Du lịch Việt Nam phấn đấu đóng góp trực tiếp 8 - 9% trong GDP năm 2025

Thứ Sáu, 18/10/2024, 16:57

Năm 2025, du lịch Việt Nam phấn đấu đón từ 25 - 28 triệu lượt khách quốc tế; 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8 - 9%/năm, đóng góp trực tiếp 8 - 9% trong GDP.

Đây là một số mục tiêu cụ thể của du lịch Việt Nam được đặt ra trong Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) công bố vào ngày 18/10, tại hội nghị công bố quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao và hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến tại trụ sở Bộ VHTTDL và các điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo quy hoạch hệ thống du lịch được công bố, đến năm 2025, Việt Nam phấn đấu trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên thế giới. Đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh; trở thành điểm đến có năng lực phát triển hàng đầu thế giới.

Du lịch Việt Nam phấn đấu đóng góp trực tiếp 8 - 9% trong GDP năm 2025 -0
Hội nghị công bố quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao và hệ thống du lịch ngày 18/10. (ảnh: Trần Huấn)

Quy hoạch cũng đặt mục tiêu, đến năm 2025, du lịch Việt Nam tạo ra khoảng 6,3 triệu việc làm, trong đó khoảng 2,1 triệu việc làm trực tiếp; đến năm 2030 tạo ra khoảng 10,5 triệu việc làm, trong đó khoảng 3,5 triệu việc làm trực tiếp. Du lịch góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, tạo sinh kế cho cộng đồng, góp phần thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu quốc gia; nâng cao dân trí và đời sống tinh thần của người dân. Phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ môi trường; ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Đến năm 2030, 100% các khu, điểm du lịch; các cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy. Về an ninh, quốc phòng, du lịch góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, giữ vững an ninh, trật tự và an toàn xã hội.

Du lịch Việt Nam phấn đấu đóng góp trực tiếp 8 - 9% trong GDP năm 2025 -0
Hội nghị tổ chức trực tuyến tới các tỉnh, thành phố.

Quy hoạch xác định phát triển không gian du lịch Việt Nam gồm 6 vùng: Trung du và Miền núi phía Bắc; Đồng bằng sông Hồng; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; Tây Nguyên; Đông Nam Bộ; Đồng bằng Sông Cửu Long. Các vùng phát triển các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác thế mạnh từ cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái, bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo, đa dạng.

Quy hoạch xác định hình thành 3 cực tăng trưởng du lịch chủ đạo gắn với các cực tăng trưởng quốc gia, gồm: Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng. 11 trung tâm du lịch gắn với các đô thị có tiềm năng và lợi thế nổi trội, gồm: Hạ Long (Quảng Ninh), Ninh Bình (Ninh Bình), Huế (Thừa Thiên - Huế), Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Quy Nhơn (Bình Định), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng), Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang)…Dự kiến, tổng nhu cầu đầu tư khoảng 3.600 nghìn tỷ đồng, tương đương 160 tỷ USD, theo tỷ giá hiện hành; trong đó: nguồn vốn từ ngân sách nhà nước chiếm 3% - 5% (bao gồm cả vốn ODA); nguồn vốn huy động từ khu vực tư nhân chiếm 95% - 97% (bao gồm cả vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài). Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 1.600 nghìn tỷ đồng và giai đoạn 2026-2030 khoảng 2.000 nghìn tỷ đồng.

Du lịch Việt Nam phấn đấu đóng góp trực tiếp 8 - 9% trong GDP năm 2025 -0
Phát triển du lịch được kỳ vọng tạo ra khoảng 6,3 triệu việc làm vào năm 2025.

Cũng tại hội nghị, Bộ VHTTDL đã công bố Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, quy hoạch có mục tiêu phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa, thể dục thể thao quốc gia đồng bộ, hiện đại. Mạng lưới cơ sở văn hoá có bản sắc, hướng đến xây dựng hình ảnh quốc gia gắn với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại, đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định và nhu cầu thực tiễn. Mạng lưới cơ sở thể dục thể thao đáp ứng nhu cầu tập luyện và hưởng thụ của nhân dân; yêu cầu tập luyện và thi đấu, đủ điều kiện tổ chức các sự kiện thể thao có quy mô lớn ở khu vực và châu lục. Phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao gắn với cơ chế thị trường, là nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa và kinh tế thể thao. Hình thành các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của xã hội, phục vụ học tập, rèn luyện suốt đời của người dân, góp phần xây dựng xã hội học tập và nâng cao chất lượng cuộc sống.

N.Hoa
.
.
.