Nhập tịch cầu thủ có trở thành con dao hai lưỡi với bóng đá Việt Nam?
Sau Rafaelson, một số ngôi sao quen thuộc khác của V.League trên đường nhập quốc tịch Việt Nam. Điều này giúp các CLB cũng như đội tuyển Việt Nam có thêm lựa chọn nhưng cũng tiềm ẩn một số rủi ro cần được quản trị chặt chẽ.
Làn sóng nhập tịch mới
Sau 15 năm, làn sóng nhập tịch cầu thủ ở V.League lại “bùng nổ” một lần nữa. Bắt đầu từ thủ môn Việt kiều Nguyễn Filip cho đến “Vua phá lưới” Rafaelson (Nguyễn Xuân Son), các CLB đang từng bước thúc đẩy nhập tịch cho một số ngoại binh đủ điều kiện.
Trong thời gian qua, những cái tên được nhắc đến bao gồm Geovane, Pattrick Lê Giang và Jason Quang Vinh Pendant. Geovane là cầu thủ Brazil chính hiệu giống Rafaelson, có thể nhập tịch nhờ việc sống và làm việc tại Việt Nam 5 năm liên tiếp vừa qua. Trong khi đó, Pattrick Lê Giang và Jason Quang Vinh Pendant là cầu thủ Việt kiều, có dòng máu Việt Nam.
Nếu thành công, các cầu thủ nói trên cũng như Rafaelson, hoàn toàn có thể khoác áo đội tuyển Việt Nam trong năm 2025 nếu được triệu tập. Trong bối cảnh đội tuyển Việt Nam sa sút suốt 2 năm qua, họ sẽ giúp HLV Kim Sang-sik có thêm các lựa chọn chất lượng cao. Tuy nhiên, việc sử dụng các cầu thủ nhập tịch không có gốc gác Việt Nam như Nguyễn Xuân Son sẽ gây ra nhiều tranh cãi.
Cách đây 15 năm, cầu thủ nhập tịch đầu tiên khoác áo đội tuyển Việt Nam là Phan Văn Santos cũng là người tạo ra tranh cãi lớn nhất. Ban đầu, Phan Văn Santos được đông đảo người hâm mộ ủng hộ nhờ tài năng đặc biệt. Không chỉ cao lớn, bắt bóng giỏi, thủ môn người Brazil còn có tài đá phạt hàng rào cực hay. Thế nhưng, anh bị đánh giá không toàn tâm toàn ý cống hiến cho đội tuyển Việt Nam khi hát quốc ca Brazil trước trận đấu. Anh cũng tự ý bỏ đội tuyển giữa chừng tại Cúp bóng đá TP Hồ Chí Minh để trở về Brazil chăm... vợ đẻ.
Các cầu thủ nhập tịch sau Phan Văn Santos như Đinh Hoàng La, Đinh Hoàng Max cũng gây ra điều tiếng không tốt bên ngoài sân cỏ. Kết quả, “chiến dịch” nhập tịch cầu thủ cho đội tuyển Việt Nam chỉ tồn tại chưa đầy 1 năm (2008 đến 2009) trước khi phá sản hoàn toàn. Kể từ năm 2009 đến năm 2023, không còn cầu thủ nhập tịch nào được gọi lên tuyển bất chấp phong độ của họ ra sao, hay lực lượng đội tuyển yếu và thiếu chỗ nào.
Đây cũng chính là lý do khiến khả năng lên tuyển của Nguyễn Xuân Son còn bỏ ngỏ, cho dù đội tuyển Việt Nam đang thiếu một trung phong đẳng cấp cao như anh. Tài năng của Nguyễn Xuân Son đã được chứng minh khi anh liên tục ghi bàn và phá kỷ lục ở V.League, nhưng khát khao cống hiến và sự cam kết của anh với màu áo đỏ vẫn là ẩn số.
Con dao hai lưỡi
Sau khi chia tay HLV Park Hang-seo, đội tuyển Việt Nam sa sút không phanh. HLV Troussier nỗ lực cải tổ toàn diện, trẻ hóa lực lượng nhưng thất bại và phải ra đi chỉ sau 1 năm. Đến thời HLV Kim Sang-sik, các vấn đề cũ chưa được giải quyết. Một số người hâm mộ đã “quay xe”, cảm thấy có lỗi và tiếc nuối Troussier.
Với bối cảnh hiện tại của bóng đá Việt Nam, lựa chọn xây nhà từ móng của HLV Troussier tuy chậm và khó khăn nhưng hứa hẹn tạo ra tương lai vững chắc, sáng sủa hơn. Trong khi đó, việc tính đến chuyện triệu tập các cầu thủ nhập tịch mới giống như nỗ lực xây nhà… từ nóc, mang đậm tính “ăn xổi”.
Nguyễn Xuân Son đã 27 tuổi, Geovane 30 tuổi, Jason Quang Vinh Pendant 27 tuổi và Patrick Lê Giang thậm chí đã 32 tuổi. Trong số này, nhiều khả năng chỉ có Nguyễn Xuân Son và Jason Quang Vinh Pendant có cơ hội được triệu tập. Và họ cũng không còn nhiều thời gian đỉnh cao để cống hiến.
Bên cạnh rủi ro ngoài chuyên môn như trường hợp của Phan Văn Santos, Đinh Hoàng La… việc triệu tập các cầu thủ nhập tịch nói trên cũng đồng thời tạo ra các rủi ro về chuyên môn thuần túy. Nguyễn Xuân Son và Jason Quang Vinh Pendant có thể giải quyết ngay lập tức điểm yếu ở vị trí tiền đạo cắm và hậu vệ trái cho đội tuyển Việt Nam, nhưng họ sẽ duy trì phong độ trong bao lâu lại là câu chuyện khác. Trong thời gian đó, các tài năng trẻ cùng vị trí xem như không có cơ hội cọ xát, tích lũy kinh nghiệm quốc tế, đồng nghĩa với việc đội tuyển Việt Nam thiếu đi sự kế thừa cần thiết.
Hạn chế lớn nhất mà Nguyễn Xuân Son, Jason Quang Vinh Pendant và các cầu thủ nhập tịch khác tạo ra nằm ở đó. Không chỉ ở cấp độ đội tuyển mà ngay ở CLB. Việc hai cầu thủ này được tính là “nội binh” sẽ giúp CLB của họ mạnh hơn đáng kể, nhưng đồng thời khiến ít nhất một cầu thủ nội mất cơ hội đá chính.
Cho dù V.League giới hạn ngoại binh rất chặt chẽ, nhưng một số vị trí quan trọng của đội tuyển ngày càng đi xuống vì các cầu thủ nội thiếu thời gian thi đấu. Các vị trí dễ thấy nhất là trung vệ và tiền đạo cắm. Các trung vệ của tuyển Việt Nam liên tiếp mắc lỗi trong thời gian qua, trong khi tiền đạo cắm ngày càng khan hiếm.
Thực tế, đây không phải câu chuyện mới mẻ. HLV Park Hang-seo từng kêu trời vì sau nhiều năm dẫn dắt cả U23 và đội tuyển Việt Nam, ông chỉ có trong tay Hà Đức Chinh, Nguyễn Công Phượng, Nguyễn Tiến Linh… Hiện tại, HLV Kim Sang-sik thậm chí chỉ còn Nguyễn Tiến Linh và buộc phải thử nghiệm Nguyễn Hoàng Đức ở vị trí trung phong.
Chính vì vậy, nhập tịch các cầu thủ xuất sắc như Rafaelson có thể mang lại lợi ích ngay lập tức, nhưng về lâu dài lại ẩn chứa nhiều biến số. Nếu VFF bật đèn xanh cho HLV Kim Sang-sik triệu tập các cầu thủ nhập tịch, họ cũng cần tính đến các phương án hạn chế rủi ro trong tương lai.
Nhập tịch cầu thủ vì ASEAN Cup?
Triệu tập các cầu thủ nhập tịch không còn trẻ như Nguyễn Xuân Son hay Jason Quang Vinh Pendant cũng khó giúp đội tuyển Việt Nam hướng đến các mục tiêu lớn. Đội bóng áo đỏ đã sớm dừng bước ở vòng loại World Cup 2026 châu Á. Trong thời gian tới, đội tuyển Việt Nam chỉ có hai giải đấu là ASEAN Cup 2024 và vòng loại Asian Cup 2027.
ASEAN Cup 2024 có ý nghĩa về nhiều mặt, nhưng rõ ràng không còn là giải đấu quan trọng nhất với đội tuyển Việt Nam. Sau thành công cùng HLV Park Hang-seo, mục tiêu của đội bóng áo đỏ lớn hơn nhiều. Đó là vươn tầm ra châu Á và hướng đến chiếc vé tham dự World Cup 2030.
Với độ tuổi của Nguyễn Xuân Son hay Jason Quang Vinh Pendant, việc họ góp mặt tại Asian Cup 2027 đã là dấu hỏi lớn. Bộ đôi này cùng các cầu thủ nhập tịch khác gần như không thể góp ích cho chiến dịch vòng loại World Cup 2030. Đó chính là điều mà VFF phải cân nhắc.