Nỗ lực bảo tồn nghệ thuật cải lương và đờn ca tài tử phục vụ du lịch
Bạc Liêu đang nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật cải lương, nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ; đồng thời tiếp tục duy trì, phát triển Nhà hát Cao Văn Lầu (Nhà hát Ba nón lá) trong thời gian tới, tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch Bạc Liêu, bà Trần Thị Lan Phương cho biết, để bảo tồn, phát triển nghệ thuật cải lương và đờn ca tài tử, trước hết, tỉnh tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, các tầng lớp nhân dân về giá trị, sự đóng góp của nghệ thuật cải lương, đờn ca tài tử vào kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc; nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của các tổ chức, mỗi cá nhân trong việc giữ gìn và phát huy giá trị nghệ thuật độc đáo của Nam Bộ.
Cùng đó, tỉnh phát huy vai trò của các nghệ sĩ đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ sĩ nhân dân tham gia truyền dạy nghệ thuật cải lương tại Nhà hát Cao Văn Lầu, tạo điều kiện cho họ nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, tiếp tục lưu giữ, truyền dạy cho các thế hệ sau.
Tỉnh thành lập, phát huy hiệu quả hoạt động của Trung tâm Bồi dưỡng và Truyền nghề sân khấu cải lương thuộc Nhà hát Cao Văn Lầu; xây dựng chương trình truyền dạy nghệ thuật cải lương cụ thể, phù hợp với từng đối tượng tham gia, đảm bảo hiệu quả, chất lượng.
Đặc biệt, tỉnh thường xuyên tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan, giao lưu sân khấu cải lương, tạo điều kiện cho các nghệ sĩ, diễn viên, học viên học hỏi, nâng cao kỹ năng biểu diễn, thực hành nghệ thuật, đáp ứng tốt về nguồn lực phục vụ nhu cầu phát triển sân khấu cải lương tỉnh trong thời gian tới.
Mặt khác, Bạc Liêu duy trì và nâng cao chất lượng biểu diễn phục vụ nhân dân, biểu diễn thực cảnh tại Nhà hát Cao Văn Lầu, đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ cho các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Ngoài tham gia các hội thi, hội diễn, liên hoan sân khấu chuyên nghiệp cấp khu vực, toàn quốc, Nhà hát Cao Văn Lầu xây dựng kế hoạch biểu diễn định kỳ hằng quý 1 vở cải lương để truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình của tỉnh và các tỉnh, thành phố trong khu vực.
Tỉnh duy trì tổ chức, đăng cai, tham gia Liên hoan nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ ba tỉnh Bạc Liêu - Sóc Trăng - Cà Mau và tham gia giao lưu, liên hoan, hội thi nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ khu vực, các tỉnh, thành phố cũng như toàn quốc. Đồng thời, tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức sưu tầm, kiểm kê, bảo tồn giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn tỉnh 1 lần/năm.
Bạc Liêu củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các câu lạc bộ, nhóm đờn ca tài tử; đưa hoạt động đờn ca tài tử vào sinh hoạt tại trung tâm văn hóa - thể thao các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn, nhà văn hóa - khu thể thao ấp, khóm. Đồng thời, tỉnh thực hiện xã hội hóa trong việc vận động xây dựng Quỹ hỗ trợ nghệ thuật đờn ca tài tử (Quỹ Lê Tài Khí) tạo điều kiện cho công tác bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật này.
Các đơn vị chuyên môn tổ chức cho giới trẻ (từ cấp tiểu học) tiếp cận với đờn ca tài tử thông qua các bài ngắn, nhẹ nhàng, làn điệu vui tươi… để giúp các em làm quen với làn điệu cổ truyền rồi dần đi đến yêu thích đờn ca tài tử.