Điện ảnh Việt Nam về đâu trong thế giới phẳng

Thứ Hai, 14/09/2015, 18:59
Điểm qua thị trường phim Việt vài năm trở lại đây, có thể thấy điện ảnh nước nhà đã có sự phát triển vượt bậc trên diện rộng. Nếu năm 2004, cả nước chỉ có 1 phim điện ảnh tư nhân duy nhất (“Những cô gái chân dài” do hãng phim Thiên Ngân sản xuất) thì chỉ nửa đầu năm 2015, số phim Việt ra rạp đã lên tới hơn 20 phim, trong đó 95 % là phim do tư nhân đầu tư sản xuất. Cuộc trò chuyện với bà Đinh Thanh Hương, tổng giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông và Giải trí Galaxy cho thấy nhiều điều đáng suy nghĩ về một chặng đường phát triển của điện ảnh Việt Nam.

PV: Chỉ còn 19 ngày nữa là bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” sẽ chính thức công chiếu. Bà có kỳ vọng nhiều về doanh thu của bộ phim “nóng từ khi chưa ra rạp” này không?

Bà ĐTTH:Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là một bộ phim đặc biệt nên doanh thu không phải là điều chúng tôi kỳ vọng nhất ở đây, nhưng dư luận về phim hiện nay đang rất tốt và tôi tin rằng “hữu xạ tự nhiên hương”.

Bà Đinh Thị Thanh Hương.

PV: Từ trước tới nay, Galaxy là một công ty tư nhân chỉ chuyên sản xuất phim thương mại, nhưng riêng với bộ phim này lại không đặt nặng doanh thu, thì là vì mục đích gì thưa bà?

Bà ĐTTH: 11 năm trước, Galaxy là nhà sản xuất tư nhân đầu tiên bỏ vốn ra làm phim “Những cô gái chân dài” khi thị trường điện ảnh Việt Nam còn rất manh nha, lúc đó, chưa có gì bảo đảm về doanh thu hết, nhưng chúng tôi vẫn làm. Năm 2011, Galaxy lại đầu tư làm phim 3D đầu tiên ở Việt Nam với kinh phí tới triệu đô. Năm nay, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là một bộ phim về những đứa trẻ miền quê, cũng thuộc dạng đề tài “mạo hiểm” cho phim thị trường. Tuy nhiên, ở mỗi giai đoạn, thị trường cần có những cú hích xứng đáng để phát triển lên vượt bậc, những lúc như vậy thì doanh thu không phải là chuyện quan trọng nhất.

PV: Điều gì ở bộ phim này khiến bà nghĩ nó sẽ là một cú hích xứng đáng cho thị trường phát triển?

Bà ĐTTH: Một thực tế là điện ảnh Việt Nam trước nay phân luồng rất rõ. Phim nhà nước đầu tư đặt nặng mục đích tuyên truyền giáo dục, hoặc để gửi đi liên hoan phim tranh giải. Phim tư nhân thì giải trí làm đầu, kéo càng nhiều khán giả đến rạp càng tốt. Cả hai định hướng này như hai nhánh rẽ ngày càng xa nhau. “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” mở ra sự hợp tác giữa nhà nước và tư nhân, hợp lưu của hai dòng sông lớn thì sẽ mạnh mẽ hơn rất nhiều.

PV: Phim thị trường và phim nghệ thuật rất khác nhau trong cách thể hiện, ví dụ phim nghệ thuật của đạo diễn Kim Ki Duk thì chính dân Hàn Quốc lại xem rất ít và doanh thu thấp. Bà có e sợ rằng mong muốn hợp lưu giữa nghệ thuật và thương mại có thể sẽ sa vào con đường duy ý chí hay không?

Bà ĐTTH: Không nên hiểu hợp tác giữa điện ảnh nhà nước và tư nhân là pha trộn giữa nghệ thuật với thương mại. Ở đây nó mở ra cái mốc quan trọng, khi tư nhân cũng có thể đầu tư để phát triển nghệ thuật và nhà nước thì quan tâm hơn tới nhu cầu người xem. Nhưng điều mà chúng tôi kỳ vọng vào Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh  thậm chí còn cao hơn cả sự hợp tác này.

PV: Thật thú vị. Vậy nó có thể là điều gì nữa, thưa bà?

Bà ĐTTH: Trong những lần mời khán giả xem thử để góp ý kiến cho bộ phim, hay đọc nhận xét về trailer của phim trên mạng, chúng tôi rất mừng. Rất nhiều người xem đã khóc vì xúc động, điểm đánh giá bộ phim lên rất cao, trung bình là 8.7/10. Điều này làm chúng tôi tin mình đã đi đúng hướng. Nếu bộ phim thành công về doanh thu thì chúng tôi sẽ vô cùng hạnh phúc, nhưng không phải vì tiền, mà vì niềm tin vào tình người, vào những cảm xúc trong trẻo, hồn nhiên của con người đã thắng. Một bộ phim làm người ta muốn sống tốt đẹp hơn, đấy là điều mà bất kỳ nhà làm phim nào cũng mơ ước. Nếu thành công, đây sẽ là một cú hích để phim Việt biến chuyển về chất.

PV: Là một nhà sản xuất giàu kinh nghiệm, bà nghĩ thế nào về phát triển của điện ảnh Việt Nam trong tương lai “thế giới phẳng”, khi phim ngoại tràn ngập và rất dễ tiếp cận?   

Bà ĐTTH: Tôi rất ấn tượng khi đọc tin về thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sau 3 phút trò chuyện đã quyết định cấp cho nhà toán học trẻ Nguyễn Bá Hải kinh phí triệu đô để phát triển dự án Mắt thần, làm kính dẫn đường cho người khiếm thị. Điều này làm cho tôi liên tưởng đến việc làm phim ở Việt Nam. Trình độ và kinh phí mà các nước trên thế giới rót vào khoa học, hay điện ảnh của họ là hầu như không thể so sánh với Việt Nam. Cho nên, nếu chỉ nhìn vào kinh phí, doanh thu hay cơ sở vật chất của mình thì sẽ mặc cảm mà không thể phát triển được. Tôi tự hào vì dù ít ỏi, nhưng chúng tôi sống chết với những sản phẩm made in Việt Nam và cố gắng hoàn thiện nó mỗi ngày một tốt hơn cho người Việt mình. Tôi tin nếu động cơ phát triển không phải đi từ doanh thu, mà vì con người thì điện ảnh Việt Nam sẽ vẫn có chỗ đứng vững chắc không gì thay thế được trong “thế giới phẳng”.

PV: Xin cảm ơn bà.

PV
.
.
.