Huế, đặc biệt khi Thừa Thiên-Huế đang phấn đấu sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Hải Lan
.
.
.