Giới thiệu không gian văn hóa cồng chiêng đến với du khách gần xa
Ngày 14/5, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức chương trình biểu diễn văn hóa cồng chiêng với chủ đề "Vang mãi giữa đại ngàn".
Chương trình gồm nhiều tiết mục đặc sắc như: Hòa tấu dàn chiêng Knăh với bài Iêô Wit H’gum (gọi về sum họp); múa vỗ tay chào đón các vị khách quý trên nền nhạc Chi ri ria, hòa tấu chiêng Jhô.
Xuyên suốt chương trình, khán giả được thưởng thức ca khúc vui nhộn "Ơi chim K’Ta", hòa tấu chiêng Jhô "Mừng mùa", hòa tấu nhạc cụ dân tộc "Vang mãi giữa đại ngàn"; tốp ca và tốp nhạc cụ bài "Đêm xoang Ban Mê"; hòa tấu chiêng Jhô và múa cúng bến nước, hòa tấu nhạc cụ dân tộc "Lời của đại ngàn"...
Kết thúc chương trình, nghệ sĩ, nghệ nhân, khán giả cùng nắm bàn tay, nối rộng vòng và hát múa xoang bài "Còn thương nhau thì về Buôn Ma Thuột"...
Thông qua chương trình, du khách xa gần đã biết đến dàn chiêng Knăh, bộ chiêng quý Jhô và trống Hơ gơ của người phụ nữ nhánh Ê Đê Bih ở huyện Krông Ana, những điệu múa dân gian truyền thống,...
Từ đó, người dân trong tỉnh và du khách gần xa đã hiểu hơn về nhạc cụ dân gian Tây Nguyên, những điệu múa dân gian truyền thống, ca khúc ca ngợi giá trị lao động sản xuất và tình yêu quê hương của nhân dân 49 dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Tất cả đã tạo nên giá trị văn hóa phi vật thể đặc trưng riêng, độc đáo, đặc sắc, đầy sức hút.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Đặng Gia Duẩn cho biết, chương trình biểu diễn văn hóa cồng chiêng phục vụ nhân dân và khách du lịch được Sở tổ chức từ năm 2017, duy trì 2 chương trình/tháng.
Tuy nhiên, từ năm 2020 đến đầu năm 2022, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chương trình tạm dừng đến nay mới tái khởi động. Tín hiệu vui là chương trình đã thu hút rất nhiều du khách đến từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số du khách châu Âu như Bỉ, Anh… đến thưởng thức chương trình.
Chương trình là hoạt động quan trọng, giới thiệu đến công chúng, du khách giá trị độc đáo của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk. Điểm mới của chương trình biểu diễn văn hóa cồng chiêng lần này là có những tác phẩm mới, khai thác chất liệu âm nhạc dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Ngoài nghệ sĩ thì có các nghệ nhân ở huyện Krông Ana lên biểu diễn trực tiếp. Ban tổ chức cũng thay đổi hình thức tổ chức và sân khấu để thu hút du khách.
Chương trình sẽ tiếp tục diễn ra định kỳ vào 20 giờ thứ bảy của tuần thứ 2 và tuần cuối mỗi tháng; mở cửa tự do cho khán giả tham dự. Qua đó, chương trình hướng tới trở thành sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc văn hóa Tây Nguyên, góp phần bảo tồn và quảng bá không gian văn hóa cồng chiêng, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa của nhân dân trong tỉnh và khách du lịch.