Kỳ tích và kỳ vọng với cử tạ Việt Nam

Thứ Năm, 04/04/2024, 05:15

Tấm vé tham dự Olympic Paris 2024 của đô cử Trịnh Văn Vinh cũng là lần thứ 6 liên tiếp môn cử tạ có VĐV giành quyền tham dự đấu trường thể thao danh giá nhất thế giới này. Và nếu có kỳ vọng giành huy chương Olympic Paris 2024 từ môn này thì cũng là điều bình thường.

Chuyện hiếm của thể thao Việt Nam

Đối với thể thao Việt Nam, giành vé trực tiếp tham dự Olympic vẫn là mục tiêu quan trọng. Bởi với nền tảng của mình, chỉ riêng việc giành vé tham dự Olympic cũng là điều danh giá. Không ngẫu nhiên mà mới đây, thành phố Hà Nội cũng đưa việc VĐV giành quyền tham dự Olympic vào hạng mục khen thưởng, đãi ngộ đặc biệt trong suốt một chu kỳ Olympic (thường là 4 năm) với mức 17 triệu đồng/ tháng.

ð-i c- t-.jpg -0
Lãnh đạo, Ban huấn luyện chia vui với Trịnh Văn Vinh sau khi giành vé dự Olympic Paris 2024.

Từ lâu nay, các nhà quản lý thể thao Việt Nam đều thống nhất rằng, số lượng vé dự Olympic cũng là tiêu chí đánh giá sự phát triển của một nền thể thao. Chưa kể đến cơ hội giành huy chương, chỉ riêng việc càng có nhiều VĐV giành vé dự Olympic càng chứng tỏ nền thể thao đó đang đi đúng hướng, phù hợp với xu thế chung của thể thao thế giới. Điều này càng trở nên có lý khi tiêu chí để giành quyền tham dự Olympic ngày càng ngặt nghèo. Nhưng có lẽ vì thế mà tấm vé dự Olympic càng trở nên danh giá.

Ngay như tấm vé dự Olympic Paris 2024 của Trịnh Văn Vinh cũng chứa đựng một hành trình đầy khó nhọc với người trong cuộc. Thay vì chỉ cần tập trung vào một số giải đấu, đô cử này phải thi đấu liên tục ở các giải đấu thuộc vòng loại Olympic. Ngoài việc phải dự đủ các giải đấu theo quy định, đô cử này cũng phải nỗ lực hết mình để đạt mức tạ tốt nhất nhằm chen chân vào nhóm 10 đô cử của hạng 61kg nam giành vé dự Olympic Paris 2024. Và cũng phải đến Cúp thế giới cử tạ đang diễn ra tại Thái Lan, Trịnh Văn Vinh mới chắc suất tham dự Olympic Paris 2024 với hạng 9/10 đô cử.

Thực tế, cho đến lúc này, trong làng thể thao Việt Nam hiếm môn nào lại có VĐV 6 lần liên tiếp tham dự Olympic bằng suất chính thức như cử tạ. Nếu xét trong tổng thể các môn, đó cũng là kỳ tích của môn thể thao trọng điểm này, vốn luôn được nhắm đến mục tiêu giành huy chương trong mỗi lần tham dự Olympic. Điều này cũng là khác biệt so với nhiều môn khác cũng có VĐV giành vé dự Olympic. Khi đó, VĐV các môn này cũng chỉ đặt mục tiêu thi đấu hết mình trước các đối thủ ở đẳng cấp cao hơn hẳn.

Mục tiêu huy chương Olympic liệu khả thi?

Đối với Trịnh Văn Vinh, chỉ riêng việc giành được vé tham dự Olympic Paris 2024 cũng được xem là điều đáng nể. Từng phải ngừng thi đấu 4 năm, từ năm 2028, do có kết quả xét nghiệm dương tính với doping (chất cấm) trong khi đang tập luyện, tưởng như khả năng góp mặt ở Olympic của đô cử này đã khép lại.

Còn nhớ những ngày diễn ra SEA Games 31 năm 2022, đô cử này không thể tranh tài ngay tại quê nhà nên đành tham gia hỗ trợ công tác tổ chức thi đấu môn cử tạ. Lúc đó, Trịnh Văn Vinh cũng nói đến ước mơ được trở lại thi đấu để có thể thỏa ước mơ tham dự Olympic. Tất cả cũng chỉ “biết thế, để đấy” vì hành trình giành vé Olympic Paris 2024 sẽ cực kỳ gian nan, đòi hỏi sự nỗ lực cao độ. Tất nhiên, Trịnh Văn Vinh có thuận lợi là được thi đấu trở lại từ đầu tháng 2/2023, đủ quỹ thời gian để có thể tham dự các giải đấu bắt buộc thuộc vòng loại Olympic Paris 2024.

Ngay thời điểm ấy, các HLV của đội tuyển quốc gia cũng xác định, trong số các VĐV Việt Nam có khả năng tranh chấp vé của hạng cân 61kg dự Olympic Paris 2024, chỉ có Trịnh Văn Vinh đủ điều kiện. Tất cả vẫn ấn tượng về màn lội ngược dòng của Trịnh Văn Vinh ở SEA Games 28 năm 2017 trước một trong những đô cử nổi tiếng thế giới là Eko Irawan (Indonesia). Khi ấy, ở tuổi 22, với đầy sự khát khao cùng nội lực của mình, cú cử đẩy thành công ở mức 172 kg đã giúp anh vượt qua Eko Irawan để có tấm HCV SEA Games đầu tiên trong đời VĐV, đồng thời lập kỷ lục SEA Games với mức tổng cử 307kg. Đáng chú ý, mức tổng cử 307kg khi đó cũng là một thông số quan trọng để đánh giá khả năng tiến xa tại hành trình giành vé dự Olympic của đô cử này. Tất nhiên, thành tích ở hạng 62kg so với 61kg cũng có chút sai số nhưng các nhà quản lý và HLV khi đó đều tin rằng, chí ít Trịnh Văn Vinh cũng đạt mức 300kg nếu thi đấu ở hạng 61kg.

Vấn đề là sau đó, Trịnh Văn Vinh vướng vào rắc rối về xét nghiệm doping khiến cử tạ Việt Nam phải loay hoay tìm người có thể tranh vé dự Olympic cũng như giành vé dự Olympic.

Thế nên, tất cả mới đợi Trịnh Văn Vinh trở lại thi đấu và dành sẵn một cơ chế đầu tư đặc biệt cho đô cử này. Thực sự, khát khao chứng tỏ bản thân đã giúp đô cử này hoàn thành mục tiêu được đánh giá là quá khó với những VĐV phải nghỉ thi đấu tới 4 năm.

Giờ là lúc các nhà quản lý, HLV và chính Trịnh Văn Vinh lại hướng tới mục tiêu xa hơn là giành vé dự Olympic dù vẫn biết cực kỳ khó khăn. Đương nhiên kỳ vọng giành huy chương Olympic Paris 2024 với đô cử người Bắc Ninh này là có và tất cả, từ Ban huấn luyện đến chính Trịnh Văn Vinh phải sẵn sàng trước kỳ vọng ấy. 4 tháng chuẩn bị cho Olympic Paris 2024 cũng đủ để một đô cử có bản lĩnh, có tố chất như Trịnh Văn Vinh có thể cải thiện thành tích so với mức 294kg tại Cúp thế giới 2024.

Quan trọng nhất vẫn là ngành thể thao phải có sự đầu tư đặc biệt từ chuyên gia vật lý trị liệu, bác sĩ riêng… cho Trịnh Văn Vinh. Từ đó, đô cử này mới đạt trạng thái tốt nhất để có thể hy vọng tranh chấp huy chương Olympic Paris 2024, điều đang quá thiếu với thể thao Việt Nam.

Thần tượng Hoàng Anh Tuấn

Đô cử Trịnh Văn Vinh cùng quê Quế Võ, Bắc Ninh với Hoàng Anh Tuấn - lực sĩ từng giành HCB Olympic 2008 ở hạng cân 56kg. Đô cử Trịnh Văn Vinh từng cho hay, Hoàng Anh Tuấn là thần tượng của anh. (Minh Khuê)

Minh Hà
.
.
.