Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Chủ Nhật, 19/02/2023, 15:44

Sáng 19/2, tại chùa Bà, thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước (Bình Dịnh), UBND huyện Tuy Phước phối hợp với Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Bình Định tổ chức Lễ đón Bằng di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn.

Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 1839/QĐ-BVHTTDL ngày 04/8/2022. Đây là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thứ tư của tỉnh Bình Định được ghi danh, tiếp sau Võ cổ truyền Bình Định, Hát bội Bình Định và Nghệ thuật Bài chòi Bình Định.

Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn là một trong những lễ hội truyền thống có quy mô lớn và ra đời sớm ở Bình Định. Trải qua bao đời tiếp nối gìn giữ, lễ hội trở thành nét sinh hoạt văn hóa truyền thống, mang tính cộng đồng cao của địa phương Tuy Phước.

Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn là di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia -0
Lễ đón Bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn.
Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn là di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia -0
Nghi thức rước Bằng di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia “Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn” vào Chánh điện.
Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn là di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia -0
Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn.

Các hoạt động trong lễ hội mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc về truyền thống uống nước nhớ nguồn, yêu quê hương đất nước cho các thế hệ mai sau. Từ đó khơi dậy tinh thần vươn lên trong lao động sản xuất để xây dựng vùng đất có vai trò và ý nghĩa lịch sử này thêm giàu đẹp. Hàng năm, lễ hội được tổ chức trong 3 ngày (từ ngày cuối cùng của tháng Giêng âm lịch đến ngày 2 tháng Hai âm lịch).

Ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, việc Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn được tôn vinh đã góp phần nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa dân gian của loại hình di sản văn hóa phi vật thể này; khẳng định vai trò của lễ hội trong đời sống tinh thần của cộng đồng địa phương, tôn trọng giá trị của di sản tại vùng đất Bình Định, góp phần tạo nên sự đa dạng văn hóa trong tổng thể các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam. “Đây vừa là niềm vinh dự, tự hào vừa là trách nhiệm lớn lao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định nói chung, huyện Tuy Phước nói riêng”, ông Lâm Hải Giang nói.

Năm nay, Ban Quản lý Chùa Bà phối với UBND huyện Tuy Phước sẽ tổ chức Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn từ ngày 19/2 đến ngày 21/2. Lễ hội diễn ra với nhiều nghi lễ, tín ngưỡng mang tính đặc trưng của vùng cảng thị xưa như: lễ tế các vị thần linh đã phù hộ cho người đi biển, buôn bán, che chở cho đời sống tinh thần, vật chất của người dân, bảo hộ cho việc sinh sản mẹ tròn con vuông; lễ rước các biểu trưng ngư, tiều, canh, mục với những hình tượng như: người đốn cây, khai phá rừng ngập mặn. Ngoài phần lễ, còn có phần hội với nhiều trò chơi dân gian, nghệ thuật hát bội, hội bài chòi cổ, biểu diễn võ cổ truyền thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.

Diễm Phúc
.
.
.