Liệu có xóa được định kiến về phim nhà nước đặt hàng?
Bộ phim lịch sử được nhà nước đầu tư 100% vốn sản xuất “Đào, phở và piano” đột ngột gây sốt vé tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia, Hà Nội những ngày này không chỉ là hiện tượng lạ với điện ảnh Việt, nhất là đối với các phim lịch sử, mà còn được kỳ vọng sẽ là cú hích để tháo gỡ những nút thắt cho các tác phẩm điện ảnh do nhà nước đặt hàng lâu nay.
Phim “Đào, phở và piano” của đạo diễn Phi Tiến Sơn, được đầu tư kinh phí 20 tỷ đồng và do Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đặt hàng, Công ty Cổ phần Phim truyện 1 sản xuất. Phim lấy cảm hứng từ cuộc chiến 60 ngày đêm vào cuối năm 1946, đầu năm 1947 của quân dân Hà Nội với câu chuyện tình yêu của anh tự vệ (Doãn Quốc Đam đảm nhận) và cô tiểu thư Hà thành (Cao Thùy Linh). Tham gia diễn xuất còn có NSƯT Trần Lực, NSƯT Trung Hiếu, Doãn Quốc Đam, ca sĩ Tuấn Hưng...
“Đào, phở và piano” cùng với “Hồng Hà nữ sĩ” và 6 phim hoạt hình khác là những phim đầu tiên trong dự án thí điểm khai thác chiếu rạp thương mại đối với phim nhà nước đầu tư kinh phí của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Phim khởi chiếu từ mùng 1 Tết Nguyên đán (10/2) với hình thức bán vé duy nhất tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia. Sau hơn 1 tuần lặng lẽ, “Đào, phở và piano” đột ngột gây sốt sau khi Trung tâm Chiếu phim quốc gia thông tin, trang web của Trung tâm bị sập do lượng người đặt mua vé xem phim này quá đông. Ngày 18/2, nhiều người bất ngờ trước thông tin này. Trung tâm phải tăng từ 3 suất chiếu lên 18 suất chiếu mỗi ngày.
Nhìn nhận một cách khách quan, nếu một dự án phim thông thường do tư nhân đầu tư sản xuất gây sốt vé sẽ không chắc nhận được nhiều sự quan tâm như “Đào, phở và piano”. Bởi lẽ, đây là phim về lịch sử, sản xuất bằng tiền ngân sách nhà nước. Sau rất nhiều tranh cãi về chất lượng nhiều bộ phim do nhà nước đặt hàng trước đây, đến nay, nhắc đến các dự án phim như thế này, nhiều người vẫn giữ định kiến rằng sẽ khó thu hút được khán giả.
Quan điểm cho rằng những dự án phim được bao cấp sản xuất chỉ phục vụ tuyên truyền không phải không có lý. Bởi lẽ, ngay cả khi “Đào, phở và piano” hút khách, Trung tâm Chiếu phim quốc gia quá tải thì nhà quản lý vẫn giữ quan điểm là phim do nhà nước đặt hàng, đáp ứng yêu cầu tuyên truyền là được. Về việc thiếu quảng bá, chưa quan tâm phát hành phổ biến phim ngoài hệ thống rạp như phim tư nhân đầu tư sản xuất, lý do được viện dẫn lâu nay là nhà nước chỉ đầu tư vốn sản xuất phim, không đầu tư quảng bá, phát hành phim. Nói cách khác, phim phát hành ngoài rạp hay không, cả nhà đầu tư, nhà sản xuất đều không cần biết. Cục trưởng Cục Điện ảnh, ông Vi Kiến Thành còn cho biết, đến nay, chưa có quy định về trích tỷ lệ trích % phát hành phim do nhà nước đặt hàng đối với các đơn vị phát hành phim ở hệ thống rạp chiếu tư nhân và đây là một trong những nút thắt đáng tiếc, không đáng có nếu trước đó, việc phát hành phim, mang về doanh thu cho các dự án điện ảnh do nhà nước đặt hàng được cơ quan quản lý quan tâm. Đây là điều đáng tiếc. Bởi bất kỳ tác phẩm điện ảnh nào, dù là do nhà nước hay tư nhân sản xuất hàm chứa giá trị văn hóa, nghệ thuật cao cũng nên được phổ biến rộng rãi. Nói như chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông thì “việc được khán giả đón nhận nhiệt tình càng thể hiện điện ảnh Việt đã đi đúng hướng trong việc tiếp cận được khán giả và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa, góp phần tích cực vào Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam”. Như vậy, có thể thấy, tác phẩm điện ảnh do nhà nước đầu tư càng không nên là ngoại lệ.
Tuy nhiên, thực tế những ngày qua cho thấy, bản thân cơ quan quản lý nhà nước cũng đang khá lúng túng. Mặc dù đến ngày 20/2, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đã xác nhận có 2 đơn vị tư nhân phát hành phim “Đào, phở và piano”, nhưng xét cho cùng, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Vì nhà phát hành sẽ không thể chiếu phim không công cho nhà nước mãi. Như chia sẻ của bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bình Hạnh Đan (BHD), nếu phim do nhà nước đặt hàng được chiếu thương mại ngoài hệ thống rạp thì cũng cần trích tỷ lệ % cho đơn vị phát hành. Bởi vì các cụm rạp do nhà nước quản lý thì có thể 100% doanh thu về ngân sách nhà nước nhưng các rạp chiếu phim tư nhân phải đầu tư rất nhiều chi phí để xây dựng, vận hành hệ thống này nên không thể phát hành mà không có kinh phí…