Đằng sau câu chuyện về kỳ tích mang tên Thùy Linh

Thứ Sáu, 24/11/2023, 06:30

Vào thời khắc Thùy Linh giơ nắm đấm lên trời sau trận thắng Carolina Marin, cô gái 26 tuổi biết mình đã làm nên kỳ tích. Phía sau hành trình kỳ diệu ở giải cầu lông China Masters, Thùy Linh đã dần vươn đến đẳng cấp thế giới bằng khả năng của bản thân, cũng như vượt qua nhiều tầng áp lực vô hình.

Nghịch lý của sức ép

Những câu chuyện bên lề liên quan đến lịch trình thi đấu của Thùy Linh dần phức tạp, khi cô chọn tham dự giải cầu lông vô địch quốc gia vào giữa tháng 11. Đó cũng là lúc Nhật Bản tổ chức Japan Masters, giải đấu thuộc cấp độ Super 500 quy tụ nhiều tay vợt hàng đầu. Những tin đồn về việc Linh bỏ sân chơi quốc tế để đấu "ao làng" bắt đầu xuất hiện. Chỉ có tinh thần và nghị lực thép của một tay vợt sống xa gia đình từ nhỏ để theo đuổi cầu lông mới giúp Thùy Linh bỏ ngoài tai mọi lời chỉ trích. Cô hoàn thành hành trình ở sân chơi quốc gia với tấm HCV, sau đó nhanh chóng thu dọn đồ đạc để xuất ngoại. Ở một giải đấu không được kỳ vọng lọt vào sâu như China Masters, Linh lại làm nên điều bất ngờ.

anh1.jpg -0
Thành tích của Thùy Linh ở China Masters không có nghĩa cô sẽ tiếp tục tiến sâu ở những giải tiếp theo.

Trận thắng Carolina Marin có thể được xem như màn trình diễn đỉnh cao trong sự nghiệp thi đấu của Thùy Linh. Lần đầu tiên sau 10 năm thi đấu cầu lông chuyên nghiệp, tay vợt sinh năm 1997 đã đánh bại một đại diện trong top 5 thế giới. Đáng chú ý hơn, bại tướng của cô còn là cựu vô địch Olympic, từng 3 lần vô địch thế giới và vẫn đang thi đấu rất tốt ở tuổi 30.

Đâu là lý do khiến Thùy Linh thi đấu tốt ở một giải đấu như China Masters, nhưng lại không thành công tại Korea Masters? Một số VĐV đỉnh cao cho biết, những người như Thùy Linh chịu "nghịch lý sức ép" khi ra sân chơi quốc tế. Họ chơi tốt những giải đấu lớn mà không kỳ vọng quá nhiều, nhưng lại không có thành tích như mong muốn khi đấu giải nhỏ.

2 tuần trước thời điểm Thùy Linh lên đường sang Trung Quốc dự China Masters, cô bất ngờ chịu áp lực từ nhiều phía. Tay vợt nữ số 1 Việt Nam được xếp hạt giống số 5 tại giải cầu lông Korea Masters, nhưng cô lại không thể vào tới vòng tứ kết như kỳ vọng. Thay vào đó, Linh để thua một đối thủ có thứ hạng quốc tế thấp hơn mình khá nhiều ở vòng 1/8. Trong môn cầu lông, ở một trận đấu bất kỳ, việc một tay vợt thắng người giỏi hơn mình, hoặc thua người kém hơn mình là điều hoàn toàn bình thường. Xác suất thắng thua trong mỗi lần so tài luôn xuất hiện. Tuy nhiên, đó chỉ là câu chuyện được thấu hiểu, đồng cảm giữa những người trong nghề. Với công chúng, Thùy Linh chịu áp lực "phải thắng".

"Vận động viên ra sân ai cũng muốn giành chiến thắng, ai cũng muốn vô địch. Nhưng họ không phải người duy nhất khát khao điều đó. Chúng tôi phải cạnh tranh với hàng chục, hàng trăm VĐV khác giỏi như mình, thậm chí hơn mình. Kết quả là điều không thể biết trước nên sẽ có lúc chúng tôi vượt qua kỳ vọng, hoặc không đạt mục tiêu đề ra", một VĐV chia sẻ.

Chỉ tiêu và thành tích

Trước ngày lên đường sang Trung Quốc dự China Masters, Thùy Linh và HLV Ngô Trung Dũng không kỳ vọng quá nhiều vào việc tiến sâu tại giải. Hơn ai hết, bản thân cô và HLV đều hiểu, khoảng cách giữa cầu lông Việt Nam và quốc tế vẫn còn rất xa. Việc Thùy Linh tiến sâu, vì thế, cần được hiểu như một khoảnh khắc xuất thần chứ không phải điều đương nhiên. Nếu ngộ nhận về thành tích của Thùy Linh tại China Masters, cô sẽ gặp áp lực phải lặp lại kết quả tương tự ở những giải đấu tiếp theo. Nhưng tiêu chí như chỉ tiêu, thành tích sẽ bất ngờ được đề cập tới. Đó cũng là lúc một VĐV tài năng có thể bị choáng ngợp trong kỳ vọng, thay vì được tạo điều kiện để tiếp tục tiến bộ trong tương lai.

Kết thúc ASIAD 19, khi được hỏi về việc thành tích của đoàn thể thao Việt Nam chỉ đạt vừa đủ mức kỳ vọng, ông Đặng Hà Việt, Cục trưởng Cục TDTT đã thẳng thắn thừa nhận nhiều điểm thiếu hợp lý của việc phát triển thể thao Việt Nam. Một trong số đó là việc đầu tư, phát triển thể thao cần hướng đến mục tiêu lâu dài, khi cần 8-10 năm mới có thành quả. Con số 8-10 năm thực sự vượt quá xa tầm nhìn của nhiều người làm thể thao, đặc biệt với các địa phương nhỏ. Nó tương đương 2 nhiệm kỳ liên tiếp của một Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bên cạnh việc đòi hỏi thành tích tức thời, cách làm thể thao hiện tại của Việt Nam còn không cho phép thất bại được diễn ra.

Điều éo le với nhiều VĐV Việt Nam, đó là những người làm quản lý thường không chấp nhận kịch bản thành tích không như kỳ vọng. Thay vì bình thản đón nhận kết quả thấp hơn mong muốn để hướng đến thành công trong tương lai, nhà quản lý thường khiến HLV, VĐV phải chịu chỉ trích nặng nề. Vì thế, cái cây có thể bị chặt mà không có cơ hội ra trái ngọt.

Kết thúc Đại hội Thể thao Toàn quốc 2022, nhiều địa phương đã chứng kiến tình trạng "trảm" hàng loạt bộ môn thể thao. Đây là kết quả của việc thành tích trong kỳ "Olympic Việt Nam" không đạt mức kỳ vọng. Với những bộ môn, những địa phương có thành tích đạt chỉ tiêu, họ phải lập tức bắt tay vào làm đề án hướng đến chỉ tiêu của Đại hội 2026.

Chỉ khi nào những VĐV như Thùy Linh được phép thua đối thủ yếu hơn ở các giải đấu quốc tế mà không nhận chỉ trích, khi đó thể thao Việt Nam mới có thể chuyển mình. Đó cũng là dấu hiệu cho thấy hướng làm cũ của thể thao thành tích cao không còn tồn tại, ngay cả trong tư tưởng.

Ai sẽ nối bước Thùy Linh, Tiến Minh trong tương lai?

Tại Việt Nam, mỗi môn thể thao thành tích cao được tổ chức khoảng 3-4 giải hàng năm. Tuy nhiên, cầu lông đã phát triển hơn một bậc. Trung bình mỗi năm, các vận động viên Việt Nam thi đấu khoảng 5 giải trong nước, bao gồm cả các giải đấu cá nhân và đồng đội. Nếu tính thêm 3 giải quốc tế thường niên tổ chức tại Việt Nam, con số sẽ lên tới 8 giải. Điều bất hợp lý là bất chấp việc số lượng các giải đấu trong nước và quốc tế được tổ chức liên tục, cầu lông Việt Nam vẫn không có nhiều vận động viên đủ khả năng thi đấu quốc tế. Nguyễn Tiến Minh ở tuổi 40 vẫn đủ khả năng ít nhất lọt vào vòng bán kết mỗi giải đấu. Thùy Linh cũng hiếm khi nào thua một set ở giải vô địch quốc gia.

Một trong những nguyên nhân khiến cầu lông Việt Nam chưa có những tay vợt tiếp bước Thùy Linh, Tiến Minh là bởi môn thể thao này tốn rất nhiều kinh phí phát triển. Với Thùy Linh, cô phải thi đấu các giải nhỏ trong vòng 2 năm để tích điểm trước khi hướng đến những giải lớn hơn. Ở mỗi giải nhỏ đó, Thùy Linh tiêu tốn khoảng 50 triệu đồng/tuần.

An Khánh
.
.
.