Đánh giá hiệu quả việc bảo vệ, phát huy di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ
Sau 6 năm kể từ ngày di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức hội thảo về hiệu quả bảo vệ và phát huy di sản này vào đầu tháng 12.
120 đại biểu là các nhà quản lý, chuyên gia, nghệ nhân sẽ cùng hội thảo đánh giá tổng thể công tác quản lý nhà nước trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản; đánh giá hiệu quả thực hiện Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản (giai đoạn 2017-2022) tại các tỉnh, thành phố có di sản và trong cộng đồng người thực hành di sản.
Đây cũng là dịp để các bên cùng chia sẻ kinh nghiệm trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Chương trình hành động quốc gia, những vấn đề trong quản lý di sản.
Theo Cục Di sản Văn hóa, Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt thể hiện truyền thống yêu nước, uống nước nhớ nguồn. Nghi lễ chính, trung tâm của Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là nghi lễ lên đồng – một hình thức diễn xướng dân gian, thể hiện đức tin về sự giáng nhập của các vị thần trong điện thần của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ.
Các giá đồng bao gồm hát văn, trang phục, múa thiêng được kế hợp một cách hài hòa, thể hiện sự giáng đồng của các vị thánh mang tính tâm linh và biểu tượng…