Đấu kiếm và nỗi lo thực chiến

Thứ Năm, 24/02/2022, 06:09

Từng có lúc vững vàng ở vị trí dẫn đầu khu vực Đông Nam Á nhưng ngay ở SEA Games 31 tới trên sân nhà, các kiếm thủ Việt Nam lại đang đứng trước nguy cơ không thể chiếm ngôi đầu bảng tổng sắp huy chương. Không thi đấu, tập huấn quốc tế trong thời gian dài thực sự là rào cản với đội tuyển đấu kiếm Việt Nam dù các HLV, VĐV thừa quyết tâm.

Nhiều kỳ vọng

Hồi giữa tháng 2, trong lần làm việc với Tổng cục TDTT và các thành viên trong Tiểu ban chuyên môn kỹ thuật SEA Games 31về công tác chuẩn bị cho SEA Games 31, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương có yêu cầu đội tuyển các môn võ thuật, trong đó có đấu kiếm, là những môn thể thao thế mạnh của thể thao Việt Nam từ nhiều năm nay tại các kỳ SEA Games, phải nỗ lực và làm tốt hơn khả năng của mình. Thành tích chắc chắn phải cao hơn các kỳ Đại hội trước.

vũ thành an.jpg -0
Kiếm thủ Vũ Thành An sau khi lên ngôi vô địch tại SEA Games 30.

Đối với đội tuyển đấu kiếm Việt Nam, thành tích tại các kỳ SEA Games gần đây vẫn là điểm nhấn đáng kể dù luôn trong cảnh ít thi đấu quốc tế, thiếu trang thiết bị tập luyện. Như ở SEA Games 28 năm 2017 tại Malaysia, đội tuyển giành 8 HCV trong 12 nội dung thi đấu. Đến SEA Games 29 tại Malaysia, đội cũng giành 3 HCV trong 6 nội dung thi đấu.

Gần đây nhất, ở SEA Games 30 tại Philippines, đội tuyển đấu kiếm Việt Nam cũng hoàn thành nhiệm vụ với việc giành 4 HCV ở nội dung cá nhân, đồng đội nội dung kiếm chém, kiếm 3 cạnh nam.

Nếu chỉ nhìn vào thành tích ấy, đương nhiên đấu kiếm Việt Nam được xem là thế mạnh của Đoàn thể thao Việt Nam. Đã vậy, SEA Games 31 lại diễn ra ngay tại Việt Nam nên những môn thế mạnh như đấu kiếm càng được chú trọng trong cuộc đua giành HCV cho Đoàn thể thao Việt Nam, qua đó hoàn thành chỉ tiêu giành ngôi Nhất toàn đoàn. Thế nên, nếu các nhà lãnh đạo ngành Thể thao đặt kỳ vọng vào đội tuyển đấu kiếm ở SEA Games 31 thì cũng không phải chuyện lạ.

Chính người trong cuộc cũng hiểu rõ điều này. Có lần HLV trưởng đội tuyển đấu kiếm Việt Nam Phạm Anh Tuấn kể rằng, từng lăn lộn với môn đấu kiếm hàng chục năm nay nên càng hiểu rõ kỳ vọng cho các kiếm thủ Việt Nam ở sân chơi Đông Nam Á. Trong quan niệm và suy nghĩ của nhiều người, đấu kiếm Việt Nam đương nhiên phải dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương ở mỗi kỳ SEA Games. Tất nhiên, kỳ vọng cũng là áp lực với người làm chuyên môn, từ các HLV đến các VĐV.

Còn kiếm thủ Vũ Thành An cũng từng bảo rằng, với một kiếm thủ giành nhiều HCV ở Đông Nam Á, từng giành vé dự Olympic thì cũng quen với kỳ vọng phải luôn giành HCV trong mỗi kỳ tham dự SEA Games.

Cũng vì thế, dù đội tuyển đấu kiếm đăng ký giành 3 HCV tại SEA Games 31, thì nhiều người vẫn kỳ vọng họ có thể làm nhiều hơn thế, đặc biệt, tại SEA Games 31 có tới 12 nội dung thi đấu trong môn đấu kiếm. Chẳng biết may hay rủi nhưng tại SEA Games 30, dù giành 4 HCV nhưng đội tuyển Việt Nam vẫn chỉ xếp Nhì trên bảng tổng sắp huy chương môn đấu kiếm do thua Singapore về số HCB. Cho nên, cũng ít kỳ vọng hơn vào việc đội tuyển đương nhiên xếp Nhất trên bảng tống sắp huy chương tại SEA Games tới.

Không dễ đáp ứng

Nói như người trong cuộc thì có ở trong cuộc chơi mới thấy hết cái khó của đấu kiếm Việt Nam ở SEA Games tới, kể cả khi sự kiện này diễn ra tại Việt Nam. Rõ nhất là hiện nay các kiếm thủ đang thiếu hẳn yếu tố thực chiến trong quá trình chuẩn bị SEA Games 31.

Năm 2021, do ảnh hưởng của COVID-19, giải vô địch đấu kiếm quốc gia bị hủy tổ chức vào tháng 12 do điểm tổ chức là Hà Nội bùng phát các ca COVID-19. Chỉ trước giải 1-2 ngày, các HLV, VĐV trong đó có VĐV Hà Nội trong thành phần đội tuyển quốc gia còn háo hức chuẩn bị dự giải để có cơ hội cọ xát sau thời gian dài chỉ tập chay để bảo đảm an toàn trước dịch COVID-19. Giải không được tổ chức cũng đồng nghĩa nhiều VĐV đội tuyển quốc gia không có cơ hội để kiểm nghiệm phong độ của mình. Cuối cùng, các HLV, VĐV cũng chỉ có thể đánh giá tương đối phong độ của VĐV.

Trong khi đó, ở đấu trường quốc tế, các kiếm thủ Việt Nam cũng chỉ được dự vòng loại Olympic Tokyo 2020 khu vực châu Á tại Uzbekistan. Dự một giải đấu quốc tế trong khi không thể thi đấu trong nước vì dịch COVID-19 là quá ít để đáp ứng yếu tố thực chiến trong thể thao, yếu tố quan trọng nhất để nâng cao trình độ hoặc ít nhất là giữ phong độ cho VĐV.

Đến năm 2022, đội tuyển đấu kiếm Việt Nam đã tập trung từ ngày 1-1 tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Từ đó đến nay, các VĐV của đội tuyển cũng chưa dự giải quốc tế hay trong nước. Và trước mắt, các tuyển thủ cũng chưa có lịch thi đấu quốc tế cho đến SEA Games 31. Mục tiêu khả dĩ của đội tuyển hiện tại vẫn là thực hiện trọn vẹn chuyến tập huấn tại Hàn Quốc  từ ngày 29-3 tới 30-4.

Theo phụ trách bộ môn đấu kiếm (Tổng cục TDTT) Phùng Lê Quang, khi tập huấn, VĐV sẽ được cọ xát với các VĐV Hàn Quốc – vốn ở đẳng cấp hàng đầu thế giới nên là cơ hội tốt rèn về chuyên môn. Vì thế, chuyến tập huấn này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giúp VĐV lấy lại cảm giác thi đấu.

Còn vào đầu tuần này, khi đề cập đến quá trình chuẩn bị cho SEA Games 31, HLV trưởng đội tuyển đấu kiếm Việt Nam Phạm Anh Tuấn cũng nói rằng rất hy vọng chuyến tập luyện tại Hàn Quốc diễn ra để giúp ích cho từng tuyển thủ. Còn gần đây, dù đội tuyển có đi tập huấn tại Tam Đảo để rèn thể lực, thay đổi không khí thì cũng chỉ có thể giải quyết phần nào vấn đề chuyên môn. Vấn đề cọ xát thi đấu mới thực sự quan trọng, quyết định đến thành bại của đội tuyển.

Tuy nhiên, những vấn đề về thủ tục hành chính lại là câu chuyện khó nói trước và có thể ảnh hưởng đến việc chuyến tập huấn có diễn ra hay không dù trước mắt, đường bay đến Hàn Quốc và theo chiều ngược lại trong thời gian tới sẽ dễ dàng hơn so với giai đoạn cả năm 2021. Ở đây, cần sự thấu hiểu, chia sẻ của các cấp quản lý cao hơn để giúp đội hoàn tất khâu chuẩn bị về chuyên môn. Và nếu nhìn sang sự chuẩn bị của các nước khác tại Đông Nam Á thì sẽ không tránh khỏi giật mình. Đội tuyển Singapore đang tập huấn tại Pháp và Italia, tuyển Indonesia tập huấn tại Hungary, tuyển Thái Lan và Philippines cũng tập huấn ở châu Âu, Hàn Quốc. Ngay một đội tuyển ít được đánh giá cao là Brunei cũng đi tập huấn tại Áo và Hungary.

Cũng không ngẫu nhiên khi Ban huấn luyện đội tuyển chỉ đặt mục tiêu giành 3 HCV tại SEA Games 31, còn ít hơn số HCV giành được tại SEA Games 30. Và nếu chỉ giành từng ấy HCV thì đội khó lòng xếp Nhất trên bảng tổng sắp huy chương.

Ngoài ra, vấn đề phòng dịch COVID-19 khi đi tập huấn tại Hàn Quốc cũng cần được coi trọng khi số ca nhiễm tại nước này liên tục tăng trong thời gian gần đây. Nhiều đội tuyển của thể thao Việt Nam có ca mắc khi tập huấn, thi đấu ở nước ngoài là điều cần lưu tâm. Rõ ràng, việc bảo đảm an toàn cho đội tuyển cũng quan trọng không kém việc được thi đấu cọ xát.

Thực tế, hàng loạt khó khăn đang vây bủa các kiếm thủ Việt Nam trước kỳ SEA Games 31 này, nhất là khi thiếu yếu tố thực chiến. Người trong cuộc không muốn đề cập nhiều và vẫn khẳng định nỗ lực vượt khó. Nhưng ở khía cạnh khác, người ta lại mong muốn đội không phải vượt khó mà có đầy đủ yếu tố để hoàn thành mục tiêu.

Chưa giải được bài toán trang thiết bị

Câu chuyện thiếu kiếm tập và thi đấu đã trở thành bệnh kinh niên ở đội tuyển mà lâu nay chưa có thuốc giải. Đấy vẫn là cái khó đeo đuổi đội tuyển đấu kiếm Việt Nam trong thời gian chuẩn bị cho SEA Games 31. (Minh Khuê)

Minh Hà
.
.
.