Du lịch Hà Nội sẵn sàng đón khách trở lại

Thứ Hai, 11/10/2021, 06:57

Dự đoán có thể đón khách trở lại trong quý IV năm 2021, du lịch Hà Nội đang tích cực chuẩn bị các điều kiện nhằm vừa phục hồi hoạt động vừa đảm bảo an toàn, đáp ứng các yêu cầu phòng, chống COVID-19.

Bà Nguyễn Thị Yến, Trưởng phòng Hướng dẫn - thuyết minh, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết, hiện tại, đơn vị đã triển khai rà soát lại toàn bộ di tích trong khu di sản, đảm bảo môi trường “xanh”, thân thiện. Các cửa đón tiếp khách tham quan đều trang bị hệ thống để khách đến di sản quét QR code khai báo y tế và các yêu cầu khác về phòng, chống dịch.

Trước đó, ngay trong thời gian đóng cửa để thực hiện giãn cách nhằm phục vụ yêu cầu phòng, chống dịch, trung tâm đã triển khai nhiều phương thưc tiếp cận mới đối với du khách, từ tuyên truyền quảng bá trên mạng xã hội, fanpage, website của trung tâm cho đến các video trên YouTube. Các ứng dụng thuyết minh tự động trên điện thoại thông minh giúp du khách trong và ngoài nước có thể tiếp cận di sản mọi lúc mọi nơi.

Bà Trần Thị Thuý Lan, Phó trưởng Ban quản lý Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội cũng chia sẻ, trong khoảng thời gian không đón khách tham quan, Ban quản lý vẫn chuẩn bị các điều kiện để các điểm di tích có thể đón khách ngay khi du lịch phục hồi hoạt động. Đặc biệt, Ban quản lý đã thực hiện các app mới nhằm giới thiệu điểm đến cho du khách.

Ngay cả người khiếm thị cũng có thể đi du lịch bằng app, tiếp cận được thông tin về di tích thông qua các sản phẩm bằng âm thanh. Thời điểm dịch bệnh căng thẳng, Ban quản lý vẫn có các hoạt động, tổ chức bằng hình thức trực tuyến như giao lưu, hướng dẫn làm đồ chơi trung thu của các nghệ nhân các làng nghề truyền thống nổi tiếng với học sinh của một số trường trên địa bàn Hà Nội.

Để mở cửa đón khách, Ban quản lý đã xây dựng kế hoạch riêng, theo đó mỗi điểm đến đều phải đảm bảo an toàn, có thêm các điều kiện khác so với bình thường như yêu cầu khách sử dụng app để khai báo y tế… Hiện tại, Ban quản lý đang phối hợp một số đơn vị lữ hành giới thiệu các điểm đến dưới hình thức trải nghiệm trực tuyến dành cho khách trong thời gian đóng cửa di tích để chống dịch hoặc Hà Nội đã cho phép mở cửa đón khách nhưng vẫn hạn chế người tham quan cùng lúc.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Hà Nội, ông Trương Quốc Hùng nhận định, muốn phục hồi du lịch thì Hà Nội cũng như các địa phương khác là cần có sự phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Du lịch Việt Nam, với Sở Y tế địa phương để xây dựng, ban hành bộ tiêu chí thống nhất về du lịch an toàn.

Khi các điểm đến có bộ tiêu chí chung, có đầu mối chung và triển khai kích cầu du lịch, doanh nghiệp, các đơn vị tiếp cận theo đầu mối chung này sẽ đỡ lúng túng. Khách du lịch cũng có thể chủ động cập nhật thông tin, tình hình về du lịch địa phương qua cổng thông tin quy định sẵn…

Trao đổi quanh việc phục hồi du lịch Thủ đô, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội bà Đặng Hương Giang cho biết: Dựa trên tình hình thực tế hiện nay, cùng với tổng hợp các dự báo về xu hướng phục hồi du lịch cuối năm 2021, đầu năm 2022 của các tổ chức, chuyên gia trong nước và quốc tế, Sở Du lịch đã xây dựng xong Kế hoạch phục hồi, phát triển hoạt động du lịch Thủ đô Hà Nội gắn với phòng, chống dịch COVID-19 trong quý IV năm 2021 và đang báo cáo UBND TP xem xét, ban hành...

Cũng theo bà Đặng Hương Giang, hiện nay, nhiều khu, điểm di tích văn hóa, lịch sử đã triển khai làm mới các sản phẩm du lịch trên cơ sở các sản phẩm du lịch truyền thống của đơn vị, tạo hiệu ứng và tiếng vang rất tốt như các tour du lịch đêm “Đêm thiêng liêng - sáng ngời tinh thần Việt”, “Sống như những đóa hoa” của Khu di tích nhà tù Hỏa Lò; “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” của Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long.

Nhiều điểm đến vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng đang chuẩn bị đưa vào các sản phẩm du lịch mới, độc đáo như: Tây Hồ với sản phẩm “Hà Nội 12 mùa hoa”, dịch vụ bay dù lượn tại Chương Mỹ; Bảo tàng Dân tộc học với các hoạt động trải nghiệm văn hóa của các đồng bào dân tộc thiểu số và các ngày Lễ hội trong năm, Lễ hội “Hoa Dã Quỳ” ở Vườn Quốc gia Ba Vì…

Các đơn vị lữ hành cũng đang xây dựng các tour du lịch, caravan khép kín trên các cung đường xanh, điểm đến xanh... Ngoài ra, các đơn vị khu, điểm du lịch còn  tích cực ứng dụng công nghệ 3D, thực tế ảo, FLYCAM, 360 trong phát triển sản phẩm du lịch mới nhằm đưa ra các sản phẩm du lịch độc đáo, trực tuyến, không tiếp xúc. Di tíchVăn Miếu - Quốc Tử Giám ứng dụng công nghệ 360 độ số hóa bia tư liệu, tài liệu lịch sử.

Khu di tích Hoàng thành Thăng Long và Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội đã ứng dụng công nghệ thực tế ảo để tổ chức các chương trình triển lãm, nghệ thuật trực tuyến… Các cơ sở lưu trú cũng đang tích cực ứng dụng công nghệ trong hoạt động đặt phòng và khai báo y tế. Hầu hết các đơn vị cơ sở lưu trú đã đăng ký và tham gia khai báo, đánh giá an toàn thường xuyên trên hệ thống safe.tourism.com.vn…

N.H
.
.
.