CLB Thanh Hoá nợ lương, thưởng của cầu thủ: “Con có khóc, mẹ mới cho bú”!
Một lá đơn khiếu nại của gần 20 cầu thủ Thanh Hoá được công khai trên mạng xã hội vào ngày 5/8. Một ngày sau, lãnh đạo tỉnh xuống làm việc với CLB Thanh Hoá. Ít lâu sau, đội bóng xứ Thanh được “bật đèn xanh” về cơ chế vận hành. Một số khoản tồn đọng được hứa giải quyết trong tháng này.
Ai cũng kể khổ
Nguồn cơn của sự việc bắt đầu từ ngày 5/8. 18 trên 21 cầu thủ CLB Thanh Hoá đá ký vào đơn khiếu nại gửi UBND tỉnh Thanh Hoá, LĐBĐ Việt Nam và CLB Thanh Hoá. Đơn khiếu nại này được các cầu thủ chia sẻ trên mạng xã hội kèm thông điệp: “Phía sau lưng mỗi cầu thủ còn cuộc sống và gia đình. Kính mong các cấp lãnh đạo có thẩm quyền lắng nghe và giải quyết”.
Nội dung của đơn khiếu nại xoay quanh các khoản nợ thưởng, phí lót tay và tiền lương trong hai mùa giải 2023 và 2023/24. Các cầu thủ Thanh Hoá cho biết, CLB đang nợ họ gần 20 tỷ đồng từ các khoản thưởng, phí lót tay cộng với tiền lương từ tháng 5/2024 đến tháng 7/2024. Các cầu thủ xứ Thanh cho biết, họ chưa được thanh toán hết khoản tiền thưởng mùa giải 2023 sau khi đội bóng giành chiến thắng tại cúp Quốc gia. Số tiền thưởng các trận thắng bán kết, chung kết đến từ ban tổ chức, tỉnh thành và các nhà tài trợ chưa được CLB thanh toán là 6,6 tỷ đồng.
Tổng số tiền thưởng các trận thắng ở V.League các cầu thủ chưa nhận được lên tới 1,3 tỷ đồng.
Mùa giải 2023/24, các cầu thủ cũng chưa nhận tiền thưởng 8,3 tỷ đồng sau khi bảo vệ thành công chức vô địch cúp Quốc gia. Đội bóng cũng chưa trả 400 triệu tiền thưởng trận thắng Quảng Nam tại V.League, nợ lương các tháng 5, 6 và 7. Tổng các khoản nợ trong 2 mùa là 16,6 tỷ đồng. Ngoài ra, một số cầu thủ Thanh Hóa vẫn chưa được nhận khoản phí lót tay đợt 2 theo cam kết đã ký kết trước đó trong hợp đồng.
Vụ việc nhanh chóng được chia sẻ rộng khắp vào tối cùng ngày. Điều đáng nói, thông tin diễn ra 1 ngày trước khi lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá có lịch trình làm việc với đội bóng xứ Thanh. Hẳn nhiên, các cầu thủ cần một đòn bẩy, để khó khăn của bản thân không chỉ dừng lại ở việc lan toả mà còn được đúng người, đúng việc giải quyết.
Nhưng đâu chỉ có các cầu thủ Thanh Hoá cần một cái cớ để bày tỏ nỗi lòng. Bản thân đội bóng Thanh Hoá cũng cần một điểm tựa để hy vọng khó khăn, vướng mắc của CLB được lãnh đạo tỉnh thông qua và giải quyết. Câu chuyện thực tế sau đó hài hoà cho tất cả. Về phía những tồn đọng lương, lót tay của cầu thủ, CLB Thanh Hoá sẽ giải quyết trong tháng 8. Câu chuyện thưởng tiền cũng sẽ được đội bóng dựa trên quy chế để phân chia hợp lý đến các thành viên trong đội.
Ở góc độ CLB Thanh Hoá, họ cũng được tạo những cơ chế thuận lợi, cả về góc độ tài chính lẫn cơ sở phát triển hạ tầng từ phía tỉnh nhà. Đó chính là điều mà đội bóng xứ Thanh cần ở thời điểm này. Bởi vốn dĩ nhiều lần trước đó, những đề xuất của Ban lãnh đạo CLB Thanh Hoá chưa được giải quyết triệt để.
Vì ta cần nhau
Theo tìm hiểu, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đồng ý chủ trương nâng cấp về ghế ngồi, sân bãi, lắp đặt máy phát điện cho sân Thanh Hoá. Bên cạnh đó, các hạng mục liên quan đến phòng chức năng phục vụ cho công tác tập luyện, thi đấu của CLB Thanh Hoá như khu vực tập phục hồi, bể sục, chỗ ăn ở của cầu thủ… cũng được lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hoá tán thành đồng thuận. Đặc biệt, câu chuyện xin sân tập riêng cho CLB bóng đá cũng được lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hoá quan tâm. Bởi cho đến hiện tại, đội 1 của Thanh Hoá vẫn tập trên sân chính. Các cầu thủ U13 và U15 Thanh Hoá phải rèn luyện ở sân nhân tạo, trong khung giờ thiếu khoa học.
Nhìn từ câu chuyện đến cách giải quyết sự việc, không khó để nhận thấy sự tương hỗ 3 bên giữa cầu thủ, Ban lãnh đạo CLB Thanh Hoá và lãnh đạo địa phương. Cầu thủ cần nhận được chế độ đãi ngộ như Ban lãnh đạo đội bóng cam kết. Những người đứng đầu đội bóng cần sự hỗ trợ từ tỉnh nhà trong việc vận hành đội. Trong khi đó, lãnh đạo địa phương không muốn chứng kiến cảnh doanh nghiệp trả lại đội bóng cho tỉnh, nhất là khi tình yêu bóng đá tại Thanh Hoá lớn thuộc diện top đầu của Việt Nam!
Cũng từ những mối quan hệ liên kết chặt chẽ với nhau mà khó khăn của CLB Thanh Hoá sớm được tháo gỡ. Điều đó khác với câu chuyện ở những địa phương khác, khi nhiều đội đã hoặc đang đứng trên bờ vực giải thể bởi những rắc rối không thể tháo gỡ về mặt kinh tế. Song ở một chiều hướng khác, câu chuyện tại Thanh Hoá hay nhiều nơi ở Việt Nam vẫn phơi bày vấn đề liên quan đến tính thiếu chuyên nghiệp của bóng đá nước nhà.
Một khi “bầu sữa” không còn được đảm bảo, địa phương không tạo được cơ chế, doanh nghiệp rút khỏi việc quản lý và vận hành đội bóng, ngay lập tức, CLB sẽ rơi vào tỉnh cảnh nợ nần trước khi có nguy cơ biến mất khỏi bản đồ bóng đá Việt Nam. Nội lực về vị thế, kinh tế của các CLB Việt Nam quả thực quá mong manh. Câu chuyện “con khóc thì mẹ mới cho bú” cứ tiếp diễn cho đến khi nào bầu sữa cạn kiệt…
U21 Thanh Hoá thăng hoa
Đúng ở giai đoạn đội 1 CLB Thanh Hoá tháo gỡ được “quả bom nổ chậm”, đội U21 của xứ Thanh lập tức tạo địa chấn tại giải U21 quốc gia. Cụ thể tại vòng tứ kết, CLB này đã thắng U21 Đồng Tháp với tỷ số… 10-1! Đội bóng trẻ xứ Thanh ghi 5 bàn mỗi hiệp. 4 cầu thủ của đội thi nhau lập cú đúp.
Nguồn lực trẻ của U21 Thanh Hoá là cơ sở để đội bóng này hy vọng phát triển đường dài. Âu, đó cũng là giá trị cốt lõi để một bóng đá tại địa phương duy trì ổn định từ năm này qua năm khác.