Kinh tế thể thao và lát cắt từ giải đấu
Chỉ trong vài tháng, cụm từ “kinh tế thể thao” liên tục được nhắc đến với một số diễn đàn về vấn đề này, trong đó các giải đấu luôn được đề cao. Tất cả đã cho thấy những bước chuyển động tích cực, ít nhất về nhận thức của các nhà quản lý để đưa kinh tế thể thao thực sự xứng tầm với tiềm năng của thể thao Việt Nam.
Còn nhiều dư địa
Từ trước đến nay, ngành Thể thao vốn luôn được mặc định là “ngành tiêu tiền” trong khi những giá trị mà thể thao mang lại cho xã hội lại ít được đánh giá đúng tầm mức. Chỉ đến khi nhiều giải đấu thể thao chuyên nghiệp ra đời ở các môn bóng đá, bóng rổ, golf… thì nhận thức về việc “chỉ biết tiêu tiền” của ngành Thể thao mới được hãm lại. Và nhiều người cùng nhận ra rằng, nếu được đánh giá đúng mức và phát triển đúng với tiềm năng của thể thao Việt Nam thì kinh tế thể thao cũng sẽ giúp ngành Thể thao không chỉ “tiêu tiền” mà còn kiếm ra “tiền tươi, thóc thật”.
Mới đây tại diễn đàn “Phát huy tiềm năng của kinh tế thể thao trong thời kỳ mới”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương cũng khẳng định, kinh tế thể thao là lĩnh vực phát triển mạnh mẽ, mang lại giá trị kinh tế ở nhiều quốc gia lớn trên thế giới. Phát triển kinh tế thể thao không chỉ mang lại lợi ích cho ngành thể thao mà còn mang lại lợi ích, kích thích sự phát triển cho các ngành khác như du lịch, nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, khoa học - công nghệ, y tế, giáo dục.
Nếu có ví dụ để làm rõ ý kiến trên thì có thể lấy ngay hệ thống Giải cờ vua Đại kiện tướng – Kiện tướng quốc tế Hà Nội năm 2023 do Liên đoàn Cờ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức. Năm nay, giải đấu diễn ra trùng thời gian tổ chức diễn đàn “Phát huy tiềm năng của kinh tế thể thao trong thời kỳ mới”.
Tại hệ thống giải này năm nay, 22 kỳ thủ nước ngoài đã tham dự. Đi cùng họ là người thân, bạn bè, HLV. Nhiều VĐV trong số này đều chấp nhận đóng 250 USD lệ phí thi đấu mỗi giải của hệ thống Giải cờ vua Đại kiện tướng – Kiện tướng quốc tế Hà Nội năm 2023 (hệ thống có 2 giải diễn ra cuối tháng 5 và đầu tháng 6). Ngoài ra, số VĐV nước ngoài và người thân, HLV, bạn bè đi cùng cũng phải chi một khoản tiền ăn, ở, tham gia các hoạt động du lịch tại Thủ đô, một số tỉnh, thành lân cận. Ban tổ chức giải ước tính, khoản chi phí ăn, ở từ những VĐV nước ngoài, người thân, HLV, bạn bè cũng mang lại cho ngành du lịch, dịch vụ của Thủ đô lên tới hàng trăm triệu đồng. Không kể, nhiều hình ảnh về Thủ đô mà các kỳ thủ, người thân của họ đưa lên mạng xã hội cũng là cách quảng bá thú vị cho du lịch Hà Nội. Đó là những giá trị khác mà một giải đấu thể thao mang lại.
Tất nhiên, để hệ thống giải đấu với nguồn kinh phí tổ chức hoàn toàn xã hội hóa như vậy diễn ra cũng bắt nguồn từ việc gây dựng uy tín giải đấu cũng như thông tin quảng bá về Thủ đô, về phố cổ Hà Nội, các điểm đến du lịch ở nhiều tỉnh, thành gần Hà Nội của nhà tổ chức.
Đó cũng là những lý do để các kỳ thủ nước ngoài tìm đến và nhà tổ chức cũng có cơ sở để tính toán đúng lộ trình, đưa việc tổ chức từ lỗ vốn đến hòa vốn bên cạnh việc hỗ trợ các kỳ thủ Việt Nam có nhiều cơ hội giành chuẩn Đại kiện tướng quốc tế, Kiện tướng quốc tế, Kiện tướng FIDE... hay tăng hệ số elo quốc tế. Cũng không ngẫu nhiên, sau giải đấu ít ngày, một số kỳ thủ từ Indonesia đã xin “đặt chỗ” cho kỳ giải Đại kiện tướng – Kiện tướng quốc tế Hà Nội lần tới.
Tuy nhiên, như nhận định của nhiều chuyên gia tại diễn đàn “Phát huy tiềm năng của kinh tế thể thao trong thời kỳ mới”, và trước đó là tại Diễn đàn Thể thao Việt Nam lần thứ nhất (11/2022) thì ở Việt Nam, vì nhiều lý do khác nhau, hoạt động kinh tế thể thao chưa thực sự sôi động, còn đang ở dạng tiềm năng, chờ đợi những cơ hội đầu tư, khai phá nếu có chính sách kinh tế phù hợp.
Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm ở Việt Nam có đến 40.000 giải đấu thể thao từ chuyên nghiệp đến nghiệp dư ở tất cả các cấp độ. Và chỉ có số ít trong các giải đấu này vận hành mang hơi hướng “kinh tế thể thao” ở các môn bóng đá, bóng rổ, chạy bộ, bơi đường dài, ba môn phối hợp… thì chỉ càng cho thấy thị trường kinh tế thể thao của Việt Nam (ước tính khoảng 300 triệu USD) vẫn có nhiều dư địa phát triển mạnh.
Đặt đúng tầm mức
Thực tế, khái niệm “kinh tế thể thao” được nhắc đến từ lâu tại Việt Nam. Trong bài viết của mình vào năm 2012, cố Giáo sư, Tiến sĩ Dương Nghiệp Chí viết: “Kinh tế thể thao là lĩnh vực tiêu dùng đặc biệt của nền kinh tế quốc dân cung ứng dịch vụ (hoặc phục vụ) cho xã hội”.
Còn tại diễn đàn “Phát huy tiềm năng của kinh tế thể thao trong thời kỳ mới” vừa qua, các diễn giả cũng khẳng định, tới đây chúng ta nên có tư duy kinh tế thể thao cũng là một ngành kinh tế quan trọng. Khi đó nhận thức của toàn xã hội sẽ thay đổi, từ đó chúng ta sẽ có những điều chỉnh về chính sách của doanh nghiệp, người dân về thể thao.
Câu chuyện ở đây không chỉ nằm ở các nhà quản lý. Bởi ở khía cạnh tổ chức giải, các nhà tổ chức cũng phải có cách tiếp cận với khán giả, VĐV để cuối cùng là tăng sức hấp dẫn của giải. Từ đó làm rõ được khái niệm “kinh tế thể thao” trong toàn xã hội. Như chia sẻ của ông Trần Chu Sa - Giám đốc điều hành Giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam (VBA) thì: "Chúng tôi luôn phải đặt câu hỏi cho vấn đề khán giả thích gì ở giải đấu của mình, từ đó tìm ra câu trả lời để phục vụ khán giả, giữ họ ở lại với mình.
Như việc khán giả bóng rổ có độ tuổi rất trẻ nên chúng tôi cũng phải chú trọng phát hành giải đấu trên nền tảng online thay vì chỉ truyền hình. Hay với giải bóng rổ chuyên nghiệp sân đấu 3 người - VBA 3x3, chúng tôi đưa giải đấu ra các phố đi bộ, quảng trường... và đây cũng là phương án giúp chúng tôi dễ tiếp cận với khán giả. Chúng tôi luôn xác định ngoài yếu tố thể thao, VBA còn là để giải trí, và sẵn sàng cạnh tranh với những hoạt động như phim ảnh, ẩm thực, du lịch...".
Trong khi đó, ông Bùi Vinh - phụ trách điều hành hệ thống Giải cờ vua Đại kiện tướng – Kiện tướng quốc tế Hà Nội cũng cho rằng, yếu tố đầu tiên thu hút kỳ thủ nước ngoài chính là chất lượng giải đấu bên cạnh truyền thông về điểm đến, nơi diễn ra giải. Có thể các kỳ giải sau, chúng tôi kết hợp tổ chức tại Hà Nội rồi Quảng Ninh, Ninh Bình – những tỉnh thường thu hút khách du lịch quốc tế tại Việt Nam. Điều đó được kỳ vọng sẽ giữ được sức hấp dẫn của giải.
Rõ ràng, đặt kinh tế thể thao đúng tầm mức không chỉ là hô hào, tổ chức hội thảo, diễn đàn để tác động đến nhận thức của toàn xã hội rồi thôi. Ở đây, còn cần những ví dụ cụ thể từ những giải đấu cụ thể, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho toàn xã hội để thấy vai trò của kinh tế thể thao quan trọng thế nào trong nền kinh tế nói chung.
Những con số biết nói
Những ví dụ trên thế giới đều chỉ ra rằng, kinh tế thể thao đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế đất nước. Như ở Mỹ, kinh tế thể thao chiếm 2,4% Tổng sản phẩm nội địa (GDP), hay ở Trung Quốc là 1,2% GDP. (Minh Khuê)