Nghệ sĩ nỗ lực làm chương trình nghệ thuật trực tuyến vì cộng đồng
Sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, những người làm nghệ thuật đã dần chủ động hơn trong tổ chức các hoạt động biểu diễn, kể cả nghệ sĩ đang là F0. Hoạt động biểu diễn dần bắt nhịp tốt hơn với đời sống.
Không lỡ hẹn với thiếu nhi như Trung thu năm 2020, nghệ sĩ sân khấu năm nay có dịp hội ngộ các khán giả “nhí” với nhiều hoạt động. Trong đó, chương trình “San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch” số 6 của các nghệ sĩ thuộc Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Kịch Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Tuồng Việt Nam diễn ra vào tối 21/9 là điểm nhấn đặc biệt.
Trong chương trình, khán giả có dịp thưởng thức nhiều tiết mục đặc sắc. Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, NSND Nguyễn Tiến Dũng cho biết, dịp này, Nhà hát đã chủ động lựa chọn nhiều tiết mục múa rối có nội dung phù hợp với trẻ em và đặc biệt chú trọng tới màu sắc trang phục tươi vui của các con rối.
Vì đối tượng phục vụ chính là thiếu nhi nên các nghệ sĩ phải cẩn trọng, đảm bảo chất lượng và nghệ thuật, và mang tính định hướng thẩm mỹ đối với các em nhỏ.
NSND Tạ Duy Ánh, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ, các tiết mục được chọn biểu diễn trong chương trình cũng đã được Nhà hát cân nhắc rất kỹ. Với “Hề ảo thuật”, các nghệ sĩ không chỉ mang đến sự vui tươi, dí dỏm mà còn khơi gợi tính sáng tạo cho các em.
Xiếc thú là tiết mục biểu diễn luôn được thiếu nhi yêu thích nhưng thay vì các tiết mục xiếc thú hoang dã, đơn vị chủ động chọn các con vật nuôi trong gia đình để đưa lên sân khấu, giúp khán giả nhí khám phá những khả năng đặc biệt từ những con thú nuôi qua sự huấn luyện người nghệ sĩ.
Dịch bệnh kéo dài khiến các nghệ sĩ gặp nhiều khó khăn nhưng họ vẫn nỗ lực duy trì tập luyện và sáng tạo. Biên đạo múa Tuyết Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam cho biết, hiện chị và hơn 20 biên đạo, hơn 100 nghệ sĩ múa trên cả nước vẫn miệt mài với tổ khúc múa “Ánh sáng tâm hồn”.
Nữ biên đạo cũng kỳ vọng, tác phẩm này nói riêng, các tác phẩm nghệ thuật biểu diễn nói chung, trong thời điểm hiện tại sẽ là những liều thuốc cho tinh thần và thể chất, giúp mọi người loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực, chống lại trầm cảm, căng thẳng.
“Hiện nay, đa số nghệ sĩ múa trẻ đều đang hưởng mức lương hợp đồng thấp, đối với các nghệ sĩ tự do còn khó khăn hơn nữa khi hơn 1 năm không có các show diễn hay các chương trình nghệ thuật được tổ chức, nên mọi gánh nặng về thuê nhà và trang trải cho cuộc sống cá nhân càng khó khăn hơn.
Nhiều nghệ sĩ phía Nam và gia đình cũng từng bị F0, F1, nhiều nghệ sĩ xung phong các hoạt động thiện nguyện hoặc tham gia vào các tổ chức phòng, chống dịch tại địa phương… Chúng tôi thấy mình vẫn còn may mắn hơn, sống tốt hơn nhiều những hoàn cảnh thương tâm nơi tâm dịch.
Chúng tôi luôn tâm niệm, sứ mệnh của nghệ sĩ là cần sáng tạo, cống hiến và lan tỏa những tác phẩm đẹp. Đó cũng là sức mạnh tinh thần giúp cho những khó khăn của chúng ta qua đi nhẹ nhàng hơn, sẵn sàng cho một cuộc sống bình thường mới”, biên đạo Tuyết Minh trải lòng.
Biên đạo, diễn viên Ballet Nguyễn Đình Bảo Bảo chia sẻ, hiện tại Bảo Bảo đang là F0 và đang tham gia tình nguyện tại nơi mà mình điều trị. Tuy nhiên, Bảo Bảo vẫn tham gia tổ khúc múa “Ánh sáng tâm hồn” và cảm thấy vinh dự khi được tham gia vào tác phẩm này.
Alexander Tú cũng nhận định, càng khó khăn, các nghệ sĩ càng cần phải chung sức, đồng lòng sáng tạo, dù rằng cách thức hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh đã thay đổi và nghệ sĩ buộc phải học cách thích nghi. Các nghệ sĩ học vũ đạo của nhau thông qua video, sử dụng zoom để gặp gỡ, thảo luận và lên kế hoạch, ý tưởng, cách thức thực hiện. Cá nhân từng biên đạo hay nghệ sĩ phải tự luyện tập ở nhà, có khi là trong không gian cực kỳ hạn chế nhưng vẫn phải cố gắng tránh làm gián đoạn sinh hoạt của gia đình hoặc hàng xóm…
Biên đạo Phương KD cũng cho biết, làm nghệ thuật trong điều kiện giãn cách gặp nhiều khó khăn hơn. Tập luyện ở nhà mất thời gian hơn rất nhiều so với trên phòng tập. Làm việc qua màn hình, nghệ sĩ khó chỉnh dáng cho cả tập thể, khó hình dung về khối di chuyển trong bài; miêu tả cảm xúc bài qua online cũng không thể rõ ràng và chân thật như khi dựng trực tiếp.
“Mình nghĩ việc giữ được tinh thần tốt vào lúc này rất quan trọng. Bản thân mình thấy có trách nhiệm trong việc tạo ra những giá trị tinh thần, nâng cao năng lượng tích cực đến với mọi người và cho chính cả mình”, biên đạo Phương KD chia sẻ.