Du lịch Cố đô Huế hút khách ngay sau mở cửa

Chủ Nhật, 27/03/2022, 08:14

Ngành Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế đang triển khai nhiều chương trình nghệ thuật độc đáo, mới lạ để thu hút khách quốc tế và nội địa đến Huế. Theo đó, từ ngày 20/3, khi đến tham quan khu di sản Huế, du khách sẽ được thưởng thức những chương trình nghệ thuật mang đậm chất cung đình và Huế xưa…

Các hoạt động biểu diễn và tái hiện các hoạt động nghệ thuật tại khu di sản Huế nằm trong chương trình kích cầu du lịch năm 2022. Du khách khi tham quan Hoàng cung sẽ được trải nghiệm miễn phí tái hiện các nghi thức và hoạt động chốn cung đình xưa qua các chương trình nghệ thuật, như: Lễ đổi gác, Chương trình Âm sắc cung đình và Huế xưa, Biểu diễn ca Huế, Trình diễn trích đoạn tuồng Cung đình…

kichcau.jpg -0
Lễ đổi gác được tái hiện trong Hoàng cung Huế thu hút du khách.

Các chương trình này do Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích (BTDT) Cố đô Huế tổ chức hàng ngày. Để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách và các đơn vị lữ hành, đơn vị quản lý di tích cũng đã sắp xếp, bố trí thời gian biểu diễn trải đều vào nhiều thời điểm khác nhau để du khách dễ dàng lựa chọn.

Một trong những chương trình ấn tượng nhất với du khách là lễ đổi gác được tổ chức từ 8h30 - 9h phía trước Ngọ Môn, Đại nội Huế. Trong cung điện của triều Nguyễn xưa, luôn luôn có 2 lực lượng bảo vệ làm nhiệm vụ gác và canh tuần. Lễ đổi gác đã từng được phục hiện trong các dịp lễ trọng trước đây, đôi khi có cả “vua” ngự. Vì vậy, từ khi bắt đầu nghi lễ cho đến khi đoàn lính gác vừa được đổi ca về đến hậu viện, không gian của buổi lễ rất đặc biệt và trang trọng trong bài tấu “Đăng đàn cung” - một tác phẩm thuộc Nhã nhạc cung đình Huế. Trong tổ chức của đội tham gia nghi lễ đổi gác những dịp này còn có cả đại diện của “quan văn”, “quan võ” để điều khiển đội hình (thường thì chỉ cần người đội trưởng của đội gác). Chị Trần Thục Anh, một du khách đến từ TP Hà Nội, chia sẻ: “Sau khi xem chương trình nghệ thuật tái hiện lễ đổi gác, tôi rất ấn tượng. Qua lễ hội này, tôi cũng như các bạn đi du lịch đến Huế lần này được hiểu thêm về nếp sống trong cung đình xưa của triều Nguyễn”. Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm BTDT Cố đô Huế cho biết, với các chương trình nghệ thuật độc đáo vừa được tái hiện, thời gian qua, lượng khách đến với di sản Huế đã có sự tăng trưởng đáng khích lệ. Chỉ trong 10 ngày qua, tính từ thời điểm mở cửa du lịch, từ 15/3 đến ngày 25/3, di sản Huế đã đón hơn 16.000 lượt khách quốc tế và nội địa tham quan; doanh thu khoảng 2,5 tỷ đồng.

Bên cạnh tái hiện các lễ hội, chương trình nghệ thuật trong khu di sản; Huế vừa thí điểm thử nghiệm ứng dụng dịch vụ xe đạp chia sẻ công cộng nhằm lan tỏa hình thức đi xe đạp tại TP Huế như một phong trào hiện đại, văn minh vì môi trường và cải thiện sức khỏe của người dân, du khách cũng như quảng bá giá trị di sản Huế… Trong giai đoạn đầu, UBND TP Huế sẽ thí điểm các trạm xe tại 7 địa điểm gồm: Eo bầu Nam Xương, Eo bầu Nam Thắng, Công viên Nguyễn Văn Trỗi (đường Đoàn Thị Điểm), Bến thuyền Tòa Khâm, Công viên Nghênh Lương Đình, bãi xe bên cạnh Bảo tàng Hồ Chí Minh và số 11 Lê Lợi (phố đi bộ, cạnh nhà hàng Festival). Toàn bộ hệ thống dịch vụ xe đạp chia sẻ công cộng này sẽ được quản lý, vận hành bằng công nghệ IT thông qua một app dùng chung. Thủ tục và cách thức đăng ký, đăng nhập và nhận xe cũng khá dễ dàng, nhanh chóng, tiện lợi. Xe đạp tại các trạm sẽ có khóa thông minh QR có định vị GPS cho phép người dùng đóng/mở xe với QR Code. Người dùng có thể sử dụng ứng dụng trên điện thoại thông minh để tìm, đặt xe sử dụng và thanh toán điện tử. Ông Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết thêm, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch thực hiện mở cửa hoàn toàn đón khách quốc tế và nội địa và phục hồi, kích cầu du lịch. Trong đó, chuẩn bị cơ sở vật chất kỹ thuật đón khách của các doanh nghiệp du lịch; định hướng phát triển các loại hình sản phẩm du lịch bền vững, du lịch an toàn, du lịch gắn với thiên nhiên và bảo vệ sức khỏe.

Hiện tại, tỉnh Thừa Thiên-Huế đang tăng cường liên kết đẩy mạnh hợp tác giữa các điểm du lịch, vùng liên kết du lịch và các địa phương du lịch nhằm hỗ trợ và nâng cao giá trị các điểm đến du lịch để đón khách trong trạng thái bình thường mới. 

Quảng Nam công bố “Bộ tiêu chí Du lịch xanh”

Ngày 26/3, tại TP Hội An, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức lễ công bố “Bộ tiêu chí Du lịch xanh Quảng Nam”. Ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Quảng Nam là tỉnh đầu tiên trong cả nước ban hành “Bộ tiêu chí Du lịch xanh”, lan tỏa giá trị của sản phẩm, nâng cao nhận thức của cộng đồng du khách khi hưởng thụ sản phẩm du lịch. Đồng thời, xây dựng bền vững thương hiệu xanh cho ngành du lịch của Quảng Nam…

Theo ông Trần Văn Tân, Quảng Nam là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch, điểm đến hấp dẫn của đông đảo du khách trong và ngoài nước. UBND tỉnh đã đặt mục tiêu xây dựng sản phẩm Du lịch xanh là thương hiệu của ngành du lịch Quảng Nam. Do vậy, các sản phẩm Du lịch xanh sẽ dựa trên các tiêu chí đã ban hành, được du khách quốc tế và trong nước tích cực đón nhận. Tỉnh Quảng Nam đang xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp và huy động nguồn lực cho phát triển Du lịch xanh dựa theo 3 yếu tố: Đảm bảo phát triển bền vững; gắn với bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của Quảng Nam và nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nói chung.

Trong khuôn khổ các sự kiện của Năm Du lịch quốc gia 2022, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo Quảng Nam phát triển Du lịch xanh – Gìn giữ giá trị bản địa.

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định: Việc công bố Bộ tiêu chí Du lịch xanh Quảng Nam và tổ chức hội thảo Quảng Nam phát triển Du lịch xanh - Gìn giữ giá trị bản địa, đúng vào dịp Quảng Nam đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2022 là hành động thiết thực để phục hồi và phát triển ngành du lịch Quảng Nam sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Quảng Nam chọn Du lịch xanh, bởi đây là xu hướng của thế giới; làm mới sản phẩm du lịch; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa; bảo vệ tài nguyên tự nhiên; thích ứng biến đổi khí hậu; trách nhiệm; sử dụng năng lượng hiệu quả. (Hoài Thu)

Hải Lan
.
.
.