Dập dìu siêu du thuyền cập bến miền Trung

Thứ Ba, 09/01/2024, 05:41

Chỉ trong vòng một tháng trở lại đây, đã có hàng chục lượt siêu du thuyền cập các cảng ở miền Trung đưa hàng trăm ngàn du khách, thủy thủ ở các thị trường châu Âu đến các địa phương: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam… để tham quan, mua sắm, nghỉ dưỡng. Đây là tín hiệu tích cực của ngành du lịch. Để thu hút thêm du khách tàu biển, các địa phương miền Trung cần tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn, đẳng cấp…

Ngày 7/1 vừa qua, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế phối hợp với Công ty CP Cảng Chân Mây đón chuyến tàu du lịch và những du khách đầu tiên đến tỉnh Thừa Thiên Huế bằng đường hàng hải năm 2024. Chuyến tàu du lịch Celebrity Solstice chở 2.700 khách du lịch đến từ các nước: Anh, Pháp, Mỹ… Tại buổi đón, tỉnh Thừa Thiên Huế dành những phần quà đặc biệt gửi đến thuyền trưởng, các thủy thủ, du khách trên tàu với mong muốn các thủy thủ đoàn và du khách sẽ là cầu nối để có nhiều khách du lịch trên thế giới đến với Thừa Thiên Huế nói riêng và các tỉnh, thành miền Trung nói chung.

tau-bien2.jpg -0
Du khách trên siêu du thuyền cập cảng Chân Mây.

Trước đó, trung tuần tháng 12/2023, Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp các đơn vị liên quan đón đoàn khách tàu biển quốc tế đến tham quan Cố đô Huế trên siêu du thuyền Diamond Princess cập cảng Chân Mây. Đây là chương trình đón đoàn khách tàu biển, hãng tàu du lịch lớn trên thế giới có hành trình trở lại Việt Nam du lịch sau hơn 3 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19… Được biết, rất nhiều du khách trên chuyến tàu đến Thừa Thiên Huế lần đó đã từng đi du lịch bằng tàu biển đến miền Trung vào tháng 2/2020 nhưng không thể cập cảng do quy định phòng, chống dịch COVID-19. Sau 3 năm chờ đợi, rất nhiều khách trong số đó đang thực hiện lại hành trình đến miền Trung đã bị bỏ lỡ.

Chỉ trong tháng 12/2023, có 9 du tàu lớn cập cảng Chân Mây, đưa hơn 36.000 khách và 16.000 thủy thủ đoàn. Riêng, du thuyền Diamond Princess cập cảng Chân Mây 3 lần trong tháng 12/2023, mỗi đợt có 2.800 khách và 1.000 thủy thủ trên tàu. Hầu hết du khách lên bờ đi theo các tour đến Huế, Đà Nẵng hoặc Đà Nẵng - Hội An… Ông Huỳnh Văn Toàn, Tổng Giám đốc Công ty CP cảng Chân Mây cho biết, sau thời gian dịch bệnh, các hãng tàu du lịch biển quốc tế đã bắt đầu phục hồi mạnh mẽ trở lại, nhiều công ty du lịch đăng ký đưa khách cập cảng Chân Mây. Trong năm 2023, cảng Chân Mây đã có 25 chuyến tàu du lịch cập cảng đưa khoảng hơn 50.000 khách du lịch quốc tế và thành viên thủy thủ tàu đến với tỉnh Thừa Thiên Huế. Tính đến nay, số lượng các đại lý đăng ký tàu du lịch sẽ cập cảng Chân Mây vào năm 2024 đã có 32 lượt tàu với gần 60.000 hành khách và hơn 22.000 thuỷ thủ.

Tương tự, tại TP Đà Nẵng, ngày 2/1 vừa qua, Sở Du lịch thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chào đón hơn 2.000 khách du lịch tàu biển và gần 800 thủy thủ đến từ các quốc gia: Anh, Pháp, Italy, Đan Mạch, Hungary, Canada, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia… Đây là đoàn khách quốc tế đường thủy đầu tiên đến Đà Nẵng trong năm 2024. Du khách có 1 ngày tham quan du lịch tại khu di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn, chùa Linh Ứng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm… Trong năm 2023, Đà Nẵng đón 22 chuyến tàu biển với 18.000 lượt khách. Theo lịch của các hãng tàu đã đăng ký với Công ty CP Cảng Đà Nẵng, trong năm 2024, có 45 chuyến tàu với hơn 40.000 lượt khách sẽ cập Cảng Đà Nẵng, trong đó có nhiều du khách sẽ theo tour Đà Nẵng - Huế hoặc Đà Nẵng – Hội An để tham quan, mua sắm, nghỉ dưỡng.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, năm 2023, Thừa Thiên Huế đón 3,2 triệu lượt khách (tăng 56% so với năm 2022), trong đó đáng chú ý là lượng khách quốc tế tăng mạnh với 1,2 triệu lượt (tăng 361% so với năm 2022). Top 10 thị trường khách đến Huế trong năm 2023 là Đài Loan, Thái Lan, Mỹ, Malaysia, Pháp, Anh, Úc, Đức, Tây Ban Nha, Hàn Quốc. Doanh thu từ du lịch đạt hơn 6.606 tỷ đồng Năm 2024, ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế phấn đấu đón khoảng 3,5 - 4 triệu lượt khách, trong đó khách nội địa chiếm khoảng 60-70%, tổng thu từ du lịch khoảng 7.000 - 8.000 tỷ đồng. Trong năm 2024 và những năm tiếp theo, ngành du lịch tỉnh có kế hoạch phát triển các loại hình du lịch với sản phẩm đa dạng, đặc trưng, khác biệt, đẳng cấp bao gồm văn hóa - di sản; sinh thái biển - đầm phá; nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe và khám, chữa bệnh; tâm linh; ẩm thực gắn với hoạt động nông nghiệp và sản phẩm OCOP; hội nghị hội thảo; trong đó du lịch văn hóa - di sản là chủ đạo…

Để thu hút thêm du khách tàu biển đến Thừa Thiên Huế; một số hãng lữ hành, công ty du lịch cho rằng, địa phương cần phải tạo ra những sản phẩm hấp dẫn và có trung tâm mua sắm đẳng cấp. Đây là điều mà ngành du lịch Thừa Thiên Huế trăn trở lâu nay. Thực tế từ nhiều năm cho thấy, rất nhiều tàu cập cảng Chân Mây vào buổi tối, chỉ ở lại 1 đêm và sáng mai tiếp tục hành trình. Bởi, du lịch về đêm ở Huế chưa sôi động, chưa có các trung tâm mua sắm đẳng cấp, dịch vụ về đêm tại Huế chưa được phong phú… nên chưa hút dòng khách hạng sang lưu trú dài ngày.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, năm 2024 thể hiện tinh thần quyết tâm cao nhất của cả hệ thống chính trị các cấp để tập trung nguồn lực xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, ngành du lịch cần tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương về phát triển du lịch thông qua các cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch cụ thể. Đầu tư phát triển cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch chuyên nghiệp, đồng bộ. Nâng cao chất lượng điểm đến, tiếp tục xây dựng các sản phẩm du lịch chủ đạo có thương hiệu trên cơ sở lấy văn hóa Huế làm nền tảng. Tăng cường hoạt động xúc tiến du lịch theo hướng chuyên nghiệp phát triển thương hiệu; đẩy mạnh hợp tác liên kết mở rộng thị trường. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành du lịch, ưu tiên phát triển theo hướng quản lý, trải nghiệm và quảng bá thông minh.

Hải Lan
.
.
.