Phát triển phim hoạt hình Việt: Nghệ sĩ gạo cội lo lắng, người trẻ lạc quan
Phim hoạt hình Việt Nam có rất nhiều dư địa phát triển và nhiều nhà sản xuất đang tham gia tích cực, hiệu quả vào thị trường này. Họ đã có những sản phẩm thu hút đến 3 tỷ lượt người xem.
Đây là thông tin tạo nhiều bất ngờ thú vị với nhiều nghệ sĩ gắn bó lâu năm với phim và hoạt hình Việt, đại diện các cơ sở đào tạo và cả nhà quản lý tại tọa đàm “Phim hoạt hình Việt Nam – Năng lực sản xuất và xu hướng hợp tác quốc tế” ngày 18/10 tại Hà Nội. Tọa đàm do Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam tổ chức, với sự tham gia thảo luận sôi nổi của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà sản xuất, nhà quản lý, nghệ sĩ đến từ nhiều cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực sản xuất phim hoạt hình.
Nhiều vấn đề bất cập
Theo TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam, phim hoạt hình Việt Nam sau 63 năm hình thành và phát triển đã trở thành một bộ phận không thể thiếu được của điện ảnh Việt. Đến nay đã có trên 500 phim hoạt hình Việt Nam được sản xuất, trong đó, nhiều phim đoạt giải Bông Sen vàng, Bông Sen bạc, Cánh Diều vàng, Cánh Diều bạc và một số giải thưởng quốc tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh điện ảnh chuyển đổi hoàn toàn sang kỹ thuật số và thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành phim hoạt hình Việt Nam đã có sự thay đổi lớn, nhất là ở khu vực tư nhân. Một số công ty có hoạt động sản xuất “hoạt hình” với quy mô lớn, sản phẩm đa dạng, nguồn nhân lực dồi dào, phương thức kinh doanh linh hoạt, thị trường không ngừng mở rộng. Có công ty có trên 1.000 lao động và có sản phẩm thu hút hàng tỷ lượt người xem trên thế giới. Có thể thấy năng lực sản xuất phim hoạt ở Việt Nam rất lớn. Thế nhưng kết quả hoạt động của các công ty này chưa được tính vào số liệu thống kê chính thức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Theo TS Ngô Phương Lan, chúng ta mới chỉ có thống kê doanh thu phim truyện điện ảnh phát hành ngoài hệ thống rạp. Các Liên hoan phim vẫn vắng bóng sản phẩm của các hãng tư nhân. Nhìn lại thực lực của phim hoạt hình Việt hiện nay cũng có nhiều đánh giá rất khác nhau. Đã đến lúc cần thay đổi cách đánh giá năng lực và cách thức sản xuất phim hoạt hình, cần tập hợp nguồn lực, tạo sức mạnh và mở ra hướng hợp tác, phát triển bền vững cho phim hoạt hình Việt Nam trở thành ngành công nghiệp thực sự trong công nghiệp văn hóa Việt Nam với những sản phẩm mang dấu ấn riêng của Việt Nam chứ không chỉ gia công cho các hãng nước ngoài.
Về vấn đề này, NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam cũng khẳng định, phim hoạt hình Việt Nam hiện nay có nhiều dư địa phát triển. Chúng ta có nhiều người làm phim trẻ, có những hãng phim rất có tiềm năng, có những sản phẩm thu hút đông người xem nhưng chưa có những bộ phim có tầm cỡ như của thế giới, chưa có các nhân vật mang tính biểu tượng, trở thành thương hiệu riêng của Việt Nam, tương tự như chú Tễu của múa rối…
Cần những “đầu tàu” đủ mạnh để tập hợp, liên kết các nguồn lực
Chia sẻ về quá trình hình thành, phát triển phim hoạt hình Việt Nam và những chính sách Nhà nước đối với lĩnh vực này, NSND Phạm Minh Trí cho rằng, hoạt hình ít được quan tâm. Phim hoạt hình phải có sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước thì mới có thể có những tác phẩm hấp dẫn khán giả trong và ngoài nước, bắt nhịp được với xu hướng làm phim thế giới.
Đại diện Công ty cổ phần Hãng phim hoạt hình Việt Nam, ông Trịnh Lâm Tùng cũng cho biết, hiện nay, phim hoạt hình đã được nhà nước chăm lo nhiều nhưng người làm phim vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn và phải thực sự đam mê, hy sinh nhiều thứ khi quyết định gắn bó với hoạt hình Việt. Cũng theo ông Tùng thì người làm phim hoạt hình hiện nay như chơi chứng khoán, phải liên tục cập nhật tình hình, công nghệ, xu hướng làm phim của thế giới thì mới bắt nhịp được với thế giới, đáp ứng yêu cầu của khán giả…
Tuy nhiên, đại diện nhiều nhà sản xuất, đặc biệt là các nhà sản xuất trẻ lại bày tỏ thái độ rất lạc quan về phát triển phim hoạt hình Việt Nam. Ông Tạ Mạnh Hoàng, Nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Công ty Sconnect cho biết, hiện nay, có sản phẩm của công ty đã thu hút khoảng 3 tỷ lượt người xem. Hoạt hình Việt được xác định là có nhiều tiềm năng nhưng muốn phát triển thì phải coi đó là mảng kinh doanh đóng góp và kinh tế đất nước, là phương tiện để truyền thông cho văn hóa và phải có những hoạch định rõ ràng. Hiện nay, các doanh nghiệp vẫn rất đơn độc khi hoạt động trong lãnh địa này vì thiếu sự hỗ trợ cần thiết của cơ quan quản lý nhà nước, sự hỗ trợ của chính phủ trong quảng bá, kết nối với các doanh nghiệp quốc tế.
Đồng quan điểm nói trên, nhiều nhà sản xuất trẻ đều tự tin khẳng định Việt Nam có nhiều người có tài năng, được các đối tác quốc tế đánh giá cao nhưng người làm hoạt hình Việt, các đơn vị sản xuất vẫn mạnh ai người ấy làm, thiếu sự kết nối, thiếu những “đầu tàu” đủ mạnh để tạo ra mạng lưới liên kết, hỗ trợ lẫn nhau và còn thiếu nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hoặc xúc tiến quảng bá trong các sự kiện lớn ở quốc tế….
Về vấn đề này, TS Ngô Phương Lan khẳng định, từ nhiều năm trước, khi bà còn là Cục trưởng Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cụ thể là Cục Điện ảnh đã tham gia nhiều Liên hoan phim lớn và uy tín trên thế giới, đã tổ chức các gian hàng quảng bá sản phẩm, thương hiệu của Việt Nam bằng kinh phí xã hội hóa. Đây là vấn đề không khó và có nhiều việc mà các nhà sản xuất trẻ đang băn khoăn lo lắng thì Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam có thể làm đầu mối, hỗ trợ triển khai được. Tọa đàm lần này cũng là bước khởi đầu cho chuỗi hoạt động nhằm xúc tiến, phát triển thương hiệu phim hoạt hình Việt Nam của Hiệp hội trong thời gian tới…